Đất công, tài sản công chưa phát huy hiệu quả

THIÊN YẾT| 01/06/2018 05:09

Bước sang tuần làm việc thứ hai, các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề quan trọng.

Đất công, tài sản công chưa phát huy hiệu quả

Một khu đất vàng ở trung tâm TP.HCM vẫn chưa triển khai xây dựng trong nhiều năm

Ngày 28/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011- 2016. Đáng chú ý trong báo cáo này là việc nhiều DNNN đã vi phạm liên quan đến đất đai, cụ thể là việc chưa quản lý đất chặt chẽ, nhiều diện tích đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm.

Chẳng hạn, các đơn vị thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tự ý cho nhiều người bên ngoài thuê đất, mặt bằng để kinh doanh những lĩnh vực không liên quan đến ngành đường sắt. Các đơn vị này đã phân, giao, cho mượn đất không đúng thẩm quyền dẫn đến tình trạng không quản lý được trong khi tiền sử dụng đất vẫn phải nộp thay hoặc nhận nợ với Nhà nước.

Tổng công ty Lương thực Miền Nam và các đơn vị thành viên đã vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng đất, sử dụng đất không hiệu quả, để đất trống, một số nhà đất cho thuê, sử dụng không đúng mục đích với tổng diện tích hơn 195.788m2.

Link bài viết

Tình trạng lãng phí đất công không chỉ ở các DNNN mà còn diễn ra tại các đơn vị sự nghiệp ở các thành phố lớn, nhiều khu nhà đất án ngữ "vị trí vàng" không phát huy được hiệu quả kinh tế. Điều này chẳng những gây bức xúc trong dư luận mà còn làm thất thu ngân sách nhà nước.

Mới đây, trong quá trình thanh tra về công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2011 - 2016, Thanh tra Chính phủ kết luận, địa phương này đã sai phạm trong việc giao khu đất hơn 10.400m2 cho Công ty Lotte Việt Nam thuê khi chưa thông qua đấu giá, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

"Khu đất vàng" số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) cũng đã bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi. Theo Thanh tra Chính phủ, với giá thị trường hiện nay, nếu đấu giá khu đất này sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng (khoảng 400 triệu đồng/m2) cho ngân sách, thay vì duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình trên khu đất là hơn 621 tỷ đồng (với đơn giá thuê đất hơn 2,5 triệu đồng/m2) như đề xuất của Sở Tài chính TP.HCM. Khu đất số 8 -12 Lê Duẩn đã được UBND TP.HCM xác lập sở hữu nhà nước từ năm 1994.

Công ty TNHH MTV Quản lý, Kinh doanh nhà TP.HCM được giao nhiệm vụ quản lý, đã cho 4 công ty thuộc Bộ Công Thương thuê để làm trụ sở. TP.HCM là đô thị có lượng lớn đất công, nhiều khu đất trong số đó chưa khai thác đúng với giá trị thực. Thành phố có gần 13.000 địa chỉ nhà đất công, với gần 11.000 địa chỉ do thành phố quản lý và 2.000 địa chỉ do trung ương quản lý.

Việc phát hiện hàng loạt vấn đề liên quan đến nhà, đất công sau khi thanh tra, kiểm tra thực tế là nội dung chính được các đại biểu HĐND TP.HCM nêu ra trong buổi giám sát về quản lý nhà, đất công tại Sở Tài chính TP.HCM mới đây. Các đại biểu cho rằng, Sở Tài chính mới chỉ đánh giá số lượng, chưa đánh giá hiệu quả sử dụng khối tài sản công rất lớn trên địa bàn.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Thanh tra TP.HCM, qua việc thanh tra một số đơn vị trong 2 năm 2016 - 2017, 103 cơ sở nhà đất công sản có sai phạm đã bị phát hiện. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đất công, nhà công sản nếu muốn khai thác đúng giá trị thực và bổ sung đáng kể vào nguồn thu ngân sách, cần thiết phải có tư vấn độc lập định giá, đồng thời tổ chức đấu giá công khai, minh bạch để tất cả doanh nghiệp đều có thể tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đất công, tài sản công chưa phát huy hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO