Đại diện doanh nghiệp châu Âu: "Việt Nam nên nghĩ đến lợi thế cạnh tranh toàn cầu"

Mỹ Huyền| 10/09/2021 06:00

Đại diện doanh nghiệp châu Âu nhận định chỉ khi đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine cho khu vực sản xuất và nới lỏng các quy định trong hoạt động sản xuất thì DN mới giảm bớt khó khăn. Hơn nữa, ưu tiên cho sức khỏe người dân và người lao động trong thời gian chống dịch là những vấn đề cần làm ngay.

1-4950-1631196447.png

EuroCham tặng thiết bị y tế cho bệnh viện. Ảnh: EuroCham

Thông tin trên được ghi nhận tại họp báo của EuroCham về nội dung Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện Đại sứ quán các nước thành viên châu Âu và một số DN tiêu biểu đang hoạt động tại Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bối cảnh đại dịch Covid-19 trong chiều ngày 9/9/2021. 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Alain Cany cho hay 13 đại diện đến từ các ngành nghề khác nhau đã kiến nghị cùng Thủ tướng về các ảnh hưởng nặng nề từ dịch lên hoạt động sản xuất ở các tỉnh thành phía Nam. Ông cũng bày tỏ mong muốn các cấp thực thi tại địa phương hiểu rõ và thực hiện đúng chỉ thị của Chính phủ trong thời gian giãn cách.

Ông Guru Mallikarjuna - Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam nhấn mạnh đến nay các DN trong Eurocham đã đuối sức khi thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" (3T-1C). Các quy định di chuyển giữa các tỉnh thành đang là vướng mắc cho công nhân sống ở tỉnh này nhưng làm việc ở tỉnh khác. Công nhân ở tại nhà máy dài ngày cũng là một gánh nặng chi phí cho DN vì họ phải trang trải cho việc ăn ở đúng quy định của nhân viên. Cũng quy định này đang làm chậm lại quá trình phân phối hàng hóa giữa các doanh nghiệp. 

Ông Guru nhấn mạnh cần có các hướng dẫn cụ thể về hàng thiết yếu và 3T-1C để các cơ quan địa phương áp dụng hiệu quả hơn. Điều quan trọng hơn hết là ưu tiên khu vực sản xuất phải được tiêm vaccine để việc sản xuất trở lại bình thường. Theo ông, việc ưu tiên này không chỉ có lợi cho DN mà còn cho Chính phủ Việt Nam.

Nghị định 152/2020/ NĐ-CP mới ra đời tháng 12/2020 có các điều kiện khắt khe hơn đối với giấy phép lao động tại Việt Nam và bổ sung các yêu cầu về thủ tục giấy tờ trong việc thuê và quản lý lao động người nước ngoài. Đây là nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn lao động nước ngoài nhập cư bất hợp pháp.

Tuy nhiên, đây cũng là một rào cản mới cho DN nước ngoài tại Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài về nước vài tháng khi sang lại Việt Nam lại phải đăng ký lại từ đầu dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, DN Ý lúng túng về các thủ tục giấy tờ đầu tư vào Việt Nam nhưng không biết hỏi ai. Hiệp Hội Doanh nghiệp Ý tại Việt Nam (ICHAM) đã thu thập các thắc mắc của DN và tìm lời giải cho họ. Cập nhật thủ tục đăng ký giấy phép lao động, thẻ tạm trú và thị thực và thuế, thủ tục pháp lý kinh doanh là những câu hỏi thường gặp. 

Ngoài ra, do thiếu thông tin, những DN này cũng không hiểu nắm sự điều chỉnh/ thay đổi về chính sách khi bộ máy nhân sự mới được hình thành vài tháng sau bầu cử, đặc biệt là với những DN có người nước ngoài sắp hết hạn giấy phép lao động. Khảo sát cho thấy người nước ngoài làm việc tại nhiều công ty lo lắng về giấy phép và thủ tục thuế.

Với những yêu cầu hiện nay về thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia, DN cũng cần cập nhật thêm về điều kiện đưa chuyên gia về nước. ICHAM đã mời các văn phòng luật sư VIVA Business Consulting tư vấn cho từng DN Ý có thắc mắc về những cập nhật mới về chính sách để các DN này yên tâm làm việc và kinh doanh theo đúng luật Việt Nam tại thời điểm dịch bệnh. 

Một trong các yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài là các quy định thân thiện với nhà đầu tư, ông Erwin Debaere, Giám đốc Tài chính Perfetti Van Melle Việt Nam cho hay. Theo đó, nếu Nghị định 152 được điều chỉnh thân thiện hơn với các chuyên gia nước ngoài sẽ giúp DN ngoại dễ dàng cân nhắc điều kiện đầu tư đầu tư vào Việt Nam hơn.

Ông Alain cũng nêu thực tế trên thế giới, một số quốc gia đã mở cửa trở lại, nhu cầu ở châu Âu tăng mạnh, nhưng do không thể sản xuất được nên 18% đơn hàng của các DN châu Âu đã được chuyển đi và 16% đơn hàng khác đang cân nhắc chuyển sang nước khác.

"Dù quyết định này chỉ là tạm thời, chưa có các nhà đầu tư nào rút ra khỏi Việt Nam và nhiều DN vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai của quốc gia. Chúng tôi mong muốn Chính phủ hành động sớm để kiểm soát dịch bệnh, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Alain khẳng định.

Tuy nhiên, ông Alain nhấn mạnh chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham hiện ghi nhận kết quả thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Nguy cơ các nhà sản xuất châu Âu dịch chuyển sang thị trường Trung Quốc là có thật, nếu việc giãn cách kéo dài thêm vài tháng tới.

Ông Alain cho biết: "DN sẽ không còn sức để tiếp tục đội chi phí sản xuất lên mãi mà không biết khi nào mới có lãi. Do đó, DN có thể phải dịch chuyển để tiếp tục hoạt động ổn định hơn. Việt Nam nên nghĩ đến lợi thế cạnh tranh toàn cầu lúc này và giữ vững phong độ".

Theo chủ tịch EuroCham, những gì các DN thành viên cần là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại, một giải pháp giải quyết những rào cản đối với hoạt động thương mại, một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh.

Để hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19, EuroCham đã tổ chức chiến dịch ‘Breathe Again - Hồi sinh Nhịp thở’ đã kê gọi được quỹ gần 4 tỷ đồng từ các DN châu  Âu và các nhà đầu tư cá nhân để mua trang thiết bị y tế thiết yếu. Đến nay, một máy thở đã được chuyển đến BV Nguyễn Tri Phương tại TP.HCM. 3 máy thở khác cùng với 2 máy monitor theo dõi bệnh nhân được chuyển tới BV Becamex Bình Dương. 

Bên cạnh đó, EuroCham cũng cam kết cung cấp 15 triệu liều vaccine cho Việt Nam qua cơ chế COVAX. Hiện nay, các nước trong khối châu Âu đã cung cấp khoảng 3-4 triệu liều và đã về tới Việt Nam. Dù các DN châu  Âu đã cố gắng đấu tranh mang thêm nhiều vaccine về Việt Nam hơn nhưng hiện tại các nhà cung cấp chỉ thực hiện hợp đồng với các Chính phủ thông qua cơ chế COVAX.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại diện doanh nghiệp châu Âu: "Việt Nam nên nghĩ đến lợi thế cạnh tranh toàn cầu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO