"Cứu" doanh nghiệp bằng chương trình cho vay mới

HẢI VÂN| 28/04/2014 07:36

Lãi suất ngân hàng liên tục giảm nhưng doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn bởi không còn tài sản để thế chấp. “Cứu” doanh nghiệp cần một chương trình cho vay mới.

Theo Báo cáo tổng quan về tình hình doanh nghiệp và nhiệm vụ kinh tế - xã hội các năm 2014 – 2015 được trình bày tại Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014" diễn ra ngày 28/4, doanh nghiệp Việt Nam có những chuyển biến tích cực thời gian qua nhưng sự phát triển còn nhiều hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, thị trường trong nước phát triển chậm, nguy cơ mất thị phần gia tăng; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn...

Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp, PV Doanh Nhân Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành. Ông Thành đã đưa ra đề xuất về một chương trình cho vay mới nhằm "cứu" doanh nghiệp.

Ông nói:

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành

“Lãi suất ngân hàng liên tục giảm nhưng doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn bởi không còn tài sản để thế chấp. “Cứu” doanh nghiệp cần một chương trình cho vay mới.

Điều 10 và 11 Luật Ngân hàng cho phép Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền quyết định về lãi suất và có quyền cho ngân hàng thương mại vay với điều kiện khác. Chiếu theo những điều khoản đó, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể lập ra chương trình cho vay mới.

Ngân hàng Nhà nước quyết định lãi suất là 2-3% và cho vay chiếu theo Điều 11 và những điều kiện khác, lập ra quy chế cho ngân hàng thương mại vay. Những doanh nghiệp nào vào chương trình này có thể hoàn toàn “cách ly” với nợ cũ.

Doanh nghiệp có dự án khả thi, có thị trường, có thị phần, sản phẩm tốt, quản trị hiệu quả có thể tới ngân hàng thương mại vay với lãi suất 5-6%. Như vậy, ngày mai chúng ta có nguồn vốn cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, một chương trình đặc biệt cần một cơ chế giám sát đặc biệt. Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách và kèm theo những quy chế, tiêu chí cho chương trình. Ngân hàng thương mại phải cho vay đúng quy định.

Ngân hàng thương mại chỉ cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời phải giám định tất cả những dự án. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm giám định cho vay, giám sát hoạt động cho vay và thu hồi vốn vay. Như vậy, ngân hàng thương mại cũng sẽ hoạt động lành mạnh và chuyện này có thể làm ngay ngày mai”.

8 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 - lần đầu tiên Thủ tướng và 3 Phó thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh cùng tham dự.

Tại Hội nghị, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gửi đến Chính phủ 8 kiến nghị, gồm:

Thứ nhất, cần đổi mới hệ thống pháp luật về kinh doanh để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp. Trọng tâm là sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thông thoáng hơn nữa, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Thứ hai, chính sách tài khóa cần thực hiện theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm tới, rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% với doanh nghiệp lớn và 18% với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, chính sách tín dụng cần được tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng.

Thứ tư, chính sách công nghệ cần định hướng giúp các doanh nghiệp tạo ra bước bứt phát, đón đầu để đạt tới trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực. Xây dựng được hàng rào công nghệ để bảo đảm lựa chọn công nghệ phù hợp trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, chính sách thị trường phải bảo đảm trên thực tế sự bình đẳng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn và khu vực FDI trong tiếp cận các nguồn lực, đất đai, tín dụng, các dự án đầu tư công và mua sắm.

Thứ sáu, về quan hệ lao động, cần giãn tiến độ tăng tiền lương tối thiểu ít nhất thêm hai năm, mức tăng ấn định trên cơ sở tỷ lệ lạm phát cộng với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và có thể dự tính được để giảm bớt gánh nặng chi phí quá nhanh cho doanh nghiệp; sửa đổi quy định về thời gian làm thêm đối với người lao động theo hướng tăng từ 200 giờ lên 300 giờ.

Thứ bảy, công bố bộ thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp trên cơ sở rà xét, loại bỏ trùng lặp giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành. Tiến tới xây dựng Bộ Luật thống nhất về thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.

Thứ tám, tăng cường đối thoại hợp tác giữa các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp, nâng cao vai trò và trách nhiệm của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. VCCI đề nghị cuộc gặp Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tổ chức thường niên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cứu" doanh nghiệp bằng chương trình cho vay mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO