CPI tháng 4: TP.HCM và Hà Nội đều “ngất ngưởng”

21/04/2011 06:25

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 tại Tp.HCM vừa được công bố với mức tăng 3,16% so với tháng 3, cao hơn rất nhiều so với con số được công bố cách đây 1 tháng. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ sau tháng 5/2008.

CPI tháng 4: TP.HCM và Hà Nội đều “ngất ngưởng”

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 tại TP.HCM vừa được công bố với mức tăng 3,16% so với tháng 3, cao hơn rất nhiều so với con số được công bố cách đây 1 tháng. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ sau tháng 5/2008.

Nhiều loại thực phẩm tăng giá rất mạnh trong tháng 4.

Các mức so sánh khác cũng được điều chỉnh mạnh, so với tháng 12/2010, chỉ số giá tháng này đã tăng 8,2%; so với cùng kỳ tăng 13,99%, trong khi cuối tháng trước mới ở mức lần lượt là 4,99% và 10,86%.

Nhìn trên tổng thể, CPI tháng này tại TP.HCM chịu tác động mạnh của 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng quan trọng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; giao thông; và nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng, các mức tăng lần lượt là 4,56%; 5,77% và 4,12%.

Các chú ý được hướng vào mức tăng giá khá mạnh của nhiều mặt hàng thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình trong tháng này, ảnh hưởng mạnh đến nhóm thứ nhất, có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Trong khi đó, xăng dầu, gas, xi măng, điện… tăng giá là yếu tố ảnh hưởng đến các nhóm sau.

Với sự đột biến của CPI 3 nhóm kể trên, mức tăng trên 1% trong tháng này của nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa, giải trí và du lịch trở nên kém được chú ý hơn. Tuy vậy, nhìn vào các nhóm này cũng thấy phần nào tác động từ tăng giá đầu vào nguyên liệu nhập khẩu, thay đổi tỷ giá, và một phần tăng giá tâm lý.

Với Hà Nội, cơ quan thống kê cũng vừa cho biết, CPI tháng 4/2011 tăng 3,28% so với tháng trước. Như vậy, đây là mức tăng cao nhất kể từ sau tháng 2/2008, thời điểm lạm phát lên đến đỉnh điểm trước đó.

So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng này đã tăng 9,66%; so với cùng kỳ tăng 17,51%.

Cũng tăng đột biến ở 3 nhóm chính: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; giao thông; và nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng, nhưng với Hà Nội, các chỉ tiêu này đều tăng cao hơn so với đầu kia của đất nước. Lần lượt mức tăng là 5,06%; 5,82% và 4,28%.

Cùng các nguyên nhân tăng giá chung do tác động từ điều chỉnh giá xăng dầu, điện, gas… Hà Nội có một số khác biệt với Tp.HCM, chủ yếu do mức tăng lương thực cao hơn nhiều. CPI nhóm này tăng 5,02% trong tháng 4, vào thời điểm giáp hạt tại miền Bắc.

Ở các nhóm còn lại, chỉ có may mặc, mũ nón, giày dép tăng trên 1% nhưng nói chung các nhóm này tăng thấp hơn Tp.HCM. Đặc biệt nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chỉ tăng khá thấp, trái ngược với Tp.HCM, dù tại miền Bắc mùa lễ hội vẫn chưa qua.

Như vậy, gần như chắc chắn CPI cả nước tháng này sẽ tăng cao hơn so với tháng trước (tháng 3 tăng 2,17%). Những dự báo mới hơn đang hướng đến mức tăng khoảng 3,2% của CPI tháng 4 cả nước so với tháng 3.

“Đó có thể chỉ là vài canh giờ tối trước khi trời sáng”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia thông báo các chỉ tiêu về lạm phát của TP.HCM và Hà Nội. Nhìn nhận về xu hướng lạm phát, ông Nghĩa khẳng định rằng: “Đây sẽ là tháng mà CPI tăng cao nhất trong năm nay”.

Cơ sở cho nhận định này, theo ông Nghĩa, căn cứ vào độ trễ chính sách tiền tệ khoảng 4-5 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CPI tháng 4: TP.HCM và Hà Nội đều “ngất ngưởng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO