Công nghiệp chế biến, chế tạo là "điểm sáng" của kinh tế Việt Nam 2018

Thúy Hiền| 28/12/2018 00:06

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 12,98% trong năm 2018, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là

Chế biến chôm chôm xuất khẩu. Ảnh: Bùi Viết Đồng (cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt 2018)

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức cao nhất từ năm 2008 đến nay do các yếu tố tích cực nội tại như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tiêu dùng tư nhân tăng trưởng tương đối cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lạm phát duy trì mức thấp trong những năm gần đây, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được củng cố, các ngành lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ thị trường tiếp tục duy trì tăng trưởng cao...

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến tăng trưởng trong các năm tới. Cuộc trao đổi dưới đây giữa phóng viên TTXVN và Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho thấy bức tranh kinh tế năm 2018 và 2019 sắp tới.

* Thưa ông, xin ông cho biết những đánh giá về tình hình kinh tế năm 2018 và cho biết những ngành, lĩnh vực nào khởi sắc giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2018?

- Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cung-cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017, là mức tăng cao nhất 11 năm qua, vượt mục tiêu 6,7% của Chính phủ. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường.

Kinh tế năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Ngành nông nghiệp khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cao nhất giai đoạn 2012-2018; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%. Điều này cho thấy chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Link bài viết

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ thị trường tăng trưởng khá đã góp phần đưa mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ năm 2018 lên 7,03%, cao hơn so với các năm 2012-2016. Sức mua tiêu dùng ngày càng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.

Sự khởi sắc của các ngành kinh tế đã đưa xuất khẩu trở thành điểm sáng của năm 2018. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 7%-8% và Nghị quyết 01 của Chính phủ là tăng 8%-10%). Năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,2 tỷ USD, là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

* Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng cho các năm tới. Ông nhận định về tình hình này như thế nào?

- Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức cao nhất từ năm 2008 đến nay do các yếu tố tích cực nội tại như: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tiêu dùng tư nhân tăng trưởng tương đối cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lạm phát duy trì mức thấp trong những năm gần đây, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được củng cố, các ngành lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ thị trường tiếp tục duy trì tăng trưởng cao...

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến tăng trưởng trong các năm tới, có thể kể đến là: nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài (độ mở nền kinh tế lớn) phản ánh thực tế mọi biến động của thế giới đều có thể tác động tới nền kinh tế trong nước, thậm chí nền kinh tế trong nước có thể bị cuốn vào “vòng xoáy” của những biến động đó. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các thị trường lớn, xuất khẩu khu vực trong nước có cải thiện nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn lớn (chiếm trên 70%).

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ra đời và áp dụng công nghệ mới, kết hợp kiến thức trong các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học... tạo ra xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Điều này trở thành động lực mới cho phát triển nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với những nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình như Việt Nam.

Từ năm 2019 Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là các cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, sở hữu trí tuệ... sẽ mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước.

Ngoài ra, còn những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế, như: Trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá, những lợi thế so sánh truyền thống của Việt Nam có xu hướng giảm dần. Việc tận dụng, khai thác lợi thế từ quá trình hội nhập quốc tế còn hạn chế.

Đặc biệt, từ năm 2019 Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là các cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, sở hữu trí tuệ... sẽ mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu thiên tai, bão, lũ... luôn là thách thức tiềm ẩn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

* Với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế, mục tiêu kinh tế năm 2019 sẽ có vai trò thế nào trong giai đoạn 2016-2020. Theo ông, những yêu cầu nào cần đặt ra để phấn đấu trong năm 2019, góp phần thành công cho giai đoạn 2016-2020?

- Nếu năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 thì năm 2019 có thể coi là năm “bứt phá” nhằm tạo động lực cho kinh tế Việt Nam về đích vào năm 2020. Nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế 2019 là vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thực chất hơn nữa mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế để duy trì đà tăng trưởng như hiện nay.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%-7% Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đi được hơn một nửa đoạn đường với kết quả khả quan giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng bình quân 6,7%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 của Quốc hội đề ra là 6,6%-6,8% trong điều kiện tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo dựng cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đưa đến những thách thức gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, quy mô kinh tế Việt Nam hiện còn nhỏ, dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp, để đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra, năm 2019 cần tập trung vào một số giải pháp.

Đó là, Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển...

Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện có hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, Việt Nam cần chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Một trong những giải pháp cũng cần được thực hiện, đó là: ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...

Tôi cũng cho rằng, để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, đang nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

* Xin cám ơn ông!

(Theo TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp chế biến, chế tạo là "điểm sáng" của kinh tế Việt Nam 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO