Công nghệ cho trẻ khuyết tật

LẠC LÂM| 15/11/2012 03:55

Nhận thấy sự thiếu khoa học trong bố trí sân chơi cho trẻ khuyết tật, 5 sinh viên Khoa Đô thị học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã khảo sát và cho ra đời "Mô hình sân chơi dành cho trẻ khuyết tật".

Công nghệ cho trẻ khuyết tật

Nhận thấy sự thiếu khoa học trong bố trí sân chơi cho trẻ khuyết tật, 5 sinh viên Khoa Đô thị học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM Phan Nhật Minh, Nguyễn Minh Thiện, Đào Đức Thành, Nguyễn Thị Thanh Thảo đã khảo sát và cho ra đời "Mô hình sân chơi dành cho trẻ khuyết tật". Trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Holcim Prizes 2012, giữa một "rừng" các đề tài khoa học tự nhiên, đề tài của cả nhóm vẫn được đánh giá cao và giành giải nhất giải "Phát triển cộng đồng".

Đọc E-paper

Nhiều lần đi làm từ thiện, Minh Thiện nhận thấy sân chơi cho trẻ khuyết tật nằm rải rác, lụp xụp, thiếu khoa học... nên đã đề xuất ý tưởng về mô hình sân chơi dành cho trẻ khuyết tật.

Đây là mô hình thiết kế chuyên biệt dành cho từng dạng dị tật, bao gồm sân đa năng, khu vực dành cho trẻ khiếm thị, trẻ bại não, khu trò chơi vận động, và khu vực thiên nhiên.

Tất cả đều được bố trí ngoài trời với tiêu chí "An toàn và phát triển". Vẫn là kết cấu của sân chơi dành cho trẻ bình thường nhưng được gia cố thêm các phụ kiện mang lại sự an toàn và phù hợp với tâm lý và khả năng vận động của trẻ khuyết tật.

Mô hình này không chỉ là sân chơi dành cho trẻ tự kỷ, bại não, chậm phát triển, khiếm thị... mà còn áp dụng những phương pháp trị liệu hiệu quả.

Trong suốt 3 tháng, cả nhóm đã nghiên cứu, khảo sát các đặc điểm tâm lý nổi bật của từng dạng trẻ dị tật, hỏi ý kiến của các chuyên gia tâm lý về biểu hiện của từng dạng. Sau đó tổng hợp những điểm mạnh, yếu của trẻ dị tật và định hướng thiết kế sân chơi phù hợp.

Thiện phân tích: "Trẻ khiếm thị luôn nhạy cảm với âm thanh nên được nhóm nghiên cứu thiết kế riêng một sân chơi với chuông gió, lối đi với tay vịn được chạm khắc các hình dạng nổi như lá cây, hình con vật kích thích thính giác cho trẻ. Lối đi cho trẻ khiếm thị được thiết kế với độ cao thấp khác nhau, thay đổi phù hợp giúp trẻ định hướng, xử lý tình huống nhạy bén hơn. Sân chơi được lót miếng đệm phát ra âm thanh giúp trẻ định hướng khu vực, không gian. Sân chơi dành cho trẻ tự kỷ được thiết kế ở khu vực thiên nhiên, với cầu gỗ, nhà gỗ, vòi phun nước, khung cảnh với nhiều cây lá giúp trẻ có thể hình dung được "cuộc sống gia đình". Các dạng dị tật khác cũng được nhóm nghiên cứu kỹ lưỡng và có những thiết kế phù hợp".

Phan Nhật Minh cho biết, khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu là chọn địa điểm để xây dựng. Có nơi phù hợp dạng tật nhưng lại không phù hợp địa điểm và ngược lại.

Sau khi "Mô hình sân chơi dành cho trẻ khuyết tật" dành giải nhất về đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, nhóm mạnh dạn gửi tham gia cuộc thi Holcim Prizes và đoạt giải nhất phát triển cộng đồng.

Tuy mới chỉ dừng lại ở góc độ ý tưởng nhưng đã nhận được nhiều ủng hộ từ thầy cô giáo và Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ tàn tật Quận 3 đã giành một khoảng đất 192m2 để nhóm nghiên cứu xây dựng sân chơi.

Đặc biệt, tổ chức phi chính phủ Terre des Hommes (Đức) đã cam kết hỗ trợ kinh phí để nhóm xây dựng và phát triển mô hình thực tế. Theo tính toán, để xây dựng mô hình, nhóm cần gần 80 triệu đồng để mua dụng cụ lắp đặt như: Xốp lót nền, đệm hơi, cỏ nhung lót sàn, cầu trượt, xích đu, trụ bóng rổ, hàng rào, cầu gỗ...

Dù đã được Terre des Hommes cam kết tài trợ nhưng kinh phí vẫn là vấn đề khó khăn của nhóm nghiên cứu. Minh Thiện cho biết: "Hy vọng sẽ có đơn vị hảo tâm giúp đỡ áp dụng mô hình vào thực tiễn để giúp cho trẻ khuyết tật có một sân chơi bổ ích".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghệ cho trẻ khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO