Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khó khăn

P.V| 18/10/2019 05:48

Tại Hội nghị Đổi mới - nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ đạo.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khó khăn

Với vai trò quan trọng như vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị lớn bàn về doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nhiều chương trình hành động đề ra từ các hội nghị đã chống được sự trì trệ, hoạt động kém hiệu quả trong DNNN. Từ đó, tài sản khối DNNN đã tăng lên, doanh thu cao hơn, chống thất thoát và tham nhũng tốt hơn. Hiệu quả hoạt động của DNNN được cải thiện hơn. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước tái cơ cấu thành công.

Bên cạnh những mặt cải thiện tích cực, Thủ tướng cho rằng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNN còn thấp; hoạt động cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại; lũy kế giai đoạn 2016 - 9/2019, mới CPH được 36 doanh nghiệp (đạt 28% kế hoạch). Nhiều doanh nghiệp sau CPH chưa tuân thủ quy định về quản lý giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; đặc biệt là những tồn tại về tái cơ cấu, thoái vốn. 

Về việc CPH DNNN chậm, theo Thủ tướng, trước hết do các bộ ngành, địa phương, một số tập đoàn- tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai, cơ cấu lại DNNN theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng. Vẫn còn tư tưởng các DNNN ngại thay đổi vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi; thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm quá trình CPH...

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Sự lớn mạnh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không chỉ để phát triển kinh tế xã hội, mà còn là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế trong quá trình phát triển của đất nước. Vì thế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần CPH kịp thời hơn để bảo đảm vai trò tiên phong và chủ lực.

Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian tới sẽ có đổi mới về công tác cán bộ trong DNNN, trao quyền tự chủ kinh doanh cho doanh nghiệp và cơ chế kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn về đất đai, tài chính... cho DNNN. Lãnh đạo một số DNNN cũng cho rằng, việc CPH, thoái vốn nhà nước gặp khó khăn do cơ chế, chính sách chưa phù hợp. Chủ yếu tập trung ở việc chọn thời điểm định giá, tính toán giá trị doanh nghiệp.

Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, cả nước đã CPH được 162 DNNN với tổng vốn hơn 205 nghìn tỷ đồng, bằng 108% tổng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp CPH giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, số thu từ CPH, thoái vốn đạt hơn 218 ngàn tỷ đồng; gấp 2,8 lần so với 5 năm trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO