Chưa yên tâm chất lượng tăng trưởng

Nguyễn Hoàng| 18/10/2019 06:00

Con số tăng trưởng quý III/2019 đạt mức cao nhưng PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vẫn nhận định thận trọng khi trao đổi với Doanh nhân Sài Gòn.

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp có tăng trưởng yếu, chỉ ở mức 2,02% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi đây là ngành có đóng góp giá trị gia tăng rất lớn.

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp có tăng trưởng yếu, chỉ ở mức 2,02% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi đây là ngành có đóng góp giá trị gia tăng rất lớn. Ảnh: Thu hoạch tôm nhà kính - tác phẩm đoạt giải Ba thể loại ảnh chụp bằng máy ảnh Cuộc thi ảnh Tự hào Hàng Việt năm 2018

* Nguyên nhân nào khiến ông vẫn thận trọng với “bức tranh màu hồng” về tăng trưởng kinh tế trong quý III?

- Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý III/2019 đạt mức 7,31% đã đẩy tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2019 lên mức 6,98%. Như vậy, Việt Nam đã hai năm liên tiếp có mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, một con số ngạc nhiên. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng sụt giảm nhiều.

Với ngành nông, lâm, ngư nghiệp có tăng trưởng yếu, chỉ ở mức 2,02% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi đây là ngành có đóng góp giá trị gia tăng rất lớn. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng dựa vào công nghiệp khai khoáng là không bền vững. Ngành công nghiệp tăng trưởng 2,68% trong quý III nhờ khai thác tài nguyên than.

PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.

PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

Thêm nữa, tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tương đối cao, nhưng đóng góp chủ yếu là từ khu vực FDI, còn đóng góp của khu vực sản xuất công nghiệp trong nước rất thấp. Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đang sụt giảm; tăng trưởng sản xuất các ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử, đều thấp hơn cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số tồn kho bình quân của khu vực này đang ở mức cao, hơn 17,2%, trong khi 9 tháng đầu năm 2018 chỉ tăng 8%. Từ thực trạng này, tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp (DN) thu hẹp quy mô sản xuất.

* Những động thái thúc đẩy công nghiệp hóa vào năm 2020 thực trạng như thế nào, thưa ông?

- Sản xuất trong nước vẫn chủ yếu gia công và làm thuê, mà dệt may, da giày là một thực tế. Việc DN không cạnh tranh được đã làm cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp. Khi Samsung đầu tư vào Việt Nam, hầu hết công nghiệp phụ trợ của tập đoàn này do các công ty của Hàn Quốc hoặc Đài Loan đảm nhận. Tương tự, cung ứng sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô cũng chủ yếu là các công ty đến từ Nhật Bản, hay liên doanh giữa các công ty Nhật với công ty cơ khí trong nước.

Đến nay, trong toàn chuỗi cung ứng, chiếm tỷ trọng lớn vẫn là các DN FDI, hoặc công ty liên doanh với DN trong nước, thậm chí là các công ty bị thâu tóm với các công ty nước ngoài. Các công ty trong nước không tham gia được chuỗi cung ứng do hạn chế về công nghệ, hạn chế về sản xuất và chưa nắm bắt được bí quyết chế tạo sản phẩm.

Link bài viết

Việt Nam chưa có ngành mũi nhọn trong lĩnh vực công nghiệp. Ngành sản xuất và chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn dừng ở gia công, lắp ráp, cho nên việc cung ứng hàng hóa ra thế giới vẫn chủ yếu do các DN FDI đảm nhiệm. 

* Khi chất lượng tăng trưởng kinh tế còn những hạn chế, nền kinh tế những tháng cuối năm 2019 và năm 2020 sẽ có những hệ lụy nào?

- Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã suy giảm trong quý III và kết thúc ở 50,5 điểm vào cuối tháng 9/2019. PMI của Việt Nam đạt mức đỉnh 56,5 điểm hồi tháng 11/2018. Các đối tác đang giảm mua hàng của Việt Nam do kinh tế thế giới suy giảm, hệ lụy từ thương chiến và người dân cắt giảm tiêu dùng.

Lãi ròng và doanh thu toàn cầu của Samsung trong quý II/2019 đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu smartphone và thiết bị điện tử xuống thấp, chỉ 5,18 nghìn tỷ won (4,4 tỷ USD), giảm 55,61% so với 11,04 nghìn tỷ won của năm 2018.

Trong khi đó, doanh thu của hãng này cũng giảm xuống 56,13 nghìn tỷ won (khoảng 47,5 tỷ USD), so với 58,5 nghìn tỷ won của cùng kỳ năm 2018, theo The Wall Street Journal. Những tác động có thể chưa thể hiện rõ ngay trong quý IV/2019, nhưng sẽ rõ nét hơn vào năm 2020. 

* Cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chưa yên tâm chất lượng tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO