Chống bán phá giá: Lợi ích từ hệ thống cảnh báo sớm

VÂN THẢO| 04/06/2015 02:46

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo các doanh nghiệp nên sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá.

Chống bán phá giá: Lợi ích từ hệ thống cảnh báo sớm

Nhằm hạn chế thiệt hại của các vụ kiện chống bán phá giá từ các nước nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo các doanh nghiệp nên sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá.

Hệ thống cảnh báo trên giúp doanh nghiệp nhận diện nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tại những thị trường trọng điểm, chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh; tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Riêng đối với cơ quan quản lý, hệ thống sẽ hỗ trợ theo dõi các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường và ngành hàng, phối hợp hiệp hội và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

Hiện nay, các doanh nghiệp trên cả nước chỉ mới tận dụng hệ thống này cho 12 mặt hàng, bao gồm: Thủy sản, chất dẻo, cao su, giấy, sợi, may mặc, giày dép, thép, máy móc, linh kiện điện tử, thiết bị điện, nội thất.

Tại hội thảo  "Sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để hạn chế thiệt hại của các vụ kiện chống bán phá giá đối với Việt Nam" tổ chức ngày 3/6 tại TP.HCM, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, trong xu hướng tự do hóa thương mại trên thế giới, việc cắt giảm hàng rào thuế quan xuống thấp hoặc 0% sẽ khiến các quốc gia, đặc biệt là những nước phát triển sử dụng nhiều hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại hơn nhằm bảo hộ các ngành nghề sản xuất trong nước.

Điều này dẫn tới hệ quả, hàng hóa nhập khẩu của các nước khác luôn có nguy cơ cao vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, trong đó có Việt Nam.

Theo thống kê từ năm 2002 đến nay, Việt Nam đã vướng phải hơn 100 vụ kiện chống bán phá giá tại nhiều thị trường xuất khẩu.

Riêng trong sáu tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã vướng bốn vụ kiện chống bán phá giá, gồm các mặt hàng tôm, thép, sợi, ống dẫn dầu OCTG.

Theo khuyến cáo từ Cục Quản lý cạnh tranh, nếu như trước kia nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng chỉ có các doanh nghiệp lớn mới bị kiện thì ngày nay cũng như trong thời gian tới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể bị kiện, trong khi những doanh nghiệp này lại ít có sự chuẩn bị, cũng như tiềm lực về tài chính còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, trong tương lai, các vụ kiện chống bán phá giá cũng sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn gồm: Hiệu ứng dây chuyền (một quốc gia kiện thì các quốc gia khác cũng kiện theo); thời gian áp thuế gần như vô thời hạn do liên tục gia hạn.

Theo bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh, sai lầm mà doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải là bị động trước vụ kiện, không có thông tin và luật sư riêng am hiểu về luật pháp của nước sở tại.

Bên cạnh đó, yếu tố hệ thống kế toán khác biệt và vấn đề minh bạch sổ sách tài chính cũng là những hạn chế gây khó khăn cho doanh nghiệp khi các vụ kiện phòng vệ thương mại được tiến hành điều tra.

Cũng tại hội thảo trên, ông Nguyễn Hữu Trường Hưng - Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra cảnh báo, trong tương lai, các sản phẩm có giá trị thấp cũng là đối tượng bị điều tra; trong đó, thép và sợi vẫn sẽ là đối tượng bị điều tra nhiều nhất.

Do vậy, để giảm tối đa thiệt hại, các doanh nghiệp cùng ngành cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin để hợp sức, chống lại các vụ kiện phòng vệ thương mại, mà phổ biến là các vụ kiện chống bán phá giá.

>Ứng phó với kiện bán phá giá

>Vì sao thép không gỉ Việt Nam bị điều tra bán phá giá tại Malaysia?

>Nguy cơ Ấn Độ kiện Việt Nam bán phá giá cao su

>Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá thép Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chống bán phá giá: Lợi ích từ hệ thống cảnh báo sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO