Chịu khổ cùng người chăn nuôi

KHUYNH DIỆP| 21/07/2010 06:28

Vợ chồng tôi cùng các con tậu được đất, xây được nhà, sắm được xe cũng nhờ nghề lái heo” - ông Nguyễn Đước (ngụ ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) tâm sự.

Chịu khổ cùng người chăn nuôi

Với chiếc xe đạp tèng xí ngày ngày gò lưng tìm mua từng con heo về mổ thịt cho vợ đưa ra rìa đường ngồi bán, giờ đây ông không chỉ dùng phương tiện cơ giới vận chuyển mà còn xây lò mổ khá bề thế. “Vợ chồng tôi cùng các con tậu được đất, xây được nhà, sắm được xe cũng nhờ nghề lái heo” - ông Nguyễn Đước (ngụ ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) tâm sự.

1.
Bề ngoài Nguyễn Đước già hơn cái tuổi giáp lục tuần, nhưng khi nghe ông kể chuyện, cùng rong ruổi với ông bằng xe gắn máy trên vài nẻo đường tìm mua heo, mới thấy sự dẻo dai, cứng rắn của một tay lái heo phong trần, bền bỉ.

Ông Nguyễn Đước (trái) mua heo tại một gia đình nông dân mà ông đầu tư vốn ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh

Thuở bé, Nguyễn Đước được cha mẹ cho đi học, nhưng cũng chỉ tới lớp 10 thì phải ở nhà đi làm mướn. Làm mướn mà nào yên thân, năm 1974, Đước bị bắt vào lính cảnh sát đường sông của chế độ Sài Gòn.

Nhưng chỉ sau một năm phải đi lính, đất nước giải phóng, là một cảnh sát quèn nên sau vài tuần tập trung học tập các chính sách của chế độ mới, Nguyễn Đước lại trở về quê tiếp tục làm mướn mưu sinh. Ai gọi gì anh cũng chịu khó làm, cốt có tiền phụ cha mẹ. Mãi năm 1981, Đước mới lấy vợ. Anh kể: “Cũng chỉ vì cha mẹ không có cục đất chọi chim nói chi có ruộng chia cho con cái, nên vợ chồng tôi vẫn sống bằng nghề nhổ mạ, cấy lúa và gặt mướn”.

2.
Vùng hạ huyện Đức Hòa (Long An) vốn đất hẹp, người đông, nên nghề làm mướn mà vợ chồng Nguyễn Đước kiếm cơm cũng theo tháng, theo mùa. Trong năm, ngày thiếu việc dài hơn ngày có người gọi làm. Thấy chị gái và anh rể nghèo khổ, em vợ Nguyễn Đước là Cổ Văn Tém hành nghề lái heo, liền dắt anh đi theo phụ bắt, phụ vác heo. “Sao gọi vác heo?” - Tôi tò mò hỏi.

“Những năm bao cấp, nuôi được con heo, con gà, làm ký thóc đâu dễ mang ra khỏi ấp, khỏi xã nên chờ đêm xuống, anh em tôi lén mua lậu. Mua lậu thì phải vác lẹ vượt bờ mẫu, băng đồng lầy đưa ra lộ rồi ràng heo lên xe đạp chở lẹ về nhà. Du kích mà tóm được không những heo mất, mình còn bị đưa về trụ sở chính quyền xáo cỏ, dọn vệ sinh” - Nguyễn Đước kể.

Sống trong cảnh ngăn sông cấm chợ ngặt nghèo, vào những năm 80 của thế kỷ trước, có lần vào khoảng 1 giờ sáng, hai anh em Nguyễn Đước vô ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, sau khi tìm mua được con heo chừng trăm ký hơi, sợ bị lộ, hai anh em cùng gia chủ mổ tại chỗ, ra thịt ém vô tụng bàng. Trong lúc vác thịt heo băng ruộng thì bị công an phát hiện, cả hai dục vội mấy tụng bàng thịt chạy trốn.

“Không biết bao nhiêu bận anh em tôi mất sạch như thế vì bị công an, xã đội, quản lý thị trường rượt đuổi” - Nguyễn Đước ngậm ngùi nhớ lại. Nói đoạn, ông nhổm người hớp một ngụm trà, cười sảng khoái, buông một câu ngon ơ: “Mừng là thời thế chiều theo lòng người, bao cấp bị bỏ, nghề lái heo cũng theo thời mà làm ăn được”.

Việc ngăn sông cấm chợ bị xóa bỏ, cũng là lúc Nguyễn Đước thành thạo nghề lái heo nhờ “tầm sư” từ cậu em vợ. Được em đồng thuận, ông tách ra làm ăn riêng. Tuy ra riêng nhưng cơ ngơi thì chưa có gì. Vẫn với chiếc xe đạp tèng xí, ngày ngày Nguyễn Đước cùng hai người con trai Nam, Trung thay nhau vô tận ấp sâu, ấp xa tìm mua từng con heo chở về mổ thịt theo kiểu lấy công làm lời cho vợ đưa ra rìa đường ngồi bán.

3.
Trong lúc tôi và Nguyễn Đước đang trò chuyện thì chị Cổ Thị Nghiệp, vợ ông, bán thịt heo ngoài tỉnh lộ 10 chạy xe máy về. Như hiểu chuyện chồng đang nói với khách, bà vội rửa tay rồi ngồi xề bên chồng, góp chuyện: “Ngày mới ra lái riêng, phương tiện hành nghề cũng chỉ mỗi xe đạp, lần hồi mua được chiếc Honda 67, bỏ xe 67, bây giờ mua được nhiều heo thì dùng xe tải, mua lẻ thì có xe đời mới, khỏe lắm”.

Đợi vợ dừng lời, Nguyễn Đước cho biết, tuy định cư và có hộ khẩu thường trú tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, nhưng năm 2008, cha con ông lên xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xin phép mở lò mổ heo. Hằng ngày heo mua gom về, sau khi cán bộ thú y kiểm tra, cho phép, cha con ông mới giết mổ, ra thịt giao cho bốn đầu mối trong huyện Bình Chánh.

Chị Liêu Thị Lan nhà ở ấp 5 xã Phạm Văn Hai mỗi ngày lấy của lò mổ Nguyễn Đước khoảng 70 cân thịt heo, bán đến 10 giờ đã hết, cho biết: “Nhờ có ông Đước cung cấp hàng đều đặn tạo cho vợ chồng tôi có việc làm, mỗi ngày kiếm vài ba trăm ngàn đồng nên đã xóa xong nghèo”. Nói về “quy trình” mà người hành nghề lái heo cần phải có, Nguyễn Đước thật thà kể: “Khi người nuôi muốn bán heo chỉ cần gọi điện thoại là cha con tôi nhanh chóng có mặt. Giá cả đã có thị trường điều tiết”.

Trong lúc hứng khởi, Nguyễn Đước còn tiết lộ bí quyết cách nhận diện heo nhiều nạc, heo nhiều mỡ. Theo ông, thấy con heo nào da mỏng, đùi lớn và chủ nuôi cho ăn cám gạo thì cứ yên vị đó là heo nhiều nạc. Heo nạc, heo mỡ giá mua chênh nhau ba chục phần trăm.

4.
Để chủ động nguồn hàng cung ứng cho thị trường, Nguyễn Đước ứng vốn trước cho người chăn nuôi. Chỉ từ sau Tết Canh Dần đến tháng 5/2010, ông đã ứng vốn cho 20 hộ với hàng chục triệu đồng để họ có điều kiện duy trì đàn heo. Nhưng nếu người nuôi vì lý do nào đó cần bán heo ra thị trường thì chỉ phải trả lại tiền gốc cho ông, không tính lãi.

Nhờ biết chăm lo cho người chăn nuôi, lại tích cực sinh hoạt trong tổ chức Hội Nông dân, nên khi cần thêm số vốn lớn để mua heo, ông được Hội Nông dân giới thiệu với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với lãi suất ưu đãi.

“Lái heo ngày nay thế mà sướng, nếu thực hiện đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng cam cộng khổ với người chăn nuôi, với người bán lẻ, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn thì không bao giờ mình bị thiệt. Vợ chồng tôi cùng các con tậu được đất, xây được nhà, mua được xe cũng nhờ nghề lái heo” - Nguyễn Đước tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chịu khổ cùng người chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO