![]() |
Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM đang rất được quan tâm và chuẩn bị lấy ý kiến rộng rãi. Nếu được triển khai, kỳ vọng một sự thay đổi lớn về mô hình và quản lý đô thị sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, song hành với đó là nỗi lo xoay quanh việc tiến hành ra sao, tính hiệu quả, người dân được lợi gì...?
Chính quyền đô thị - Sự khác biệt
Sớm thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM
Lắng nghe ý dân để xây dựng Đề án Chính quyền đô thị
![]() |
Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quân |
Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, đề án chính quyền đô thị đã được chuẩn bị công phu, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn của TP.HCM (chuẩn bị từ năm 2006 - 2007 đến nay).
Thực tiễn thúc đẩy
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định: "Phải xây dựng đề án này vì xuất phát từ thực tiễn có nhiều bất cập và truyền thống của Thành phố là năng động, sáng tạo và luôn tìm tòi cái mới".
Với diện tích gần 2.100km2, gồm 19 quận và 5 huyện với dân số gần 10 triệu người, TP.HCM là một trong 40 đô thị đông dân nhất thế giới, là trung tâm kinh tế - xã hội, đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt là mô hình quản lý 3 cấp (thành phố, quận - huyện và xã - phường) cho thấy kém hiệu quả do quá cồng kềnh, trùng lắp nhiều chức năng, trách nhiệm không rõ ràng...
Mô hình chính quyền hiện tại khiến cho nhiều hoạt động không thực quyền mà chỉ mang tính hình thức, không có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp.
Bên cạnh đó, sau 4 năm tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường theo nghị quyết của Quốc hội, nếu không sớm tiến hành mô hình chính quyền đô thị theo hướng tổ chức chính quyền cơ sở với cơ chế tự chủ cao hơn, cơ quan đại diện quyền lợi của nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tương xứng với mô hình dân chủ đại diện, thì việc thí điểm trên kết thúc mà cũng không tạo ra được mô hình tổ chức mới hiệu quả và dân chủ hơn.
Là thành viên nhóm biên tập dự thảo đề án, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và đại biểu HĐND thành phố lý giải: "Trong quá trình quy hoạch phát triển, TP.HCM sẽ thành siêu đô thị.
Trong khi kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu là một siêu đô thị mà cấp chính quyền tập trung như hiện nay thì bất cập về quản lý, nên cần chia thành những đô thị nhỏ với quy mô mỗi đô thị trên 1 triệu dân, diện tích hơn 100 hoặc gần 150 - 200km2. Như vậy, TP.HCM sẽ được tổ chức thành 4 đô thị vệ tinh và đô thị lõi trung tâm".
Mô hình đột phá
Theo đề xuất của Thành phố, mô hình chính quyền đô thị TP.HCM xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị. Cụ thể là chính quyền Thành phố (trực thuộc Trung ương) có HĐND và UBND. Chính quyền Thành phố vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trên cơ sở, vừa là chính quyền đô thị (quản lý) của 13 quận nội thành.
Với tổ chức như đề xuất trên, tại 13 quận sẽ tổ chức cơ quan đại diện hành chính của chính quyền thành phố và được gọi tên dưới hình thức là ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính quận (hoặc quận trưởng) do Chủ tịch UBND TP.HCM bổ nhiệm và bãi hoặc miễn nhiệm.
Tương tự, dưới quận có đơn vị hành chính phường và tại mỗi phường cũng tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính phường (hoặc phường trưởng) do chủ tịch ủy ban hành chính quận bổ nhiệm và bãi hoặc miễn nhiệm.
Với khu vực còn lại, TP.HCM đề xuất hình thành chính quyền 4 đô thị được thành lập (4 thành phố trong thành phố). Đây là chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền TP.HCM (lớn) và có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao.
Chính quyền 4 thành phố được lập có HĐND và UBND, hoạt động theo cơ chế phân cấp. Các đô thị này được đề nghị gọi tên là các thành phố hoặc thị xã, tạm đặt tên là Đông, Tây, Nam, Bắc. UBND cấp này (thành phố nhỏ) do HĐND cùng cấp bầu và UBND thành phố (lớn) phê chuẩn.
Người đứng đầu UBND 4 thành phố này đề nghị gọi là chủ tịch hoặc thị trưởng, có ngạch bậc tương đương với phó chủ tịch UBND thành phố (lớn).
Đó là về mặt hình thức, riêng về tính hiệu quả, TS. Trần Du Lịch khẳng định, Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM sẽ tạo ra những đổi mới lớn.
Thứ nhất, với đặc thù của TP.HCM, gọi là thành phố nhưng 80% là nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa. Do vậy, điểm đột phá đầu tiên là TP.HCM (bao gồm cả khu vực nông thôn và đô thị) được tổ chức thành chuỗi đô thị, trong đó 13 quận nội thành là đô thị trung tâm.
Thứ hai, đã là cấp chính quyền thì có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phải được quyền quyết cái gì, chứ không phải chỉ họp với nhau rồi sau đó đi xin, đề nghị hoặc bàn những cái đã được quyết rồi.
Ở đây cũng nhấn mạnh tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cơ sở với mô hình hai cấp: cấp TP.HCM trực thuộc trung ương và cấp cơ sở với địa vị pháp lý giống nhau, dù đó là xã hay thị trấn, thành phố - tức là một pháp nhân công quyền.
Thứ ba, thay đổi quan điểm về công vụ, không để một việc có nhiều cấp cùng làm, đồng thời xử lý tình trạng cái gì cấp dưới đã làm thì cấp trên không làm nữa và phân định rõ ba loại công vụ: một loại hai cấp chính quyền cùng làm (nhưng ít thôi), đa số là loại công vụ của từng cấp riêng lẻ; loại thứ ba là cấp dưới làm theo cơ chế ủy nhiệm của cấp trên. Sự minh bạch này mới có cơ sở bố trí cán bộ, tinh giản bộ máy, không chồng chéo.
Thứ tư, thay đổi chức năng quản lý nhà nước của sở, ngành. Khối này không chỉ tham mưu mà thật sự là quản lý nhà nước, bớt hội họp hay sự vụ của UBND Thành phố, ví dụ như nhà đất, môi trường...
Người dân được lợi
Một trong những mối quan tâm hàng đầu cho dự thảo đề án chính quyền đô thị là người dân sẽ được hưởng lợi gì khi thực hiện mô hình này?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, sau khi cung cấp thông tin chính thức và lấy ý kiến về đề án thí điểm cho đại biểu HĐND TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý...
Thành phố sẽ tổ chức lắng nghe ý kiến nhân dân bằng những hình thức thích hợp. Điều này cũng được ông Trần Tấn Ngời, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đồng tình:
"Nên lấy ý kiến người dân về xây dựng chính quyền đô thị, không chỉ lấy ý kiến của các sở ngành hoặc các tổ chức vì chúng ta luôn nói nhà nước của dân, do dân, vì dân thì quyết định phải là dân".
"Loại đô thị 1 triệu dân là phù hợp, mới gắn được lợi ích của dân, sát với lợi ích của dân. Mô hình này hướng tới lấy lợi ích của dân là chính, bộ máy chính quyền chỉ để phục vụ”, TS. Trần Du Lịch khẳng định, đồng thời cho rằng, với cơ chế tự quản mạnh mẽ, chính quyền đô thị hoàn toàn có thể huy động nguồn lực để tăng phúc lợi cho đô thị đó, chứ không có chuyện cào bằng.
"Trên thế giới, các đô thị không giống nhau, có nơi người dân được hưởng nhiều phúc lợi hơn về không gian công viên, vui chơi giải trí, cây xanh, phương tiện giao thông công cộng..., có nơi ngược lại. Vấn đề ở đây là người dân được hưởng thành quả đóng góp của họ một cách rõ ràng với cơ chế giám sát tốt. Trong mô hình tổ chức này, HĐND ở các đô thị có tính trách nhiệm rất cao trong việc đưa ra quyết sách, giám sát thực thi", ông Lịch nói.
Thành phố Đông bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, diện tích 211,72 km2, dân số trên 890 ngàn người, lấy khu đô thị Thủ Thiêm làm trung tâm với chức năng chính là dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ cao, giáo dục - đào tạo, văn hoá, giải trí... Thành phố Nam bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và điều chỉnh một phần diện tích của phường 7, quận 8 cùng 2 xã Bình Hưng, Phong Phú của huyện Bình Chánh, diện tích 169,29km2, dân số trên 470 ngàn người. Đây sẽ là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kinh doanh cảng. Thành phố Tây bao gồm toàn bộ quận Bình Tân cùng một phần diện tích của phường 7, phường 16 quận 8 và các xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A của huyện Bình Chánh, diện tích 109,8 km2, dân số trên 810 ngàn người. Mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp và là khu tái định cư của người dân từ các quận 6, 11 và Tân Bình. Thành phố Bắc gồm toàn bộ quận 12 và huyện Hóc Môn với diện tích khoảng 162km2, dân số trên 860 ngàn người với mục tiêu trở thành trung tâm phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao. Trên địa bàn nông thôn, diện tích còn lại khoảng 1.300km2 sẽ tổ chức thành các xã và thị trấn. |