Chi NSNN: Nhìn từ những con số

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH| 29/05/2015 06:39

Sự khác biệt về số liệu thống kê Ngân sách Nhà nước không chỉ giữa số liệu của Việt Nam với quốc tế mà còn ngay giữa các "hệ thống" số liệu của Việt Nam.

Chi NSNN: Nhìn từ những con số

Sự khác biệt về số liệu thống kê Ngân sách Nhà nước (NSNN) không chỉ giữa số liệu của Việt Nam với quốc tế mà còn ngay giữa các "hệ thống" số liệu của Việt Nam.

Đọc E-paper

Sự thay đổi liên tục các tiêu chí thống kê hay đứt đoạn trong chuỗi số liệu sai biệt quá lớn giữa số thực hiện lần một với số thực hiện lần hai về NSNN làm cho việc đánh giá thu chi cũng như mức độ bội chi NSNN trở nên không chính xác.

Không chỉ phải điều chỉnh quá lớn về các đánh giá định lượng, thậm chí còn phải điều chỉnh cả xu thế, chẳng hạn từ hụt thu sang thu vượt dự toán, từ chi đúng dự toán sang chi vượt dự toán, từ thâm hụt lớn sang ít thâm hụt hơn...

Tuy nhiên, do vấn đề chính sách tài khoá và nợ công rất quan trọng, gắn liền với thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và xây dựng kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 cũng như chiến lược đến 2020, nên việc phân tích những số liệu công khai NSNN trên trang web của Bộ Tài chính giai đoạn 2006 - 2014 là hết sức cần thiết.

Chi NSNN luôn vượt dự toán nên thâm hụt NSNN trở thành bệnh kinh niên bất chấp mọi nỗ lực tăng thu. Năm 2006 chi vượt dự toán 31,56%, năm 2007 vượt 18,95%, năm 2008 vượt tới 37,8% và năm 2009 vượt 19%.

Đáng chú ý, việc chi vượt dự toán hầu như không có quan hệ rõ ràng với điều hành kinh tế khi các năm 2006 - 2008 diễn biến tăng trưởng kinh tế tương đối bình thường, lạm phát tăng cao năm 2007-2008.

Cân đối NSNN, giảm thâm hụt NSNN và giảm nợ công không thể tiếp tục tăng thu NSNN, chỉ có thể giảm chi NSNN, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hơn nữa, kỷ luật chi NSNN cần được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao so với dự toán trong khi dự toán NSNN đã có khoản chi dự phòng và dự trữ tài chính.

Ngược lại lạm phát năm 2009 tăng thấp và cần đẩy mạnh tăng chi NSNN để kích thích tăng trưởng kinh tế đối phó với tác động của khủng hoảng toàn cầu trong khi dự toán NSNN năm 2009 lại chưa tính đến tác động này thì chi NSNN lại vượt dự toán ở mức thấp hơn năm 2006 và 2008, tương đương với năm 2007.

Chi đầu tư thực hiện năm 2010 thấp hơn so với thực hiện năm 2009, song chi thường xuyên tương ứng lại cao hơn tới 23,3% và chiếm tới 72,8% tổng chi NSNN trong bối cảnh GDP tăng 6,8% song lạm phát lại tăng tới 11,75%.

Do chi NSNN luôn vượt dự toán nên thực tế tổng chi cân đối NSNN hằng năm giai đoạn 2006-2010 thường xuyên trên 35%GDP (ngoại trừ năm 2010 là 30,15% theo số thực hiện lần một và bằng đúng dự toán) - vượt xa so với mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển tài chính là tổng chi NSNN khoảng 26-27%GDP.

Ngay trong xây dựng dự toán chi NSNN cũng đã vượt xa con số mục tiêu kế hoạch với dự toán chi NSNN tới 30%GDP.

Chi chuyển nguồn đang trở thành vấn đề lớn trong chi NSNN khi thuộc loại chi không có trong dự toán NSNN hằng năm nhưng qui mô gia tăng nhanh.

Theo Bộ Tài chính, chi chuyển nguồn gồm kinh phí từ năm quyết toán sang năm sau + kinh phí đã xuất quỹ ngân sách năm quyết toán nhưng chưa quyết toán mà chuyển sang năm sau quyết toán + số chuyển nguồn năm quyết toán sang năm sau để chi theo chế độ.

Thêm vào đó, việc thiếu nhất quán trong các tiêu chí xác định khoản chi NSNN, vừa làm cho số liệu chi NSNN trở nên khó hiểu với chính các chuyên gia tài chính, vừa làm cho việc kiểm soát chi NSNN theo dự toán chi khó khăn hơn, vừa gây ra sai biệt lớn so với thống kê NSNN quốc tế, theo đó con số thâm hụt NSNN và nguồn bù đắp bội chi NSNN cũng không khớp và khó kiểm tra.

Mức chi chuyển nguồn lên tới cả trăm ngàn tỷ VND, chiếm tới 1/5 đến ¼ tổng chi NSNN là quá lớn.

Chi thường xuyên giai đoạn 2006 - 2010 vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi NSNN khoảng 50 - 60%, riêng năm 2010 vọt lên gần 73% và liên tục vượt dự toán chi thường xuyên ở mức từ 5,24% (2009) đến 8,1% (2010) và 9,3% (2007), thậm chí tới 15,3% (2008).

Đáng chú ý, thu nội địa luôn thấp hơn so với chi thường xuyên cho thấy bất cập trong đảm bảo tính bền vững của NSNN.

Đặc biệt, chi trả nợ và viện trợ cũng vượt dự toán từ 10 - 14% (chi trả nợ là theo kế hoạch, phải chăng khoản vượt dự toán là do chi viện trợ) và chiếm tương đương khoảng 11 - 14% tổng chi NSNN.

Một điểm đáng ngạc nhiên nữa, chi trả nợ gốc cũng thường xuyên vượt dự toán từ 16 - 26% nhưng không được giải thích lý do vì tỷ giá hối đoái thay đổi hay trả nợ trước hạn.

Thiếu các thông tin này sẽ rất khó phân tích tác động của việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái tới các nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Việt Nam, cả trả nợ lãi và trả nợ gốc.

>NSNN: Nên "khoán" thay vì "phân bổ"?
>Thủ tướng: không ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN
>Thu - chi ngân sách: “Biết rồi, khổ lắm" nhưng vẫn phải nói
>Thu chi ngân sách: Vẫn còn lãnh đạo đi “chạy”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chi NSNN: Nhìn từ những con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO