Chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

TRÌNH TIÊU thực hiện| 15/08/2012 04:02

Đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: “Doanh nghiệp sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư”.

Chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: “Doanh nghiệp sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư”.

Đọc E-paper

* Sau khi Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, có khá nhiều dự án được triển khai nhưng hầu hết đều thất bại. Theo ông, đâu là nguyên nhân?



- Có nhiều nguyên nhân khiến hầu hết các dự án thất bại khi triển khai trên diện rộng. Nhưng nguyên nhân chính là do các dự án chủ yếu dựa vào Nhà nước, làm với tính chất trình diễn công nghệ của nước ngoài chứ chưa phải là dự án thương mại, chưa có sự tham gia của DN. Vì vậy, đến nay chỉ khoảng 6% DN đầu tư vào nông nghiệp, phần lớn là DN nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế.

Trên thực tế, chỉ có DN mới có thể tự tìm thị trường, lựa chọn công nghệ phù hợp. Nhưng lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao, lợi nhuận thấp, nên DN thường đắn đo khi đầu tư vào công đoạn sản xuất, chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ. Họ không quan tâm đến toàn chuỗi sản xuất.

* Như vậy, cần cơ chế nào để thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

- Phải cần một chính sách khả thi, đủ mạnh để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ 3 yếu tố: đất đai, vốn và
thị trường. Với đầu tư thiết bị, máy móc Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà chỉ tính theo mùa vụ sản xuất.

* Lâu nay, đất đai vẫn là vướng mắc lớn nhất khi triển khai các dự án nông nghiệp. Theo ông, nên giải quyết vấn đề này theo hướng nào?

- Khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân có thể giao đất cho DN bằng nhiều hình thức, nhưng theo tôi, khả thi nhất là nông dân góp quyền sử dụng đất vào DN.

Như vậy, người nông dân có thể yên tâm về quyền sử dụng đất và DN cũng yên tâm để đầu tư lâu dài, bởi lợi nhuận từ đầu tư nông nghiệp đòi hỏi phải có thời gian. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, tạo điều kiện để DN và nông dân liên kết lại, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn.

* Nhưng đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc DN phải tạo được sự khác biệt?

- Đúng vậy. Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều loại nông sản, độ mở thị trường cao, cà phê, hồ tiêu trên 90%. Như vậy, về lý thuyết, Việt Nam phải là nước điều tiết hoặc tham gia điều tiết giá thị trường. Tuy nhiên, hầu hết nông sản xuất khẩu của Việt Nam lại không có thương hiệu, những sản phẩm có thương hiệu thì quy mô quá nhỏ. Do vậy, giá trị gia tăng nhờ thương hiệu không có.

Tham gia thị trường toàn cầu, DN Việt Nam phải tạo được sự khác biệt, nhất là về chủng loại và chất lượng. Để làm được điều đó, trước hết, cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Chính phủ cần hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia để đảm bảo rủi ro thấp nhất.

Đồng thời tổ chức thu gom nông sản và khi giá lên đến mức có lợi cho người dân thì tổ chức đấu giá, thậm chí cả đấu giá xuất khẩu, nhằm tránh rủi ro do giá xuống thấp khi vào vụ thu hoạch.

Chúng ta đã và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm đặc sản, bản địa, tuy nhiên qui mô sản xuất các sản phẩm này lại quá nhỏ bé. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN, hiệp hội xây dựng thương hiệu thông qua quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất, hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, các hãng vận tải...

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO