Chế biến - XK thủy sản: Thiếu nguyên liệu còn kéo dài

23/06/2011 08:24

Căng thẳng tôm nguyên liệu đã được DĐDN phản ánh và mới đây, tại cuộc họp toàn thể thường niên của Hiệp hội chế biến-xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) cũng đã cảnh báo về vấn đề thiếu nguyên liệu chế biến-xuất khẩu “tăng nhiệt” đến mức trầm trọng.

Chế biến - XK thủy sản: Thiếu nguyên liệu còn kéo dài

Căng thẳng tôm nguyên liệu đã được DĐDN phản ánh và mới đây, tại cuộc họp toàn thể thường niên của Hiệp hội chế biến-xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) cũng đã cảnh báo về vấn đề thiếu nguyên liệu chế biến-xuất khẩu “tăng nhiệt” đến mức trầm trọng.

Phó chủ tịch Vasep Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết: Từ đầu năm đến nay đã có 147 DN ngưng chế biến, xuất khẩu hải sản để chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác. Nguyên nhân do các DN này không thể tìm đủ nguyên liệu để sản xuất và các chi phí đầu vào tăng cao.

Xoay xở tìm nguồn

Trước tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, nhiều DN phải sản xuất cầm chừng

Theo bà Thu Sắc, hiện nhiều vùng đánh bắt đang có dấu hiệu cạn kiệt nguồn hải sản, trong khi mùa đánh bắt cá năm nay lại đến muộn hơn khoảng một tháng so với những năm trước. Sản lượng cá đánh bắt được cũng giảm đáng kể do phía Trung Quốc cấm biển. Lượng cá mà ngư dân đánh bắt được chưa đến tay DN trong nước đã bị thương lái Trung Quốc tranh giành, đón mua ngay trên biển hoặc tại các cảng cá. DN chế biến trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với thương lái Trung Quốc trong việc thu mua nguyên liệu thủy sản ngay tại ngư trường là những diễn biến mới, bất lợi. Thực trạng này khiến DN trong nước phải đẩy giá thu mua lên, trong khi giá xuất gần như không tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm.

Đồng tình với quan điểm của bà Thu Sắc, Giám đốc Cty CP Procimex Đà Nẵng, cho biết: DN của ông đã phải nâng giá thu mua cao hơn giá của thương nhân Trung Quốc đưa ra nhưng vẫn không thể mua đủ nguyên liệu cho sản xuất. Phải tranh mua nguyên liệu với thương lái ngoại, cùng lúc đó chi phí đầu vào (xăng, dầu, điện, tiền lương...) tăng nhanh còn là bất lợi của khá nhiều DN khác. Do vậy, “Sáu tháng đầu năm, ngành cố gắng mở rộng thêm 15 thị trường để bù số tương đương thị trường cũ bị mất” - bà Thu Sắc nói và nhấn mạnh thêm: “Indonesia đã cấm xuất khẩu thủy sản nguyên liệu, VN nên nghĩ tới phương án này để ổn định nguồn nguyên liệu cho DN trong nước”.

Mối lo còn còn đó

Cuộc họp của Ủy ban tôm thuộc Vasep, cho biết: Tình trạng dịch bệnh khiến nuôi tôm ven biển ĐBSCL chết hàng loạt thời gian qua nên kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2011 chỉ có thể đạt 1,8 - 1,9 tỉ USD (năm 2010 là 2,1 tỉ USD).

Trong khi đó, Ủy ban Cá nước ngọt dự kiến, năm 2011 sản lượng cá tra nguyên liệu xuất khẩu khoảng 800.000 tấn, nhưng bù lại, kim ngạch tăng vì giá xuất tăng hơn năm 2010, có thể đạt 1,55 tỉ USD (tăng khoảng 150 triệu USD so với năm 2010) do giá cá tra philê xuất khẩu bình quân tăng, từ đầu năm nay đạt mức 2,62 USD/kg, so với giá bình quân cả năm 2010 là 2,2 USD/kg.

Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) Võ Quang Huy, bức xúc: Do tôm bị bệnh, chết, người nuôi tôm phải thả giống 2 - 3 lần nên mất lãi khá lớn. Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy sản Fimex/Sao Ta (Sóc Trăng) xác nhận tình hình tôm bị bệnh, chết vẫn chưa được cải thiện, mối lo thiếu nguyên liệu vẫn còn đó và e rằng sẽ còn kéo dài.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cafatex VN Nguyễn Văn Kịch, cho biết: Thiếu nguyên liệu có dấu hiệu ngay từ đầu năm. Nhưng nay thiếu do dịch tôm chết hồi tháng 4 và 5 vừa qua là cú sốc đối với ngành tôm xuất khẩu. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay chắc khó đạt mức năm rồi (năm 2010 đạt 2,1 tỉ USD).

Biến động giá tôm ở vùng nguyên liệu Bạc Liêu (nơi có mô hình tôm - lúa) đã làm không ít DN chế biến rơi vào thế thủ. Vì giá tôm xuất khẩu bị khống chế, trong khi chi phí đầu vào tăng, giá tôm nguyên liệu đội lên làm một số DN chế biến co lại. Các DN trong thời điểm khó khăn này đã cố gắng năng động trong tìm nguồn hàng bù đắp nhưng đầu vào cũng còn thấp xa nhu cầu chế biến, ngoại trừ một số DN kề bên vùng tôm-lúa. Hiện DN nhập ít hàng hơn, duy trì chế biến ở mức sản lượng thấp hơn và chờ thời cơ mới đẩy mạnh công suất sản xuất.

Thiếu nguyên liệu không chỉ là tôm, mặt hàng cá cũng căng thẳng không kém. TGĐ Cty CP thủy sản Hùng Vương Dương Ngọc Minh - Phó chủ tịch Vasep - cho rằng: Giá cá tra biến động (tăng dần và xuống nhanh) trong thời gian qua là do người nuôi thiếu thông tin thị trường. Hiện nay, 70% lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cỡ 700 - 850 gr/con, số còn lại (30%) là cỡ nhỏ. Nhưng người nuôi cá tra lại cố giữ cá lớn, hi vọng bán có giá, chứ không biết rằng DN chỉ dùng cá cỡ này với tỉ lệ hạn chế, dẫn đến giá cá thất thường.

Có thể nói, với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng như hiện nay, nhiều DN xuất khẩu thủy sản hiện đang đánh mất cơ hội làm ăn cũng như mở rộng thị trường.

Trước tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, nhiều DN phải sản xuất cầm chừng, có hơn 50% số nhà máy chế biến tôm xuất khẩu chỉ hoạt động để giữ công nhân, có nhà máy đang đứng trước nguy cơ đóng cửa... Trước thực tế này, nhiều DN kiến nghị Nhà nước cho phép nhập khẩu tôm nguyên liệu với thuế suất ưu đãi để giữ thị trường xuất khẩu, duy trì sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chế biến - XK thủy sản: Thiếu nguyên liệu còn kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO