Chành lái nương nhau

VÂN ANH| 02/07/2010 00:34

Cho đến giờ, theo tôi, thương lái là một mắt xích trong chuỗi giá trị “chiến lược hột lúa”, chưa thể cắt bỏ vai trò của họ, thay vào đó là ông chủ máy chà cho có vẻ môn đăng hộ đối với thương nhân”

Chành lái nương nhau

Ông Dương Việt Trung (Tư Việt Trung), năm nay đã ngoài thất tuần, dân Ninh Thạnh Lợi, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, trong câu chuyện về chành, nói rằng, thương lái từng đồng hành với chành, nhưng đến thời bao cấp, các trạm thu mua của Nhà nước mọc lên như nấm để thu đảm phụ, thu nợ, thu mua, nên thương lái bị vô hiệu.

Ông Dương Việt Trung (Tư Việt Trung)

“Ba thu” như vậy, chỉ riêng chuyện gom lúa nhưng không đủ chỗ chứa, nhiều đống lúa cao như ngọn đồi, trời mưa nước thấm, hao hụt rất lớn. Nó khác với hình ảnh những thương lái gom lúa tươi, thậm chí lúa khô, nhưng nếu chưa đủ chuẩn thì phơi lại trước khi xay ra gạo.

Là đại biểu Quốc hội, ông Tư Việt Trung ít nhất vài lần trình bày thực trạng hao hụt lúa gạo quá lớn do cách huy động lương thực của Nhà nước, nhưng để làm rõ hình ảnh thương lái thì ông chỉ trình bày được với hai người (nay đã quá cố) là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Năm 1960, tổ chức cách mạng đưa ông Dương Việt Trung vô chành Vạn Nguyên ở Cái Răng (thuộc tỉnh Hậu Giang bây giờ), hoạt động công khai để làm hậu cần cho lực lượng Giải phóng trong căn cứ kháng chiến. Vạn Nguyên có nhà máy xay gạo, hai bên có trại bằng lá cho tư sản lúa gạo thuê chỗ chứa lúa mua của nông dân. Các tư sản này đều có một số thương lái cùng hợp tác. Chính những người này mới vô trong lung sâu, rạch cùng gom lúa.

Một nhà máy có nhiều chủ chành. Lái không đủ tiền thì chạy tới chành. Chành không đủ tiền thì vay ngân hàng (không nhiều lắm) hoặc ra chợ vay thương nhân rồi mua lúa, xay gạo giao cho chủ vựa ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại Sài Gòn, lúa biến thành tiền. Các tiệm vải, tiệm vàng từng cho mượn tiền chỉ cần ghi toa là chành ở Sài Gòn mua hàng đem về giao tận nơi. “Vấn đề là đồng vốn quay vòng chứ không phải vốn nhiều - ông Tư Việt Trung nói - Uy tín là quan trọng, nhiều khi chỉ một miếng giấy ghi mấy chữ nhưng giao dịch bạc tỷ”.

Có trường hợp một chành một chủ, lúa do lái mua từ trong sâu về, họ làm đủ cách để giữ phẩm chất lúa. Bây giờ người ta gọi là vệ tinh, nhưng hồi xưa gọi là bạn hàng, họ như thủ túc của nhau. Tìm mọi cách để làm lời cho nhau. Đầu mùa, thương lái lấy bao khâu thành những tấm đệm lớn phơi lúa, đóng bao chất thành cây, làm kho thì biết cách tạo gió thổi thông thoáng để không ẩm mốc, được giá thì cùng xay chà gạo xuất đi. Nếu một chành có nhiều mối lái thì tính theo cây lúa và cắt từng cây khi xay chà.

Hôm nay, Sài Gòn cần 1.000 tấn gạo thì sẽ cắt lúa của 10 chành, mỗi chành 100 tấn, cứ thế cắt đều lúa để chuyển vào máy chà. Những chành hết trước do thiếu vốn mua lúa sẽ được hỗ trợ. Ở từng thời điểm khác nhau, để người mua sau không phải chịu giá chênh lệch, các chành sẽ thương lượng giá lúa theo từng loại giống, từng vùng và thương lái mua theo giá chành. Chành kết toán vào cuối năm, bao giờ cũng dư vài phần trăm vì mua lúa theo ghe đổ xá, phần dưới thường bị ướt. Giá lúa ướt luôn bị đánh thấp so lúa khô. Lái đưa lúa về chành phơi khô, bán với giá cao hơn. Mỗi ghe vài cần xé, nhưng suốt năm thì khá lớn. Phần trấu từ nhà máy xay thì giê lấy tấm làm thức ăn gia súc.

Ông Khổng Hớn, một người Hoa rành rẻ cách vận hành của chành, lái và nhà máy chà ở Cái Răng, kể: “Để tránh tình trạng cạnh tranh, các nhà máy xay cắt theo cây lúa, chia đều cơ hội cho mỗi chành, ví dụ hôm nay xay 100 tấn, có 5 chành thì mỗi chành xay 20 tấn. Trong trường hợp chành nào khó khăn thì các chành khác giảm bớt số lượng để dồn cho chành cần trợ giúp”.

Ông Lưu Kiến Minh, một người từng làm việc trong hệ thống hỗ trợ tài chính cho các chành ở Bãi Xàu, nói: Chành lúa gạo ở Sóc Trăng, Bãi Xàu phát triển trước Cái Răng, mạnh hơn Cái Răng vì có quan hệ tốt với ngân hàng và có mối dây liên hệ với chành của vua lúa gạo Mã Hý. Nhiều nơi khác phải chuyển hàng về Sài Gòn, nhưng các chành ở Bãi Xàu có thể chất hàng lên tàu từ Bãi Xàu rồi xuất thẳng. Chành ở Sóc Trăng nổi tiếng nhất là Quách Liên Kiều, Huỳnh Yến Chiền, Mã Phước.

Trước năm 1975, chành là nơi dự trữ lúa, vay vốn ngân hàng, cung ứng xuất khẩu và mua gạo cho tổng cục thực phẩm của chính quyền Sài Gòn. Hệ thống chành được giáo sư Châu Tam Luân phân tích trong học phần kinh nông học. Chành có kho, mua lúa, kể cả lúa non và tín dụng nhỏ, nhà máy xay gắn với hệ thống làm ăn ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Chành gắn với thương nhân ở chợ. Mọi việc đều lấy lòng tin làm trọng. Chành phải có điểm giao nhận ở miền Tây và Sài Gòn, có kho tạm tương ứng hoặc liên doanh làm kho tạm, có đội xe tải, có người nhận hoặc phát hàng. Từ Cần Thơ, hàng hóa giao tại chành sẽ được xe tải đi trong đêm, sáng hôm sau đã có mặt tại Sài Gòn. Chỉ trả tiền cước phí vận chuyển, chủ hàng sẽ thanh toán trực tiếp hoặc nhờ chành mang tiền trả.

Ông Tư Việt Trung kể: Chủ chành là người dày dạn kinh nghiệm thương trường, ai đó “tỏ tịa” (sập tiệm) thì tới chành vì nơi đó biết cách giúp nhau. Khi trao đổi với ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Văn Kiệt, tôi đề xuất cách nâng chành lên thành công ty cổ phần, nhưng đúng là tìm được con người như chành ngày xưa rất khó. Khó nhất là tìm được sự tin tưởng nhau”.

Giai đoạn đầu đổi mới, ông Tư Việt Trung làm xuất nhập khẩu, cũng định vận dụng cách làm của chành. Nhưng cơ chế lúc đó rất khác, không có chỗ cho chành và thật sự không có cái nhìn thiện cảm dành cho thương lái vì họ bị mang tiếng là con buôn, con phe…

Ông Phương Đức Phát giúp thầy giáo Dương Hán Lợi (Tư Việt Trung) vào làm ở chành Vạn Nguyên. Hai năm làm kế toán ở chành, năm đầu lời 32%, năm sau 35%, Tư Việt Trung được chủ chành thưởng tiền, tính ra bằng 4 lượng vàng.

“Một hôm, có người xưng ở vùng giải phóng ra, dặn mua péniciline để chuyển về cứ. Tôi xin ông chủ vắng mặt mấy tiếng đồng hồ, mang theo 27 lọ péniciline, chạy xe máy, giữa đường bị chặn xét hỏi. Sau đó tôi biết có người chở lúa tới, nhận ra tôi từ vùng giải phóng ra nên tôi bị thẩm vấn - ông Tư Việt Trung thuật lại - Họ nói tôi là Dương Hán Lợi, cán bộ Việt Minh, giải liên của Hồng Dân. Tui nghĩ bụng, họ nói đúng hết, chỉ có sai tên “giải liên”.

Đúng ra phải là “giao liên”. Vậy là hiểu biết của họ về tôi có chỗ trật. Tôi nói, tui có bạn chơi bời bị tiêm la nên nhờ mua thuốc chứ không làm gì hết. Nhưng tôi vẫn bị bắt với 27 lọ péniciline tang vật. Qua sáu phòng thấm vấn, cũng nhừ tử rồi. Bữa cuối, một tay trung úy kêu người đưa tôi tới phòng làm việc hỏi chuyện và cố ý cho tôi thấy tờ trình có dòng chữ “Đương sự ngoan cố, xin ý kiến của trưởng ty” và một tờ giấy pelure ghi “Đương sự ngoan cố, điều tra mạnh. Nếu cần, thủ tiêu”.

Tôi biết đây là đòn tâm lý nên không khai gì. Nhưng bước ra thì nghe họ nói với nhau “Đêm nay lấy mật thằng chệt này cho tao. 12 giờ xử lý”. Trả tôi về khám, anh em bu lại hỏi. Tôi kể lại mọi chuyện. Đến chuyện “12 giờ mang ra xử lý” thì có một người ngồi quay lưng về phía tôi, nói, cũng có thể có, cũng có thể không. Đào lỗ, bịt mắt chôn tới cổ cũng đừng vội hô khẩu hiệu”. Đêm đó thật dài, tới sáng thì họ đưa tôi ra tòa và trả tự do. Tôi biết mình bị bắt là do một lái lúa chỉ điểm. Chỉ mình hắn ta xấu”.

“Cho đến giờ, theo tôi, thương lái là một mắt xích trong chuỗi giá trị “chiến lược hột lúa”, chưa thể cắt bỏ vai trò của họ, thay vào đó là ông chủ máy chà cho có vẻ môn đăng hộ đối với thương nhân” - ông Tư Việt Trung kết thúc câu chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chành lái nương nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO