Cạnh tranh từ... nhà bếp

09/07/2009 04:52

Có ít nhất thêm 5 nhãn hiệu kinh doanh ẩm thực quốc tế nổi tiếng đang ráo riết săn tìm mặt bằng và xây dựng con người để kinh doanh tại VN. Đây là một “sơ kết” nhỏ chỉ sau một vòng khá hẹp tìm hiểu về “làn sóng” franchise (nhượng quyền) các nhãn hiệu ẩm thực quốc tế và khu vực

Cạnh tranh từ... nhà bếp

Có ít nhất thêm 5 nhãn hiệu kinh doanh ẩm thực quốc tế nổi tiếng đang ráo riết săn tìm mặt bằng và xây dựng con người để kinh doanh tại VN. Đây là một “sơ kết” nhỏ chỉ sau một vòng khá hẹp tìm hiểu về “làn sóng” franchise (nhượng quyền) các nhãn hiệu ẩm thực quốc tế và khu vực. Từ năm 2008 đến nay, nếu như nhiều lĩnh vực khác bị đình trệ vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì thị trường kinh doanh ẩm thực trong nước, nhất là tại TP.HCM, vẫn rất nhộn nhịp với nhiều chuyển biến mới lạ.

Gloria Jeans Coffee, Coffee Bean & Tea Leaf, Bud’s Ice Cream... hầu như đã bước qua giai đoạn thăm dò thị trường bằng cửa hàng đầu tiên. Các cửa hàng mới của họ đang được mở ra nhanh chóng trên những vị trí đắc địa, được đầu tư với quy mô lớn, có sức hấp dẫn khách hàng.

Coffee World thuộc sở hữu của Tập đoàn Global Franchise Architects (Thụy Sĩ) đã có mặt ở Việt Nam. (Ảnh chụp tại 103 Võ Văn Tần) - Ảnh: Quý Hòa

Có thể điểm danh hàng loạt nhãn hiệu ẩm thực lớn khác đến từ nước ngoài đã phát triển khá tốt trong thời gian gần đây, như ThaiExpress, Coca Suki, Tous Les Jours, Lee’s Sandwiches, Pizza Hut... Phần nhiều trong số các nhãn hiệu này đều đặt mục tiêu khá rõ: Trong 3 đến 5 năm tới, số lượng cửa hàng tại VN phải lên đến con số 20 - 30. Những nhãn hiệu thức ăn nhanh đã “bén rễ” thị trường như FKC hay Lotteria, mục tiêu còn lớn hơn nhiều: 80 cửa hàng. Như vậy, không quá lời khi nói rằng chỉ trong vòng hơn một năm qua, thị trường ẩm thực trong nước đã chính thức bước vào một cuộc cạnh tranh mới với sự nhập cuộc của những nhà kinh doanh quốc tế chuyên nghiệp.

“Chúng tôi đến đây từ hơn một năm trước để xây dựng mọi thứ. Dù đã tiến hành nghiên cứu thị trường khá kỹ nhưng lúc đầu, chúng tôi cũng hơi ngần ngại không biết sẽ được khách hàng VN đón nhận ra sao. Nhưng rất ngạc nhiên là ngay khi cửa hàng đầu tiên mới được mở ra, người địa phương đã tỏ ra rất quen thuộc bởi họ đã từng đến Coffee Bean & Tea Leaf ở nhiều quốc gia khác. Người VN bây giờ đi làm việc hoặc du lịch nước ngoài nhiều nên họ đã quen thuộc, với phong cách và nhãn hiệu quốc tế” - đại diện của Coffee Bean & Tea Leaf nhận định. Đây là điều kiện cần mang lại sự thuận lợi và phát triển nhanh chóng cho các nhãn hiệu quốc tế trên thị trường VN.

Mặt khác, theo nhận định chung, thói quen tiêu dùng của khách hàng VN, nhất là khách hàng trẻ tại TP.HCM và Hà Nội đã thay đổi rất nhanh nhưng các nhãn hiệu địa phương không nắm bắt và theo kịp. Do vậy, khi các nhãn hiệu nước ngoài đến, mang theo những điều mới lạ, thuận tiện, giúp khách hàng có cảm giác được “toàn cầu hóa”, họ nhanh chóng hưởng ứng. “Chúng tôi không chỉ bán cà phê, kem hay thức ăn, mà còn bán không gian, cảm giác với những concept (ý tưởng) rõ ràng.

VN đang xem ẩm thực là lĩnh vực kinh doanh có nhiều lợi thế cạnh tranh nhất, cũng từng được gợi ý có thể định vị thương hiệu quốc gia trở thành “nhà bếp của thế giới”, song trong cuộc cạnh tranh mới, cũng ngay trên “sân nhà”, nhiều doanh nghiệp địa phương đang cần có cách thức, nguồn lực và định vị mới. Không thể hiểu một cách đơn giản là để bảo vệ lợi thế cạnh tranh, các nhà kinh doanh người Việt chỉ đơn thuần bán món ăn, thức uống VN, hay chỉ cố gắng níu giữ, thúc đẩy những mô hình truyền thống. Trên thực tế, rất nhiều nhãn hiệu quốc tế đang được phát triển bởi bàn tay của các nhà kinh doanh nội địa, được chính người Việt tìm kiếm và mang về. Do vậy, cũng không nên nhìn nhận sự xuất hiện của các nhãn hiệu quốc tế như là một nguy cơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cạnh tranh từ... nhà bếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO