![]() |
Một buổi gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp xoay quanh những khó khăn trong đầu tư năm 2011 vừa diễn ra vào ngày 21/3 tại TP. Hồ Chí Minh, qua đó nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa các rủi ro trước mắt cũng được bàn đến.
Xem E Paper số 397
Những khó khăn trước mắt
TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa, mở đầu buổi hội thảo “Đầu tư 2011” bằng việc nhìn nhận tình hình hiện nay của nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Ông khiến nhiều người ngạc nhiên khi công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 42% dự đoán về kinh tế tài chính trên thế giới đều sai lệch thực tế.
![]() |
Các doanh nhân đến tham dự và chia sẻ ý tưởng tại hội thảo “Đầu tư 2011” |
Thế nên, điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần cảnh giác trong thời buổi hiện nay là đừng đặt tất cả niềm tin vào các dự đoán. Thậm chí các số liệu cũng chưa chắc xác thực bởi nhiều con số đã bị bóp méo vì các lý do khách quan lẫn chủ quan.
Ngoài ra, ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô đến các doanh nghiệp cũng chỉ có tính tương đối. Tác động của nó đến với doanh nghiệp hầu như rất nhỏ nếu doanh nghiệp đó có đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, sản phẩm đặc thù và chất lượng chuyên môn cao.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, dẫn đến một thực tế là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước thu hẹp dần. Điển hình là hàng Trung Quốc tràn lan, bất ổn xã hội càng lúc càng phức tạp ở nhiều nước và sự suy thoái tiêu dùng ở cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Theo lời diễn giả Alan Phan thì: “Sự suy thoái hiện nay đã rõ ràng đến mức không cần đến các con số của tổng cục thống kê, mà chỉ việc hỏi thăm giá cả tiêu dùng của các bà nội trợ nắm bắt hằng ngày”.
Ông cho rằng sắp tới nền kinh tế Việt Nam sẽ còn chứng kiến nhiều khó khăn hơn nữa khi tình hình lạm phát, mức lãi suất và tỷ giá vẫn đang không ngừng xáo trộn. Bên cạnh đó, giá trị tài sản gồm địa ốc, chứng khoán, vàng, ngoại tệ… vẫn đang là một dấu hỏi lớn cho cả người dân lẫn nhà đầu tư.
TS Alan Phan đúc kết: “Theo kinh nghiệm của tôi thì vàng không phải là kênh đầu tư, mà là nguồn phòng thủ. Trong hơn 40 năm làm kinh doanh thì tài sản này đã chứng minh được rằng nó là sự bảo chứng đầy hiệu quả cho cá nhân”.
Không chỉ tình hình vĩ mô đang đối diện nhiều khó khăn, bản thân nội lực của các doanh nghiệp trong nước cũng có vấn đề. Từ kỹ năng quản trị kém, chất lượng nhân viên chưa được chuyên môn hóa cao, quan hệ quốc tế nghèo nàn và nhất là sự thiếu hụt vốn. Vậy lời giải nào cho Việt Nam hiện nay?
“Cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh hiện đại, TS Michael Porter từng nói: “Không có công ty nào tốt nhất bởi cái tốt nhất tùy thuộc vào nhu cầu của từng khách hàng. Vì thế, chiến lược của công ty không nên theo đuổi mục tiêu tốt nhất, mà thay vào đó hãy trở thành duy nhất và khác biệt nhất để tạo được lợi thế cạnh tranh cho mình”.
Tại hội thảo, đã có kiến giải tương tự rằng: “Nếu muốn thành công, chúng ta nên tìm sự khác biệt trong mục tiêu, tầm nhìn, sản phẩm và kể cả thị trường để có thể chọn một con đường riêng ít bị cạnh tranh gay gắt như hiện nay”.
Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tập quán trong phương thức quản trị, đường lối sử dụng người tài, áp dụng công nghệ cao trong mọi lĩnh vực hoạt động…
Ngoài ra, việc hợp tác với đội ngũ tư vấn giàu kinh nghiệm, bắt tay cùng các đối tác quốc tế hay sáp nhập mua bán tài sản cũng sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại.
Những bài học kinh nghiệm từ Mỹ và Trung Quốc
Hội thảo “Đầu tư 2011” do ThaiHa Books phối hợp tổ chức cùng ProSkills và Vinabull.com còn là dịp để TS Alan Phan chia sẻ với các doanh nhân kinh nghiệm thương trường sau nhiều năm kinh doanh ở nước ngoài. Cuốn sách “42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc” của ông cũng được phát hành nhân dịp này.
Những bài học trong đó không chỉ hữu ích với những doanh nghiệp đang hoặc có ý định làm việc với các đối tác Mỹ và Trung Quốc, mà còn giúp doanh nhân Việt Nam tích lũy thêm kinh nghiệm nhằm ứng phó với các tình huống khó khăn của nền kinh tế trong năm 2011.
Tác giả đã phân tích rất sắc sảo, thực tế về chuyện kinh doanh tại hai thị trường lớn đầy tiềm năng nhưng cũng khá rủi ro, nhiều thất thoát. Với cách viết giản dị nhưng dí dỏm, sâu sắc, ông đã phản ánh những vấn đề tưởng chừng rất vĩ mô như nguồn vốn, chế độ pháp lý… trở nên gần gũi, thiết thực hơn.
Ông nhìn nhận rằng thị trường Mỹ lớn và đồng nhất, luật chơi sòng phẳng, dễ tìm vốn khi mô hình kinh doanh hợp thời. Tuy nhiên, cạnh tranh tại đây khốc liệt nhất cũng như phí tổn khá cao và khó giữ chân nhân tài. Còn với Trung Quốc thì thị trường vốn dĩ phức tạp vì mang tính địa phương cũng như luật pháp có vẻ thiên vị doanh nghiệp nội địa hơn.
Thêm nữa, vốn và định chế kinh tế tại đây chủ yếu mang tính “ngoài luồng”, bản quyền trí tuệ bị mất cắp dễ dàng và nhân viên tài giỏi sẽ là các đối thủ tiềm năng trong tương lai.
Xét về cơ hội lẫn rủi ro đầu tư ở hai thị trường này, tác giả đánh giá rằng: “Nhà đầu tư thường có định kiến sai lầm là họ sẽ kiếm được nhiều tiền tại các thị trường mới nổi với sức tăng trưởng nhanh chóng… Cơ hội càng nhiều thì rủi ro càng lớn, mức lời có thể cao hơn nhưng tỷ lệ thất thoát cũng nhiều hơn.
Do đó, tâm lý bầy đàn chạy theo những đầu tư tại Trung Quốc vì cả thế giới xôn xao bàn tán về cơ hội nơi đây hay về vị trí siêu cường kinh tế sắp đến của Trung Quốc chưa chắc là một quyết định khôn ngoan”.
Thêm vào đó, “nếu bạn là một người vừa nhập cư vào Mỹ, bạn sẽ tìm được rất nhiều cơ hội tốt vì xã hội nơi đây cởi mở, luôn chấp nhận người mới, ý tưởng mới.
Trong khi đó, người lạ mới nhập cư vào Trung Quốc sẽ ít cơ hội, vì những rào cản về thành kiến, xã hội, cơ chế hành chính. Đó cũng chính là lý do mặc cho những cơ hội tràn ngập vì thị trường vừa cất cánh, không ai có ý định định cư ở Trung Quốc làm ăn lâu dài”.
Với kinh nghiệm từng đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987 (đến năm 1999 đạt mức thị giá lên đến 670 triệu USD) và thêm 12 năm kinh doanh tại Trung Quốc, TS Alan Phan đã nếm trải hết những thành công lẫn thất bại ở hai thương trường này.
Những bài học ông chia sẻ trong tác phẩm của mình đã phần nào phác thảo nên bức tranh tương đối rõ ràng để các doanh nhân Việt Nam cẩn trọng hơn khi quyết định đầu tư vào Mỹ hoặc Trung Quốc.
Trên hết, điều mà ông muốn nhắn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp chính là: “Khả năng của chúng ta là thể hiện của những điều được làm thường xuyên. Vì vậy, sự ưu việt là một thói quen, chứ không phải hành vi sẵn có”.