Cần thay đổi cơ bản phương án 3T và “1 cung đường - 2 điểm đến”

P.V| 03/08/2021 07:15

Đó là một trong những nội dung báo cáo của Hiệp Hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA), Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa gửi đến Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Cần thay đổi cơ bản phương án 3T và “1 cung đường - 2 điểm đến”

Nhiều công trình xây dựng phải ngừng thi công

Báo cáo cho rằng giải pháp giãn cách theo phương án 3T hay “1 cung đường - 2 điểm đến” đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của TP.HCM và các tỉnh lân cận nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, trong đó có hoạt động của ngành xây dựng.

Giải pháp 3T hay “1 cung đường - 2 điểm đến” chưa thể phát huy được ưu điểm, vì những lý do sau: DN hạn chế về tài chính, nguồn lực (kiểm soát việc ra vào của người lao động; thường xuyên phải xét nghiệm đối với người lao động);  thiếu cơ sở vật chất (phục vụ chỗ ăn, ở cho người lao động theo tiêu chuẩn) và còn rất nhiều khó khăn khác.

Theo ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, toàn bộ các dự án của Tập đoàn và nhiều DN xây dựng khác tại TP.HCM đều phải ngừng thi công, giống như rất nhiều dự án xây dựng khác ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội.

Khi các công trình xây dựng ngừng thi công, nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng cũng lâm vào cảnh khó khăn tương tự. Cách làm này vô tình gây tác động xấu không chỉ riêng TP.HCM và các tỉnh lân cận mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, vì riêng TP.HCM đã chiếm đến hơn 20% GDP của cả nước và đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia. 

Nếu vẫn áp dụng cách chống dịch theo phương án này, thời gian ngưng trệ hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa sẽ kéo dài không xác định, trong lúc TP đã phải chấp nhận rủi ro lây lan do không còn kiểm soát được F1, F0 thì TP sẽ không thể đạt được cả hai mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. 

Báo cáo dự đoán: Khi thời gian áp dụng giãn cách kéo dài (theo nhận định mới nhất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì phải mất đến hàng tháng nữa), thì sẽ có nhiều DN, bao gồm cả DN lớn, vừa và nhỏ; những hộ kinh doanh, người buôn bán, công nhân xây dựng sống bằng thu nhập hàng ngày đều khó có thể "sống sót" vượt qua đại dịch. 

Trong 3 năm vừa qua, riêng ngành xây dựng vốn đã gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư mới được cấp phép, cộng với biến động giá vật tư xây dựng, nay còn phải đình trệ hoạt động thì khó mà trụ vững.

Cần ưu tiên chiến lược tiêm chủng

Phương án 3T hay “1 cung đường - 2 điểm đến” áp dụng trong sản xuất kinh doanh thời gian qua cho thấy TP không đạt được mục tiêu dập dịch mà cũng không thể kiềm hãm được đà lây lan của dịch bệnh.

Việc kiểm soát dịch trong các DN sản xuất theo phương án 3T còn nhiều kẽ hở dẫn đến sự hình thành nên những ổ dịch mới tại một số nhà máy lớn, mà nguồn lây vừa từ bên ngoài vừa đến từ bên trong khu vực sản xuất. Vissan, công trường xây dựng của Hòa Bình, xưởng sản xuất gạch bông của Secoin là những ví dụ điển hình. Những khu nhà trọ chật chội trong các con hẻm nhỏ cũng là những ổ dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, cho dù có quy định ngăn cấm mọi tiếp xúc.

Báo cáo cho rằng, TP phải chấp nhận một thực trạng là không thể kiểm soát toàn bộ F0 và F1 bên ngoài bệnh viện và khu cách ly. Hay nói một cách khác, mầm bệnh không thể triệt tiêu được với giải pháp này!

Như vậy, biện pháp rất mạnh với mục tiêu dập dịch hoặc kiềm hãm sự lây lan của dịch bệnh vô tình đã làm tê liệt phần lớn các hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa, mặt khác, vẫn không giảm được nhiều tốc độ lây nhiễm. Thời gian ủ bệnh có thể lên đến 21 ngày thì với cách làm này, còn rất lâu TP mới có thể kiểm soát được trọn vẹn đại dịch. Do đó, chính quyền TP cần phải có phương án mới khác hơn 3T và "1 cung đường - 2 điểm đến". 

Cuối cùng, bản báo cáo nhận định, TP rất khó bảo đảm được an sinh xã hội khi người dân vừa giảm sút thu nhập vừa phải gánh chịu nhiều hệ quả khác từ dịch bệnh. Dẫn chứng thực tế từ nhiều quốc gia phát triển cho thấy, các thành phố có quy mô lớn tương tự TP.HCM và Hà Nội chỉ có thể hoạt động bình thường trở lại khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Vì thế, TP cần ưu tiên chiến lược tiêm chủng vaccine cho người lao động và người lao động đang sống trong những khu nhà trọ chật hẹp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần thay đổi cơ bản phương án 3T và “1 cung đường - 2 điểm đến”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO