Cần thận trọng khi phát triển cây mắc ca tại Việt Nam

VÂN THẢO| 05/06/2015 01:11

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển trồng cây mắc ca xen với cà phê, chè và nghiêm cấm sử dụng loại hạt giống hoặc cây ghép không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cần thận trọng khi phát triển cây mắc ca tại Việt Nam

Ngày 4/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam”.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tìm ra những giải pháp để bước đầu định hướng vùng, thị trường... cho cây mắc ca tại Việt Nam.

Theo dự kiến, cuối năm 2015, Bộ NN&PTNT sẽ chính thức ban hành quy hoạch mắc ca, song quan điểm của Bộ vẫn hết sức thận trọng với loại cây này vì nhiều lý do, trong đó có thị trường tiêu thụ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Jolyon Burnett - Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Australia cho biết, nhu cầu sử dụng hạt mắc ca hiện nay trên thế giới là khá lớn.

Về thị trường tiêu thụ, 70% lượng mắc ca tách vỏ (mắc ca nhân) được tiêu thụ ở Mỹ, Đức, Australia, Nhật và Brazil. Ngoài ra, 90% lượng mắc ca chưa tách vỏ được tiêu thụ tại Trung Quốc.

Trước tiềm năng phát triển lớn như vậy, TS. Đinh Văn Đề (Viện Điều tra - Quy hoạch rừng, Bộ NN&PTNT) cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện để cung cấp một phần sản lượng mắc ca cho thị trường thế giới.

Bàn về phương hướng phát triển, trong thời gian tới, ông cho biết Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển trồng xen cây mắc ca với cà phê, chè, trồng trong vườn hộ. Nếu trồng tập trung, cây mắc ca cần phải được đầu tư, chăm sóc như đối với các loại cây lấy quả khác.

Về công tác giống và xử lý giống, chủ đầu tư chỉ sử dụng cây ghép từ các giống đã được công nhận; nghiêm cấm sử dụng cây từ hạt hoặc cây ghép không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mỗi diện tích rừng trồng, vườn hộ cần sử dụng từ 3-5 giống khác nhau. Chủ đầu tư cần quản lý nguồn gốc, công suất vườn ươm thông qua việc đánh giá vườn cung cấp mắt ghép.

Về định hướng nghiên cứu giống mắc ca, ngoài việc chú trọng đến tính thích ứng và sản lượng hạt, công tác này cần chú ý đến tính ổn định về sản lượng quả qua các năm, kích thước hạt, tỷ lệ nhân, các chỉ tiêu chất lượng, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất lợi khác.

Theo ông Burnett, Việt Nam đã lựa chọn thời điểm phù hợp để bước chân vào ngành hàng hạt - là ngành đang tăng trưởng rất mạnh và đang có mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục về giá. Trong đó, hạt mắc ca đang trong tình trạng cầu lớn hơn cung, và tồn kho mắc ca thế giới năm 2014 là không có.

Riêng về Trung Quốc - nơi có nhiều trang trại mắc ca mới hiện nay, ông Burnett cho biết, diện tích trồng mắc ca tại quốc gia này đang tăng nhanh, song điều đáng lo ở Trung Quốc là chạy theo diện tích, sản lượng nên chưa thực sự chú trọng đất chất lượng mắc ca. Điều này sẽ mang lại nhiều rủi ro trong tương lai.

“Việt Nam cần tránh lặp lại sai lầm như Trung Quốc, cần kiểm soát chặt giống mắc ca, vì cây mắc ca sẽ trồng và cho thu hoạch trong tận 40 năm. Hơn nữa, chất lượng hạt mắc ca phụ thuộc hoàn toàn vào giống đầu vào, không phải nhờ công nghệ chế biến”, ông Burnett nói.

Hiện tại, Úc là quốc gia dẫn đầu về chế biến và tiêu thụ mắc ca trên toàn thế giới.

Sở dĩ nước này muốn các nước mở rộng trồng mắc ca là do đất để trồng mắc ca tại Úc ngày càng khan hiếm, trong khi để mở rộng và duy trì thị trường, diện tích và sản lượng mắc ca toàn thế giới cần phải tăng nhanh hơn nữa để cạnh tranh với các đối thủ như hạnh nhân, óc chó, hạt điều…

>Vì đâu "vua" mắc ca Lâm Đồng "mắc cạn"?

>Giải pháp "chuỗi giá trị" cho mắc ca Việt Nam

>Hạt mắc ca phá thế độc canh, làm giàu cho Tây Nguyên

>Lâm Đồng nhận 10.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần thận trọng khi phát triển cây mắc ca tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO