Các gói kích cầu có thể làm tăng lạm phát

Song Anh| 10/07/2020 03:03

Lạm phát đang chịu tác động của các chính sách bơm tiền kích cầu nền kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trong một chừng mực nhất định, việc bơm tiền này sẽ tạo ra những vấn đề liên quan đến lượng hàng hóa và sản phẩm tương ứng", TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế độc lập trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn.

TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế độc lập

TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế độc lập

* Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019. Ông bình luận thế nào về con số này?

- Xét về các yếu tố cơ bản tác động đến lạm phát, cả yếu tố giá, yếu tố về cân đối cung cầu, yếu tố về bên ngoài, cũng như các yếu tố tiền tệ, về lãi suất, thậm chí cả tỷ giá, đều có dấu hiệu cho thấy khả năng kiểm soát lạm phát trong năm 2020 dưới 4% là không quá khó.

Quan sát 6 tháng vừa qua cho thấy có hai điểm chính kích lạm phát tăng: giá xăng dầu dần phục hồi sau giai đoạn xuống thấp và giá thực phẩm, nhất là giá thịt heo. Tác động mạnh lên lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn là yếu tố giá. Nhưng ở chiều ngược lại, tiền tệ đang là yếu tố kiềm chế lạm phát và nhiều khả năng đạt được mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra cho năm nay. Tín dụng tăng thấp, chỉ hơn 2% trong 6 tháng. Triển vọng tăng tín dụng là rất khó khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao, khiến nhu cầu tín dụng giảm xuống mức thấp. Lãi suất khi tín dụng tăng chậm, cơ hội tăng lãi suất cho vay là khó, kèm theo đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng tăng lên khi phải kéo lãi suất huy động xuống do nhu cầu về vốn không lớn. Về mặt nguyên tắc, khi ngân hàng kéo lãi suất xuống, ít nhất trong 6 tháng tới ảnh hưởng của lạm phát tiền tệ là không cao, nếu có thì theo quy luật, lãi suất giảm sẽ làm tăng cung tiền tín dụng và khi ngân hàng huy động mà tiền không vào hệ thống, có thể gây ra lạm phát do tiền tệ. Nhưng theo tôi thì điều này, nếu xảy ra thì cũng phải sang năm 2021, không rơi vào nửa cuối năm nay.

* Yếu tố nào cần lưu ý trong kiểm soát lạm phát năm nay, thưa ông?

- Đó là yếu tố về cung. Khi sản xuất khó khăn do tiêu thụ, hiện tượng dư cung và lưu kho sẽ tăng, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay khiến cầu thu hẹp, đặc biệt là cầu về tiêu dùng. Dư cung cũng kéo cầu sản xuất giảm xuống. Xét về thị trường và cân đối cung cầu, yếu tố cung cầu đang nghiêng về hướng giảm lạm phát nhiều hơn. Do đó, xét các yếu tố tác động đến lạm phát thì các yếu tố kéo giảm lạm phát đang nhiều hơn.

Link bài viết

Lạm phát đang chịu tác động của các chính sách bơm tiền kích cầu nền kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trong một chừng mực nhất định, việc bơm tiền này sẽ tạo ra những vấn đề liên quan đến lượng hàng hóa và sản phẩm tương ứng. Ví dụ, gói kích cầu một chiều 62.000 tỷ đồng, hay cấp tín dụng ưu đãi khoảng 2%, thậm chí cả gói tín dụng tới đây, quyết định không phải là vấn đề cấp ra bao nhiêu tiền, mà còn là việc tiền cấp có tương ứng với lượng hàng hóa, dịch vụ được cung cấp không, nếu không, tương ứng chắc chắn sẽ gây ra lạm phát trong năm 2021. Trong khi đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm nay cũng sẽ tạo áp lực về tăng tiền trong lưu thông và sẽ ảnh hưởng đến lạm phát của năm sau.

* Ông nói gì về cảnh báo lạm phát cao vào 6 tháng cuối năm nay ?

- CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5/2020 đây là mức tăng cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2016-2020, nhưng nên nhìn những cảnh báo này như những rủi ro cho năm 2021. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là các gói kích thích kinh tế, nếu sai sẽ lặp lại kịch bản năm 2009-2010. Kích thích kinh tế, rủi ro đi kèm luôn là lạm phát cao nếu kích thích không đúng và không hiệu quả. Chúng ta phải học được bài học kinh nghiệm của năm 2009-2010.

Một điểm nữa cũng cần được chú ý, đó là độ trễ của gói kích thích kinh tế, bởi phải một năm hoặc hơn một năm sau gói kích thích này mới chịu tác động buộc phải sử dụng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ. Lần khủng hoảng trước, các gói hỗ trợ được tung ra năm 2009, nhưng sang năm 2010 lạm phát mới tăng và đạt đỉnh vào năm 2011, buộc nước ta phải áp dụng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó có đầu tư công.

* Ông có thể nói rõ hơn về mức độ nguy hiểm nếu kịch bản đó lặp lại?

- Thông thường, các dự án đầu tư công kéo dài từ 2-3 năm. Nước ta đang triển khai giải ngân nhanh các dự án đầu tư công, nếu lạm phát tăng cao vào năm sau, có thể áp dụng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, khi đó hàng loạt dự án đầu tư công vẫn chưa hoàn thành sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế và gây bất ổn đối với kinh tế vĩ mô.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các gói kích cầu có thể làm tăng lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO