Cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng đều... bị hại

03/08/2009 04:55

Ý kiến của ông Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về tình trạng nhập khẩu thực phẩm thiếu kiểm soát hiện nay

Cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng đều... bị hại

Ý kiến của ông Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên là cục trưởng cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình trạng nhập khẩu thực phẩm thiếu kiểm soát hiện nay

Ông Vang nói: “Việc giảm thuế nhập khẩu thịt trước thời hạn cam kết gia nhập WTO được bắt đầu từ cuối năm 2007. Lúc đó, giá cả trong nước tăng cao, nên các nhà chức trách mong muốn việc giảm thuế này sẽ kéo giá thực phẩm trong nước xuống.

Từ lúc đó, hầu hết các chuyên gia đề nghị không giảm thuế, bởi nếu giảm, sẽ ảnh hưởng tới bảy triệu hộ chăn nuôi, chủ yếu là nông dân. Tuy nhiên, việc giảm thuế vẫn diễn ra và cho tới bây giờ, khi lạm phát đã hạ nhiệt, bảy triệu hộ nông dân vẫn đang phải gánh chịu hậu quả từ việc giảm thuế”.

Thưa ông, giảm thuế nhập khẩu xét ở góc nhìn giá cả, người tiêu dùng được lợi?

Thực tế, việc giảm thuế nhập khẩu không làm giá cả thị trường giảm theo. Năm 2008 có 150.000 tấn thịt và các loại phụ phẩm được nhập vào nước ta, chiếm 5% tổng sản lượng thịt tiêu thụ cả nước. Tỷ lệ này nhỏ, không đủ để kéo giá thịt tiêu thụ trên thị trường, nhưng lại kéo giá thịt heo hơi thương phẩm xuống. Người nông dân bị thiệt.

Chúng tôi đã tính toán, ở thời điểm giá tăng cao, người tiêu dùng phải mua thịt giá đắt, người nông dân không được lợi. Người được lợi là những doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi, làm dịch vụ giết mổ, phân phối… Do chất lượng các sản phẩm nhập khẩu chưa được kiểm soát tốt, nên người tiêu dùng bị thiệt hại.

“Vấn đề” trong kiểm soát chất lượng các sản phẩm nhập khẩu, theo ông hiện nay là gì?

Ví dụ như cho phép nhập khẩu quá nhiều các phụ phẩm sau giết mổ của gia súc gia cầm như: lòng, ruột gà, lợn, bò, cừu, ngựa… Từ đầu năm đến hết ngày 15.6, đã có 38.330 tấn phụ phẩm này được nhập vào nước ta, chiếm hơn 90% tổng lượng nhập khẩu. Theo trị giá nhập khẩu, những phụ phẩm này giá chưa tới 1 USD/kg, chủ yếu các chất tồn dư nằm trong phụ phẩm mà ít nằm trong thịt.

Tôi đi họp nhiều về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thịt nhập khẩu, các chuyên gia đều đề nghị không nhập phụ phẩm cho người ăn. Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành danh mục một số sản phẩm cấm nhập khẩu cho người ăn, việc nhập khẩu phụ phẩm sẽ bị hạn chế.

Việc nhập khẩu các sản phẩm gần hết thời hạn sử dụng (cận date) vẫn đang được nhiều doanh nghiệp làm, theo ông có cần quy định về thời hạn lưu hành của thực phẩm nhập không?

Doanh nghiệp họ nhập khẩu vì lợi nhuận. Ở nước ngoài, ví dụ thực phẩm có thời hạn sử dụng chín tháng, nhưng cứ bán được sáu tháng, còn ba tháng thì được bán rất rẻ, thậm chí rẻ như cho. Các doanh nghiệp mình hay mua như kiểu mua thanh lý ấy, nhập về. Thời gian trung chuyển, kho bãi để hàng về tới Việt Nam cũng mất tới ba tháng, như vậy là hết hạn sử dụng.

Nhiều doanh nghiệp đã dán chồng thời hạn sử dụng của sản phẩm lên để bán, trong khi nếu hỏi nhà cung cấp nước ngoài, thì người ta vẫn nói, ở thời điểm bán, sản phẩm vẫn còn sử dụng được. Bởi vậy, về thời hạn sử dụng của sản phẩm cần quy định rõ còn thời hạn bao lâu mới được nhập về để tránh tình trạng này.

Ông có cho rằng, người tiêu dùng đang phải mua thịt giá đắt vì giá thành sản xuất các loại thịt trong nước hiện nay quá cao?

Muốn hạ giá thành sản xuất thịt trong nước xuống, việc bỏ các loại thuế đánh vào thức ăn chăn nuôi, giống như cách làm của các nước trong khu vực là cần thiết.

Hiện giá thành sản xuất thịt nước ta đang cao hơn các nước trong khu vực, bởi vậy, người tiêu dùng đang ăn thịt như lợn, gà với giá đắt. Giá đầu vào của ngành chăn nuôi nước ta hiện đắt hơn thế giới khoảng 12 – 15%, trong đó có 6% thức ăn chăn nuôi do thuế, 3% từ hệ thống phân phối và bao bì đóng gói nhỏ lẻ, dịch bệnh từ phương pháp chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đem lại nhiều rủi ro, khiến giá thành đắt lên khoảng 3 – 5%. Các loại thuế thức ăn chăn nuôi hiện nay, tuy đánh vào các loại nguyên liệu nhập khẩu, nhưng thực chất thuế đó đánh vào chính nông dân. Người nông dân phải mua thức ăn với giá cao, nhưng lại bị ép giá thương phẩm đầu ra.

Khi chất lượng thịt nhập khẩu được kiểm soát tốt, mà thịt nhập khẩu vẫn rẻ hơn thịt nội, như vậy phải tính tới chuyện giảm giá thành thịt trong nước xuống?

Muốn hạ giá thành sản xuất thịt trong nước xuống, việc bỏ các loại thuế đánh vào thức ăn chăn nuôi, giống như cách làm của các nước trong khu vực là cần thiết. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để nâng quy mô sản xuất lên. Ở nước ta, việc chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phải chấp nhận tồn tại, nhưng cần kích thích để những cơ sở sản xuất quy mô vừa được nâng lên thành lớn, chỉ có sản xuất quy mô lớn mới hạ được giá thành. Quy mô sản xuất lớn hiện vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng đàn gia súc, gia cầm cả nước. Để tăng quy mô, đó phải là các chính sách về đất đai, vốn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng đều... bị hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO