Thông tin trên nằm trong báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020 (PCI 2020) do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện công bố thường niên. Đây là năm thứ 16 liên tiếp VCCI và USAID công bố báo cáo năng lực cạnh tranh của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo đó, nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất năm theo báo cáo PCI 2020 là: Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội, Bắc Ninh.
Trong Top 10 địa phương dẫn đầu, Đồng Tháp và Long An đã có sự bứt phá vượt bậc. Với điểm số 72,8, Đồng Tháp nắm giữ vị trí thứ 2 trong PCI 2020, cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong công tác cải cách hành chính (tăng 1,1 điểm), tạo thuận lợi về gia nhập thị trường (tăng 0,81 điểm) và giảm thiểu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (tăng 0,45 điểm).
![]() |
Đồng Tháp đứng thứ 2 trong PCI 2020 |
Long An đạt 70,37 điểm và đứng vị trí thứ 3 trong, tăng 5 bậc so với năm 2019, do có những bước tiến mạnh mẽ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp (tăng 1,17 điểm) và công tác cải cách thủ tục hành chính (tăng 1,32 điểm).
Bình Dương được ghi nhận thăng hạng tốt nhất khi tăng 2,78 điểm và 9 bậc so với kết quả năm 2019, với những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về gia nhập thị trường (tăng 1,22 điểm) và công tác hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,91 điểm). Đây là kết quả của việc Bình Dương đã rà soát và hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông đăng ký doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục về đầu tư. Thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư. Ngoài ra còn hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc để các dự án triển khai nhanh, đi vào hoạt động.
TP.HCM vẫn dậm chân ở vị trí thứ 14, không thay đổi so với năm 2019.
![]() |
Long An tăng 5 bậc chỉ số PCI so với năm 2019 |
Để thực hiện báo cáo PCI 2020, nhóm khảo thực hiện đã tiến hành khảo sát, ghi nhận ý kiến phản hồi của 12.300 doanh nghiệp, trong đó có 10.700 doanh nghiệp tư nhân trong nước, 1.600 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Báo cáo PCI 2020 đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Bên cạnh đó là chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt và thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.