Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chống hàng giả yếu và thiếu

P.V| 17/11/2014 07:01

Tôi phải nói thật có tình trạng cán bộ kiểm tra phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng của sản phẩm. Bởi công cụ thiếu, trang thiết bị kiểm tra còn thiếu. Ngoài ra vẫn còn tình trạng người kiểm tra bao che cho sai phạm nên hiệu quả chưa cao”

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chống hàng giả yếu và thiếu

Tồn kho về mức bình thường, tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng khả năng chống hàng giả còn yếu và thiếu là những câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trước các chất vấn của đại biểu Quốc hội vào chiều 17/11.

Về câu hỏi về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng nhưng không ngăn chặn được hết, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối tồn tại nhiều năm này dù các cơ quan chức năng đã cố gắng hết sức.

“Tôi phải nói thật có tình trạng cán bộ kiểm tra phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng của sản phẩm. Bởi công cụ thiếu, trang thiết bị kiểm tra còn thiếu. Ngoài ra vẫn còn tình trạng người kiểm tra bao che cho sai phạm nên hiệu quả chưa cao”, Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Về tỷ lệ tồn kho, "Tồn kho hiện nay đã ở mức bình thường”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Dẫn số liệu của Tổng cục thống kê, Bộ trưởng Hoàng cho biết chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở thời điểm 1/1/2012 tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng thời điểm của hai năm sau con số tăng lần lượt là 21,5% và 9,7%.

Theo Bộ trưởng, chỉ số tồn kho thường tăng cao vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, giảm mạnh vào thời điểm cuối năm và đầu năm sau. Do thời điểm sau Tết sức mua của người dân giảm vì đã mua hàng hóa trong những tháng cuối năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Báo cáo cũng dẫn giải, sau khi tồn kho tăng đột biến đến 34,9% tại thời điểm 1/3/2012, do sự quan tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các cấp các ngành và sự linh hoạt trong điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ số tồn kho hàng công nghiệp chế biến chế tạo đến nay đã trở lại mức bình thường.

Một số sản phẩm tồn còn ở mức cao như chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, may trang phục (trừ trang phục từ da, lông thú) dệt, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, sản xuất sắt, thép, gang, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn… được Bộ trưởng giải thích là tồn kho theo kế hoạch.

Vì, đây là thời điểm tập trung hàng hóa để chuẩn bị đơn hàng xuất khẩu cho những tháng cuối năm và phục vụ nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao trong dịp lễ, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm tồn kho cao như sản xuất thép, gang là do thị trường bất động sản hồi phục chậm dẫn đến tiêu dùng chậm.

Liên quan đến vấn đề yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết tỷ lệ nội địa hóa trong các lĩnh vực công nghiệp, đáng chú ý là xe máy sản xuất trong nước đã đánh bật xe máy sản xuất từ các nước lân cận.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi về tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực ô tô, hàng điện máy, điện tử, điện thoại…, và đề nghị Bộ trưởng trả lời.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết ô tô chở khách 80 chỗ, tỷ lệ nội địa hóa 40%, đáng kể nhất là ô tô thương hiệu Trường Hải có tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao, xe tải chuyên dùng tỷ lệ nội địa đạt 70%, ô tô con tỷ lệ nội địa hóa chỉ hơn 10% và được coi chưa thành công, xe máy tỷ lệ nội địa đạt 90%.

“Đáng chú ý Việt Nam đã xuất khẩu 150.000 xe máy với giá trị 280 triệu USD. Giá cả xe máy trong nước sản xuất đã đẩy bật được hàng của các nước lân cận. Đây được coi là thắng lợi của sản xuất xe máy trong nước”, ông Hoàng nói.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hàng điện tử gia dụng như máy lạnh, máy giạt tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%, điện tử, tin học đạt 15%, dệt may đạt 50%, da giày đạt 60%.

Tuy vậy, ông Hoàng cũng thừa nhận là trong thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ có khá nhiều vấn đề. Kỳ họp nào ĐBQH cũng đề xuất cần có chính sách phát triển phù hợp.

Một trong những lý do kém phát triển, theo ông Hoàng, là nhà nước đã quan tâm về chính sách nhưng do cấp độ pháp lý của chính sách này còn thấp nên chưa đạt yêu cầu, chưa tương xứng mà cần có nghị định, thậm chí có bộ luật liên quan đến vấn đề này. Từ đó chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Ngoài ra, một nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển là do nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp.

Trước đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu ý kiến phản ánh doanh nghiệp điện nhà nước như thủy điện Hòa Bình công suất rất lớn nhưng hoạt động cầm chừng trong khi trong nước nhập điện giá cao ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Xin hỏi Bộ trưởng phản ảnh này có đúng thực thế không? Vì sao lại hoạt động cầm chừng? Có nhóm lợi ích không? Giải pháp?

Bộ trưởng Vụ Huy Hoàng cho biết ý kiến này không có cơ sở. Bởi vì trong những năm qua Việt Nam xây dựng nhiều công trình thủy điện lớn. Mục tiêu xây dựng để tận dụng thủy năng, hạn chế cắt lũ vào mùa mưa, cung cấp nước cho người dân, nông nghiệp.

“Nên không có lý gì chúng ta khai thác triệt để các công trình này. Không có chuyện cầm chừng nhà máy thủy điện này. Hay như thủy điện Sơn La năm nào cũng phát vượt dự kiến. Các nhà máy thủy điện khác cũng vậy. Chúng ta vẫn quan tâm đến các dự án thủy điện nhỏ, mua điện của các dự án này và tạo điều kiện thuận lợi tham gia vào hệ thống phát điện quốc gia”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chống hàng giả yếu và thiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO