Bí thư Thành ủy TP.HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

VÂN THẢO - Ảnh: QUÝ HÒA| 16/03/2016 00:29

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh: "Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phải chủ động giải quyết kiến nghị, nếu không sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của DN, đừng việc gì cũng đẩy lên Thủ tướng".

Bí thư Thành ủy TP.HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

Sáng 16/3, đoàn lãnh đạo TP.HCM đã có buổi gặp gỡ với 21 hiệp hội doanh nghiệp (DN) và hơn 200 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới".

Chủ trì Hội nghị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Tham gia Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.HCM

Hội nghị ghi nhận 10 ý kiến phát biểu của DN với 18 vấn đề được nêu ra, nổi bật trong đó là những khó khăn, vướng mắc của khối DN FDI chủ yếu xoay quanh lĩnh vực thuế, hải quan.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lắng nghe kiến nghị của đại diện các DN FDI và đưa ra chỉ đạo tại chỗ

Theo ông Herb Corchan - Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), quan hệ thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng mạnh, Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về hoạt động xuất khẩu qua Hoa Kỳ, chiếm 25% vào năm 2015 và kỳ vọng sẽ chiếm 1/3 vào năm 2020.

Dù vậy, thực tế vẫn còn nhiều chồng chéo trong quy định ưu đãi thuế đối với DN FDI. Cụ thể, đại diện các DN Hoa Kỳ cho biết, thời gian qua có một DN thành viên của Amcham quyết định đầu tư vào khu công nghiệp ở Cần Thơ với cam kết của UBND thành phố này là ban hành chứng nhận đầu tư với quyền miễn thuế DN.

Tuy nhiên, Cục Thuế TP.HCM cho rằng chứng nhận đầu tư đó không có hiệu lực và công ty vẫn phải đóng thuế cho Cục Thuế Thành phố. Vị này cho biết ngoài công ty kể trên vẫn còn có một số trường hợp tương tự trong khối DN nước ngoài.

Ông Herb Corchan - Giám đốc điều hành Amcham nêu thắc mắc về các quy định ưu đãi đầu tư đối với DN FDI

Trả lời kiến nghị, bà Trần Thị Lệ Nga - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, theo pháp luật hiện hành, Ban quản lý Khu công nghiệp ở Cần Thơ không được ghi mức thuế ưu đãi trên giấy chứng nhận đầu tư mà phải thực hiện theo Luật Thuế. Cụ thể, DN được miễn 3 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo, chứ không phải miễn 3 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm kế tiếp như UBND TP. Cần Thơ cam kết.

Trước chất vấn của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, bà Nga nêu nhận định: "Các luật đã quy định cụ thể nhưng do một số địa phương muốn thu hút đầu tư nên đã làm chưa đúng. Nếu các địa phương muốn được ưu đãi thì phải kiến nghị lên Thủ tướng".

Tuy nhiên, đứng ở góc độ DN, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, vì có ghi ưu đãi trong giấy chứng nhận nên DN mới đầu tư, do đó khi có vướng mắc, các cơ quan nhà nước phải cùng nhau xử lý thay vì bắt một mình DN chịu. “Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là phải làm sao cho hợp tình hợp lý, nếu không sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của DN, đừng việc gì cũng đẩy lên Thủ tướng, các bộ ngành phải chủ động giải quyết”, ông Thăng nói.

Bà Trần Thị Lệ Nga - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM trả lời kiến nghị của DN

Tại cuộc họp, đa số các DN FDI đều đồng tình trước phản ảnh một số quy định về tiếp nhận, cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư hiện nay còn rườm rà, nhiều quy định chưa rõ ràng nên thường phát sinh thêm các thủ tục "con" đối với DN khi thực hiện thủ tục tại cơ quan tiếp nhận.

Theo nhận định của ông Han Dong Hee - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM (Kocham), trong khi các DN vừa và nhỏ chưa nắm hết các quy định cũ thì việc thay đổi luật thường xuyên dễ khiến các DN không cập nhật kịp thời dẫn tới bị xử phạt.

Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp trả lời chất vấn của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng

Trả lời thắc mắc này của DN, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp giải thích: do Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu rộng nên việc thay đổi luật là cần thiết và Cục đã thường xuyên tổ chức tham vấn, tập huấn cho DN.

Liên quan đến thủ tục hải quan, ghi nhận việc rút ngắn thời gian thông quan trong thời gian gần đây, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, dù đã tiến hành liên thông một cửa nhưng lại có quá nhiều cửa khác ở các khâu khác để thông quan hàng hóa.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chất vấn: "DN chỉ quan tâm một cửa mà giờ phát sinh nhiều cửa thì giải quyết thế nào?". Ông Nghiệp cho biết hệ thống một cửa quốc gia của hải quan thực tế mới chỉ có 6 bộ ngành tham gia. DN chỉ đến làm việc với hải quan một lần nhưng để nhập khẩu một lô hàng thì cần đến làm việc trước với các bộ khác.

Liên quan đến vấn đề kiểm định chất lượng trong quá trình nhập khẩu, nhiều Hiệp hội DN bức xúc trước quy định cấm nhập khẩu máy móc có tuổi thọ trên 10 năm được quy định trong Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.

Đại diện Amcham nhận định, quy định trên sẽ gây nhiều khó khăn cho DN nước ngoài tại Việt Nam, do đó Hiệp hội này đã nhiều lần kiến nghị hủy bỏ quy định này vì có những máy móc thiết bị sản xuất và chất bán dẫn ô tô có thể sử dụng được 20 năm và nhiều hơn nữa được dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng đang gặp khó khăn.

Hơn nữa, theo Amcham, thông tư trên cũng vi phạm các hàng rào kỹ thuật của WTO.

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP.HCM nêu các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật đang chờ có những hướng dẫn cụ thể của cơ quan ban ngành về quy định mới này trong Thông tư 23.

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, nội dung chính của Thông tư 23 nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng biến Việt Nam thành “bãi rác công nghệ”, trong đó các máy móc cũ muốn nhập về Việt Nam phải đảm bảo đạt 3 tiêu chí, bao gồm: tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, an toàn.

Tuy nhiên, trước nhiều kiến nghị của DN FDI nên những quy định này đang được Bộ xem xét. Cụ thể, nếu máy móc là dây chuyền sản xuất và nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài thì kể cả trên 10 năm vẫn được nhập. Nếu cơ quản quản lý đã cấp phép thì hải quan phải cho thông quan. Trường hợp máy móc đặc chủng quá 10 năm thì Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối cùng các bộ chuyên ngành giám định, có ý kiến để xử lý nhanh.

Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đánh giá cao sự đóng góp của các DN FDI giúp TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa của khu vực. Đồng thời, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh tầm quan trọng về niềm tin và sự minh bạch, liêm chính của cả hai khối DN và các cơ quan ban ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay.

Trả lời kiến nghị của các DN về vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như chính sách tăng lương tối thiểu dành cho người lao động gây khó khăn cho DN, Bí thư Đinh La Thăng chỉ rõ: TP.HCM hiện là nơi cung cấp nhân lực chất lượng cao tốt nhất cả nước và mức chênh lệch tiền lương giữa lao động nước ngoài và lao động trong nước là rất lớn.

"Tiền nào của nấy. DN yêu cầu lao động chất lượng cao nhưng lương trả thấp thì làm sao chất lượng tốt được. Chúng ta cứ kêu thiếu nhưng thiếu là do chúng ta chưa trả đủ lương cho họ", ông nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết, Thành phố đang khẩn trương triển khai mô hình Chính phủ điện tử với một tư duy nhanh và quyết định nhanh để cùng  DN phát triển.

>Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Phải phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện”

>Cộng đồng doanh nghiệp: Muốn phát triển, phải liên kết

>Ra mắt 4 phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí thư Thành ủy TP.HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO