Bề chìm của các chỉ số vĩ mô

28/07/2011 01:27

Có những thực tế lâu nay được xem là hiển nhiên nhưng nếu xem xét kỹ thì vẫn còn nhiều ẩn số. Một số chỉ số vĩ mô của Việt Nam cũng vậy!

Bề chìm của các chỉ số vĩ mô

Có những thực tế lâu nay được xem là hiển nhiên nhưng nếu xem xét kỹ thì vẫn còn nhiều ẩn số. Một số chỉ số vĩ mô của Việt Nam cũng vậy!

Các nhà kinh tế cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian dài là nguyên nhân của lạm phát. Tuy nhiên, khi tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước còn bị giới hạn, trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa, trong đó có đầu tư công hiệu quả thấp, mới thực sự là một trong những nguyên nhân sâu xa của lạm phát.

Lạm phát ở Việt Nam phần lớn do thực phẩm?

Thâm hụt thương mại 12 tháng cộng dồn đang giảm dần

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng nhưng lại ít được nhắc tới khi nói đến lạm phát. Đó là cơ cấu của thị trường lương thực thực phẩm (gồm cơ chế giám sát điều hành, cơ cấu về quy mô chăn nuôi, hệ thống thu mua phân phối, hàng tồn kho, vận chuyển, các tầng lớp trung gian…) đã tác động mạnh đến lạm phát.

Việt Nam là nước xuất siêu lương thực thực phẩm, nhưng lạm phát từ nhóm mặt hàng này cao gấp 3-4 lần các nước khác. Như vậy, không thể nói rằng giá lương thực thế giới lên cao nên ảnh hưởng mạnh lên lạm phát. Giá thế giới chỉ là một phần; phần lớn còn lại là do cơ cấu thị trường trong nước có vấn đề.

Tính đến tuần đầu của tháng 7, giá lợn thăn bán lẻ tại Hà Nội đã tăng khoảng 82% so với đầu năm, trong khi giá thu mua lợn hơi chỉ tăng khoảng 51%. Giá bán lẻ đã tăng liên tục từ đầu năm bất chấp việc giá thu mua có nhiều giai đoạn chững lại hoặc giảm, cho thấy cơ cấu thị trường kém hiệu quả.

Vấn đề cơ cấu thị trường kém hiệu quả của Việt Nam giống như bệnh lao, luôn hiện diện nhưng chỉ khi cơ thể yếu đi nó mới hoành hành. Chính điều này làm cho lạm phát của Việt Nam một khi đã lên thì lên rất mạnh và nhanh, đồng thời làm cho việc kiềm chế lạm phát bằng chính sách tiền tệ trở nên khó khăn hơn.

Cán cân thương mại đang xấu đi?

Thâm hụt thương mại 6 tháng đầu năm ước tính vào khoảng 6,6 tỉ USD, cao hơn so với cùng kỳ 2010 là 6,4 tỉ USD. Tuy nhiên, có thể thấy thâm hụt thương mại đang được cải thiện dù mức độ cải thiện có phần chậm hơn vào cuối quý I/2011. Nếu không tính dầu thô, xăng và vàng thì 6 tháng đầu năm thâm hụt thương mại khoảng 6,17 tỉ USD, thấp hơn so với 7,45 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Thâm hụt thương mại cộng dồn 12 tháng đang giảm dần và kỳ vọng sẽ đi ngang hoặc giảm dần đến cuối năm.

Nhu cầu xây dựng giảm, chi tiêu và đầu tư công bị hạn chế kéo theo nhu cầu nguyên vật liệu giảm là cơ sở để dự đoán rằng thâm hụt cán cân thương mại sẽ vào khoảng 13 tỉ USD vào cuối năm. Rõ ràng tỉ lệ thâm hụt thương mại so với tổng sản phẩm nội địa (GDP) đã được cải thiện nhiều so với năm ngoái. Mặc dù vậy, mức thâm hụt 13 tỉ USD vẫn là khá lớn và đã thâm hụt trong nhiều năm nên đây chưa phải con số đáng để hài lòng.

Nên thắt chặt tiền tệ hơn nữa?

Phần lớn các ngân hàng đều báo cáo thực hiện đúng yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn, nhưng thanh khoản thì thỉnh thoảng vẫn thiếu trầm trọng.

Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước về tỉ lệ bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, nếu các ngân hàng thực hiện đúng các tỉ lệ thanh khoản và hệ số rủi ro theo Thông tư thì trường hợp thiếu thanh khoản trầm trọng hầu như không thể xảy ra. Vấn đề là phần lớn các ngân hàng đều báo cáo thực hiện đúng, nhưng thanh khoản thì thỉnh thoảng vẫn thiếu trầm trọng. Điều này chứng tỏ ý chí và trí tuệ có thể có đủ, nhưng nguồn lực, công nghệ giám sát và quản lý từ cả hai phía - ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước - đang rất yếu.

Chi phí vay đã duy trì ở mức rất cao trong 6 tháng qua, đến 21-24%. Cung tiền M2 (gồm tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) tăng rất thấp trong 6 tháng đầu năm: tăng 2,6% so với bình quân 9% trong 10 năm qua, cho thấy sức cầu tiêu dùng đã chậm đi rất nhiều. Tổng mức tăng trưởng bán lẻ của Việt Nam, sau khi loại đi mức trượt giá, đã về gần bằng 0. Sức cầu đã yếu đi thấy rõ, nhưng lạm phát vẫn cao. Nếu tiếp tục hay thắt chặt tiền tệ mạnh thêm có lẽ cái giá phải trả sẽ cao hơn cái được rất nhiều.

Thêm một điểm quan trọng nữa là chính sách tiền tệ không nên quá chú trọng vào lãi suất thực dương. Tại Mỹ, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm hiện vào khoảng 0,2-0,8%, trong khi lạm phát là 3,4%. Tương tự, lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn tại Trung Quốc khoảng 3%, so với lạm phát là 6,5%. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, việc duy trì lãi suất gần thực dương của phần lớn các ngân hàng là biểu hiện của sự canh tranh gay gắt trong việc huy động vốn, cũng như sự hạn chế trong năng lực quản trị rủi ro thanh khoản của ngân hàng.

Với mức lạm phát cao như hiện nay, thông điệp của chính sách tiền tệ phải nhấn mạnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát để giảm mức lạm phát kỳ vọng, vốn có tác động khá mạnh nhưng hiện vẫn bị đánh giá thấp. Vì vậy, lãi suất điều hành không nên giảm nhanh. Và chính sách tiền tệ thắt chặt ở đây không có nghĩa là tiếp tục đẩy cao lãi suất mà quan trọng hơn là siết chất lượng tín dụng.

Đề xuất nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với VND của một số nhà phân tích cũng là điều đáng bàn, khi tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng dưới 6%, rất thấp so với mức trung bình trong 10 năm qua là 12,7%; riêng tín dụng bằng VND chỉ tăng 2,7%. Với mức lãi suất cho vay vẫn cao, tăng dự trữ bắt buộc VND rõ ràng là điều chưa nên bàn lúc này. Thay vào đó, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mới là vấn đề. Bất chấp việc tăng thêm 3% dự trữ bắt buộc ngoại tệ trong 3 tháng qua, lãi suất cho vay USD chỉ ở mức 6-7%, càng khuyến khích doanh nghiệp vay USD. Vì thế, thay vì tăng dự trữ bắt buộc VND, có lẽ Ngân hàng Nhà nước nên tăng mạnh dự trữ bắt buộc USD để kiểm soát tín dụng ngoại tệ và giảm tình trạng đôla hóa.

Bơm tiền để cứu bất động sản?

Bơm tiền để cứu bất động sản là giải pháp dễ nhất nhưng có thể sẽ để lại những hậu quả rất xấu sau này.

Đề tài được bàn luận nhiều nhất của giới kinh doanh những ngày qua có lẽ là việc Nhà nước có nên cứu thị trường bất động sản hay không. Lý lẽ phe ủng hộ đưa là bất động sản có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế vốn đã phụ thuộc nhiều vào đầu tư những năm qua và nếu thị trường này đổ vỡ sẽ gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp lên các ngân hàng.

Tuy nhiên, tránh đổ vỡ không đơn giản là tăng mạnh cung tiền để cứu các công ty bất động sản hay ngân hàng. Bơm tiền là giải pháp dễ nhất nhưng có thể sẽ để lại những hậu quả rất xấu sau này. Năm 2009 là một ví dụ điển hình. Gói kích cầu khi đó là cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, song quy mô gói kích cầu khá lớn và được duy trì trong thời gian dài đã khiến nợ của các doanh nghiệp phình to, cũng như thổi phồng bong bóng bất động sản. Bơm tiền không giải quyết được bài toán rút ngắn khoảng cách thu nhập của người dân và giá bất động sản, điều kiện cơ bản cho sự tăng trưởng bền vững của ngành bất động sản. Ngoài ra, việc giá bất động sản tăng rất mạnh trong 5 năm vừa qua đã khiến rất nhiều doanh nghiệp mất tập trung vào ngành kinh doanh truyền thồng mà phân tán đầu tư vào lĩnh vực này.

Lịch sử kinh tế thế giới cũng cho thấy nền kinh tế sẽ gánh chịu những hệ quả khác nhau tùy theo chính sách đối với thị trường bất động sản và ngân hàng của Chính phủ.

• Nhật Bản vào đầu năm 1991 đã đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính vì bong bóng bất động sản. Các nhà làm chính sách đã phản ứng chậm chạp, không ép các ngân hàng xử lý nợ xấu và các ngân hàng tiếp tục cho các công ty kém hiệu quả vay. Đây là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Nhật Bản sa sút trong suốt một thập kỷ, GDP giảm 20% và vẫn còn trì trệ đến bây giờ.

• Chile: Những năm 1980, khi hệ thống ngân hàng Chile khủng hoảng, Chính phủ đã nắm quyền kiểm soát các ngân hàng mất thanh khoản, tái cấu trúc các ngân hàng này và sau 2-3 năm thì bán lại cổ phần. Sau đó Chile đã hồi phục khá mạnh mẽ.

• Mexico đã bắt đầu cứu và quốc hữu hóa các ngân hàng trong gần một thập kỷ kể từ năm 1982. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc chưa đủ mạnh, các ngân hàng vẫn ưu tiên vốn cho một số công ty, trong khi rất nhiều doanh nghiệp phải tự đi tìm vốn. Hậu quả là kinh tế Mexico tiếp tục trì trệ từ năm 1982 đến 1995.

• Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan vào thập kỷ 1990 đã chấp nhận mất mát ngắn hạn để hướng tới mục tiêu dài hạn. Thụy Điển đã rất kịp thời nhận ra những ngân hàng có vấn đề, bảo vệ các ngân hàng này khỏi cảnh đổ vỡ (nhưng tuyệt đối không bảo vệ cổ đông của các ngân hàng này) đồng thời khoanh các khoản nợ xấu để xử lý. Thụy Điển sau đó đã hồi phục mạnh mẽ trong hơn 1 thập kỷ.

Những kinh nghiệm trên đây cho thấy, Chính phủ nên nắm lấy cơ hội này để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, để có một hệ thống ngân hàng lành mạnh không thể không cần một thị trường bất động sản khỏe mạnh. Tái cấu trúc ngân hàng mà không làm sạch nợ xấu chẳng khác nào nạo vét kênh Nhiêu Lộc mà vẫn để nước thải tiếp tục chảy vào kênh. Hơn bao giờ hết, Chính phủ cần quyết tâm chính trị cao và những chính sách đúng đắn, quyết đoán để giải quyết hậu quả của quá khứ và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và bền vững.

TS. Lê Anh Tuấn - Võ Nguyễn Khoa Tuấn 
Bộ phận Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bề chìm của các chỉ số vĩ mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO