Bài 3: “Bản chất” của quà lưu niệm

HỒNG BÍCH| 24/04/2010 01:05

Quà lưu niệm hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ làm người nhận nhớ người tặng quà, mà còn là sự ghi lại một kỷ niệm và mang thông điệp đặc trưng văn hóa của nơi sản xuất ra nó.

Bài 3: “Bản chất” của quà lưu niệm

Quà lưu niệm hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ làm người nhận nhớ người tặng quà, mà còn là sự ghi lại một kỷ niệm và mang thông điệp đặc trưng văn hóa của nơi sản xuất ra nó. Vì thế mà sản xuất hàng lưu niệm để bán hàng loạt và kỳ vọng thành công với mặt hàng đó là chuyện khó. Xin lấy hai câu chuyện dưới đây làm ví dụ.

Câu chuyện thứ nhất

Một lần tôi đưa hai người bạn là nhà báo Hồng Kông đến thăm làng nghề đá Non Nước. Hai anh bạn trẻ thích thú ngắm nghía, từ những pho tượng Phật nặng vài tấn, đến những viên đá xanh hình quả trứng dùng để tập thể dục cho mấy ngón tay; rồi tượng voi, sư tử, vũ nữ lấy mẫu từ những bức phù điêu trên tháp Chăm ở thánh địa Mỹ Sơn…

Những cơ bán hàng kiên nhẫn giới thiệu, từ những món làm bằng đá lấy từ đỉnh núi trước mặt, đến những bộ ly tách khá tinh xảo làm bằng đá nhập từ Trung Đông về. Nhưng họ đã không bán được hàng cho hai anh bạn này. Phải chăng chuyến giới thiệu làng nghề đá 300 năm tuổi của tôi thất bại?

Điểm sau cùng tôi dẫn các nhà báo Hồng Kông đến là ngôi nhà ngói ba gian của nghệ nhân Lê Bền.Ông cụ đã gần 90 tuổi, và là nghệ nhân cuối cùng của làng nghề tiếp tục sử dụng đá sa thạch để tạc những pho tượng Phật theo phong cách điêu khắc Chămpa thế kỷ XIVXV.

Sa thạch có màu xi măng cũ nên trông không đẹp bằng đá Ninh Bình, Non Nước, nhưng nó cứng hơn các loại đá khác. Bàn tay điêu luyện của nghệ nhân già và chất liệu đá quen thuộc của người Chămpa xưa đã chinh phục ngay hai anh bạn khó tính. Họ tỏ ra thích thú với món quà lưu niệm là pho tượng Phật được cụ Lê Bền tạo tác bằng đá sa thạch. Họ đã thẩm thấu được chiều sâu văn hóa bản địa từ một món quà lưu niệm bé nhỏ, trong một cửa hàng vô danh dưới chân núi như thế…

Sau này tôi biết thêm, chẳng phải chỉ có hai nhà báo Hồng Kơng tinh mắt. Quỹ Phát triển văn hóa Thụy Điển đã đầu tư để nghệ nhân Lê Bền thực hiện những tác phẩm trên đá sa thạch suốt ba năm gần đây, một dự án nhằm khuyến khích các nghệ nhân trẻ khai thác chất liệu truyền thống này tại miền Trung. Những tác phẩm của ông đắt gấp nhiều lần ở các cửa hàng khác, nhưng vẫn chinh phục được du khách, đặc biệt là người nước ngoài. Sau chuyện này, ngẫm thấy, việc làm quà lưu niệm thật không đơn giản.

Câu chuyện thứ hai

Ở Hội An có một cửa hàng chuyên bán hàng lưu niệm, với một thứ duy nhất: Mặt nạ. Hàng chục mẫu mặt nạ được cách điệu trên chất liệu bột gỗ. Khách nước ngoài sau khi xem tuồng Quảng Nam, Bình Định và du lịch Tây Nguyên, đã rất thích những âm hưởng vương vất trên những mặt nạ ấy.

Thấy tượng Phật bằng đá sa thạch và mặt nạ bằng gỗ của nghệ sĩ Đặng Việt Triều ở Hội An được du khách nước ngoài ưa thích, mới hiểu chẳng dễ gì đi vào sở thích của mỗi con người. Khó vậy, nhưng chắc vẫn phải có mẫu số chung? Ở hai sản phẩm hàng lưu niệm nói trên, những dư âm văn hóa bản địa được du khách tiếp nhận khá nhanh, họ sẵn sàng bỏ ra vài chục đô để có món quà lưu niệm thật sự mang dấu ấn của vùng đất họ mới đến.

Nó cũng giống như con voi xứ Lào, con kangaroo hay bộ vũ khí boomerang của thổ dân Úc, được tạo tác trên mọi chất liệu để quyến rũ du khách. Việt Nam không có những đội bóng nổi danh thế giới, cũng không có những tập đoàn truyền thông cỡ CNN để có thể sản xuất logo của những thương hiệu lừng danh như các nước châu Âu và Mỹ trên áo, mũ, giày, và đồ lưu niệm để bán cho du khách.

Nhưng văn hóa Việt Nam có những nét đặc sắc được du khách thiện cảm. Vấn đề là công nghệ làm hàng lưu niệm vẫn ở trình độ thủ công, ở khía cạnh truyền nghề và sao chép, nên hàng lưu niệm chưa thật sự góp mặt vào phát triển kinh tế du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 3: “Bản chất” của quà lưu niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO