Australia đánh giá cao cải cách kinh tế của Việt Nam

Theo TTXVN| 07/03/2017 00:02

Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Steven Ciobo mới đây đã có bài viết trên trang web Bộ Ngoại giao Australia, trong đó đánh giá cao công cuộc cải cách đem lại tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Australia đánh giá cao cải cách kinh tế của Việt Nam

Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Steven Ciobo mới đây đã có bài viết trên trang web Bộ Ngoại giao Australia, trong đó đánh giá cao công cuộc cải cách đem lại tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Cụ thể, Bộ trưởng Steven Ciobo cho rằng có rất ít quốc gia trên thế giới có minh họa về những lợi ích của tự do hóa thương mại và đầu tư tốt như ở Việt Nam. Ba thập kỷ kể từ khi Việt Nam phát động công cuộc cải cách đổi mới để tạo thuận lợi cho sự thay đổi của đất nước sang nền kinh tế thị trường.

Các kết quả mà Việt Nam đã đạt được rất đáng chú ý. Kể từ năm 1990, nhịp độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Việt Nam đạt 5,5%, nằm trong số những nước tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á.

Việt Nam hiện là quốc gia thu nhập trung bình với dân số khoảng 90 triệu người. Việt Nam đã đầu tư mạnh vào đào tạo kỹ năng, chú trọng đến nhân khẩu học, nhất là độ tuổi trung bình 30.

Với sự giúp đỡ của các nước đối tác như Australia, Việt Nam đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nhằm củng cố vị trí địa lý thuận lợi của mình, đặc biệt khi đất nước này ở gần "đầu máy tăng trưởng" miền nam Trung Quốc và các tuyến đường thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Các nhà bình luận đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi và ở vị trí tốt nhất để thoát khỏi cái "bẫy thu nhập trung bình" và phát triển theo một quỹ đạo tương tự giống như những con hổ đầu tiên ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Đến giữa thế kỷ 21 này, Việt Nam dự kiến sẽ gia nhập nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tự do hóa thương mại và đầu tư đã trở thành trọng tâm của câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam. Thương mại hai chiều tương đương 185% GDP của Việt Nam. Trong khoảng một thời gian ngắn, sản xuất quần áo đã phát triển thành một ngành công nghiệp xuất khẩu trị giá 40 tỷ USD, Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng dệt may lớn thứ hai sang Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc chiếm 1/3 thị phần điện thoại thông minh tại Việt Nam.

>>Australia nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm Việt Nam

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã tăng lên mức cao kỷ lục trong cả hai năm 2015 và 2016. Quan trọng hơn, Việt Nam đã có một sự lựa chọn chiến lược để thúc đẩy hơn nữa tự do hóa thương mại, coi đây là một yếu tố then chốt trong chương trình nghị sự cải cách đầy tham vọng của mình.

Trong bối cảnh có những lựa chọn khó khăn trong năm 2017 và xa hơn nữa, các nước khác trên thế giới có thể tìm thấy cảm hứng trong câu chuyện thành công của Việt Nam.

Bài viết chỉ ra rằng Australia cũng đã đi đúng hướng, được hưởng lợi từ sự gia tăng liên tục của Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của "xứ sở Chuột túi" với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 10 tỷ USD và đầu tư của Australia tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Chính phủ Australia nhìn thấy tiềm năng to lớn cho các doanh nghiệp nước này để giành thị phần trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, dịch vụ tài chính, giáo dục, du lịch và y tế.

Bên cạnh đó, Australia đang theo đuổi một chương trình nghị sự giáo dục và sáng tạo mạnh mẽ với Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Australia là cộng đồng đông thứ 6, sẽ đem lại năng lượng và hiểu biết trong quan hệ kinh doanh giữa hai nước.

Trong thời gian Việt Nam chuẩn bị đón tiếp các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố biển Đà Nẵng vào tháng 11 tới, Canberra đang làm việc chặt chẽ với Hà Nội để thúc đẩy kết nối kinh tế và giảm bớt các rào cản thương mại trong 21 nền kinh tế thành viên vành đai Thái Bình Dương của APEC.

Đối với Australia, Việt Nam là một trong những nước sử dụng lớn nhất ưu đãi thuế quan Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Australia và New Zealand. Hai nước đang tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại sẽ chiếm hơn 30% GDP toàn cầu. Australia và Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định TPP, song Australia, Việt Nam và các quốc gia thành viên khác trong TPP đang tích cực làm việc với nhau để bảo đảm lợi ích của thỏa thuận này không bị mất đi.

Bộ trưởng Steven Ciobo khẳng định đã đến lúc, Australia thúc đẩy mối quan hệ với một trong những nước năng động nhất của khu vực châu Á lên một tầm cao mới.

Bộ trưởng Steven Ciobo nhấn mạnh ông cùng với Thủ tướng Malcolm Turnbull rất mong chờ đến thăm Việt Nam để tham gia Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017 mà Việt Nam đăng cai tổ chức và xây dựng một mối quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước. Ông cho biết sẽ thuyết phục các doanh nghiệp Australia tìm hiểu làm thế nào để họ cũng có thể là một phần của câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam. 

>>Mỹ rút lui, Australia vẫn kiên trì với TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Australia đánh giá cao cải cách kinh tế của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO