Ảnh thời sự chính trị xuất sắc nhất mọi thời đại

01/05/2010 08:36

Trong 50 bức ảnh, các giám khảo New Stateman đã chọn ra 10 bức xuất sắc nhất, đứng đầu là bức Em bé napal do nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972.

Ảnh thời sự chính trị xuất sắc nhất mọi thời đại

Báo New Stateman (Anh) vừa bầu chọn 50 bức ảnh thời sự chính trị xuất sắc nhất qua mọi thời đại. Trong 50 bức ảnh đó, các giám khảo New Stateman đã chọn ra 10 bức xuất sắc nhất, đứng đầu là bức Em bé napal do nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972.

Dưới đây là 10 bức ảnh thời sự chính trị xuất sắc nhất qua mọi thời đại theo bình chọn của New Stateman:

Nick Út chụp bức ảnh bé gái Phan Thị Kim Phúc ngày 8/6/1972. Trong ảnh, Kim Phúc và một số trẻ em Việt Nam vừa khóc vừa chạy sau khi bị dội bom napal. Cô bé bị bỏng nặng và cháy hết quần áo. Với bức ảnh này, Nick Út đoạt giải Pulitzer năm 1972 

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963 để phản đối chính sách trấn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Với bức ảnh này, Malcolm Browne đã giành giải Ảnh báo chí thế giới năm 1963 và giải Pulitzer năm 1964. Tổng thống Mỹ John F Kennedy khi xem bức ảnh này đã thốt lên "Chúa ơi", và khẳng định: "Không một bức ảnh báo chí nào trong lịch sử tạo ra nhiều cảm xúc trên khắp thế giới như bức ảnh này" 

Bức chân dung Che Guevara do nhiếp ảnh gia Alberto Korda chụp năm 1960 đã trở thành một biểu tượng cách mạng đối với giới trẻ toàn cầu. Khi Che qua đời năm 1967, nhà triết học Pháp Jean-Paul Sartre đã mô tả ông là "con người hoàn thiện nhất trong thời đại của chúng ta" 

Ngày 4/2/1945, Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin (ảnh) nhóm họp tại Yalta để bàn về việc tái thiết châu Âu sau Thế chiến II. Đây là lần cuối cùng ông Roosevelt xuất hiện tại một hội nghị quốc tế. Ông qua đời hai tháng sau đó. Cây bút David Blanchflower của báo New Stateman bình luận cuộc gặp đã định hình lịch sử thế giới sau đó, bao gồm cả Chiến tranh lạnh

Một người định cư Do Thái chống lại lính Israel đang phá hủy các khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây ngày 1/2/2006. Bức ảnh của Oded Balilty phản ánh rõ bản chất gây tranh cãi của các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây

Một tù nhân trong nhà tù Abu Ghraib do Mỹ quản lý ở Iraq. Vụ xìcăngđan lính Mỹ tra tấn, ngược đãi tù nhân ở Abu Ghraib, bị tiết lộ năm 2004, đã gây làn sóng phẫn nộ khắp thế giới

Trong bức ảnh chụp năm 1968, hai vận động viên chạy nước rút Mỹ Tommie Smith và John Carlos giơ tay mừng chiến thắng sau khi giành huy chương tại Thế vận hội Mexico để biểu dương sức mạnh của người da đen. Đứng trên bục còn có vận động viên Úc Peter Norman. Smith và Carlos đều không đi giày còn Norman đeo một huy hiệu của Dự án Olympic về dân quyền để bày tỏ sự ủng hộ đối với hai vận động viên Mỹ

Một nhóm thanh niên nhà giàu ở Beirut đi xem khu vực phía nam thành phố bị Không lực Israel ném bom tàn phá năm 2006. Bức ảnh của Spencer Platt đoạt giải Ảnh báo chí thế giới năm 2006

Các nạn nhân người Mỹ gốc Phi đứng chờ nhận hàng cứu trợ tại một trạm cứu trợ ở Ohio. Khoảng 1 triệu người đã mất nhà cửa sau trận lụt ở Ohio năm 1937, thời điểm cuộc Đại suy thoái ở Mỹ đang diễn ra. Trong bức ảnh của Margaret Bourke-White, phía sau dòng người là tấm biển quảng cáo với hình ảnh một gia đình da trắng giàu có và dòng chữ Mức sống cao nhất thế giới

Giữa xe tăng và lưỡi lê, dòng người biểu tình vì dân quyền đi dọc phố Beale ở Tennessee, nơi khai sinh dòng nhạc blue. Bức ảnh phản ánh rõ sự nóng bỏng của cuộc chiến vì dân quyền tháng 3/1968 tại Mỹ. Chưa đầy một tuần sau đó, nhà hoạt động Martin Luther King Jr bị ám sát 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ảnh thời sự chính trị xuất sắc nhất mọi thời đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO