80% thực phẩm tại TP.HCM chưa được kiểm soát

30/11/2011 01:01

80% thực phẩm tại TP.HCM chưa được kiểm soát; Trung Quốc tăng nhập nông sản và thủy sản khô; VNPT muốn đầu tư vào Myanmar; Semcorp muốn xây nhà máy điện tại Dung Quất; Công bố 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011; Chuyển giao bia HUDA cho nước ngoài...

80% thực phẩm tại TP.HCM chưa được kiểm soát

80% thực phẩm tại TP.HCM chưa được kiểm soát

Theo số liệu của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, hiện toàn thành phố mới đáp ứng 20% nhu cầu thực phẩm, còn lại 80% phải nhập khẩu và chuyển về từ các địa phương khác.

Trong khi đó, nguồn gốc thực phẩm nhập đến thời điểm này vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Chỉ riêng ba chợ đầu mối là chợ nông sản Bình Điền, chợ rau củ quả Thủ Đức, chợ Hóc Môn, mỗi ngày lượng rau quả đổ về khoảng 1.000 tấn, trong đó rau quả sạch chỉ chiếm số lượng nhỏ, còn lại hầu hết đều bị phun thuốc tăng trưởng và bảo quản bằng hóa chất.

Không chỉ rau quả, các loại thực phẩm tươi sống cũng nguy hiểm không kém. Bình quân, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật của thành phố khoảng 650 -700 tấn/ngày, tương đương 460 con trâu, bò, 8.000 con lợn, 35.000 gia cầm.

Trong các đợt kiểm tra, cơ quan chức năng liên tục phát hiện thuốc kích thích tăng trưởng, có trong thực phẩm tươi sống. Báo động nhất là các loại thuốc tăng trưởng, hóa chất bảo quản, tạo màu, mùi vị... đang bị lạm dụng trong chế biến thực phẩm. Viện Y tế công cộng TP. HCM đã lấy 30 mẫu thịt heo quay ở chợ và các cơ sở, có đến 4 mẫu ở 4 cơ sở dùng phẩm màu không được phép sử dụng.

K. THANH

Trung Quốc tăng nhập nông sản và thủy sản khô

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, hàng thủy sản của VN xuất sang Trung Quốc đang tăng mạnh.

Các sản phẩm thủy sản khô đặc biệt hút hàng, khối lượng giao dịch lớn. Giá mực khô các loại, cá khô, tôm khô và chế phẩm khô khác như da cá, vây cá, bóng cá đạt giá cao hơn từ 10 - 25% so với cuối tháng 10.

Bên cạnh thủy sản, nông sản cũng được đối tác mạnh tay gom vào. Gạo nếp, gạo tẻ hạt dài đánh bóng, nhân điều, các loại đậu đỗ, vừng là ăn khách nhất.

Riêng nhân điều, khối lượng giao dịch đang bị thiếu do nguồn cung hạn chế, nên giá đã được đẩy lên 6.700 USD/tấn so với khoảng 6.000 USD cách đây một tháng.

H. KHUYÊN

VNPT muốn đầu tư vào Myanmar

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa trao đổi khả năng hợp tác với Công ty Bưu chính, Viễn thông và Điện báo Myanmar (Yatanarpon Teleport).

Theo đó hai bên sẽ cùng hợp tác trên một số lĩnh vực như khai thác các dịch vụ viễn thông, xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị viễn thông, cung cấp sản phẩm công nghiệp viễn thông cho Myanmar.

Theo Yatanarpon Teleport, Chính phủ Myanmar đang xem xét thông qua kế hoạch phát triển mới 30 triệu thuê bao di động trong vòng 5 năm tới, đây thực sự là cơ hội tốt cho các DN viễn thông nước ngoài trong đó có VNPT.

Trước đó, vào năm 2010, VNPT đã thỏa thuận với Yatanarpon Teleport để xây dựng nhà máy sản xuất sợi cáp quang phục vụ cho nhu cầu nội địa của Myanmar và hướng đến xuất khẩu.

M.THẠCH

Semcorp muốn xây nhà máy điện tại Dung Quất

Tập đoàn Semcorp (Singapore) vừa đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ngãi kế hoạch xây dựng một nhà máy nhiệt điện tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Nhà máy dự kiến có công suất 1.200 MW, sử dụng nguyên liệu than.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2011, Semcorp và liên doanh tại VN - Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP), đã ký bản ghi nhớ với Quảng Ngãi về việc nghiên cứu khả thi khu phức hợp đô thị, công nghiệp và dịch vụ 1.020ha tại tỉnh.

Nếu dự án hình thành, đây sẽ là dự án khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ thứ 5 của VSIP tại VN.

H. VÂN

Công bố 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011

Ngày 29/11, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (VietNam Report) kết hợp với Báo điện tử VietNamNet công bố bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 DN lớn nhất VN 2011.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được chính thức công bố để ghi nhận và tôn vinh những thành quả mà cộng đồng DN VN đạt được.

Năm 2011, Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên cở sở dữ liệu của VietNam Report (VNR Biz Database) và kết quả nghiên cứu số liệu điều tra mới nhất về các DN trên toàn quốc.

Số liệu điều tra được cập nhật đến hết ngày 31/12/2010. Thứ hạng DN sẽ được sắp xếp dựa trên tiêu chí doanh thu. Các DN dẫn đầu vẫn là các tên tuổi: Tập đoàn Dầu khí VN (Petro VN), Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex), Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT)...

Bên cạnh Bảng xếp hạng Top 500 DN lớn nhất VN (không phân biệt nhà nước, nước ngoài, tư nhân), VietNam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 DN tư nhân lớn nhất VN. Tiêu chí lựa chọn các DN tư nhân được VietNam Report sử dụng là các DN có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%.

Để được xếp hạng trong Bảng xếp hạng DN mọi thành phần, doanh thu tối thiểu của DN phải trên 1.500 tỷ đồng và vào Bảng xếp hạng DN tư nhân, doanh thu tối thiểu của DN phải đạt trên 600 tỷ đồng. Nhóm công ty dẫn đầu gồm: Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn Thương tín, Công ty CP FPT, Vàng Bạc Đá quý Doji, Ngân hàng ACB, Vinamilk...

M. CHU

Chuyển giao bia HUDA cho nước ngoài

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức ký điều chỉnh giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Bia Huế (HUDA), từ công ty liên doanh giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với đối tác Đan Mạch (tỷ lệ 50 - 50) được chuyển giao cho chủ sở hữu mới là đối tác Đan Mạch.

Như vậy, kể từ thời điểm này Công ty Bia Huế không còn là DN liên doanh mà là DN FDI 100% vốn nước ngoài. Theo đó, phần vốn của phía VN được định giá là 1.875 tỷ đồng (90 triệu USD), trong đó riêng “thương hiệu HUDA” được định giá 1.000 tỷ đồng.

Theo lộ trình sắp xếp đổi mới DN nhà nước của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì việc chào bán vốn liên doanh ở Công ty Bia Huế là điều bắt buộc, tỉnh không thể tiếp tục trực tiếp quản lý phần vốn của tỉnh đã đầu tư vào Bia Huế như lâu nay, mà chỉ được lựa chọn 1 trong 3 phương án là: Chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa và chuyển vốn về cho Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Và tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn phương án chuyển nhượng vốn.Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì việc định giá chuyển nhượng như vậy là quá thấp, không đạt yêu cầu.

Vì thực tế hiện nay, nếu một DN mới đầu tư để có thị trường, thương hiệu như Công ty bia Huế hiện nay thì với số vốn 200 triệu USD cũng không thể làm nổi.

M. HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
80% thực phẩm tại TP.HCM chưa được kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO