6 "điểm sáng" giao thông năm 2012

17/12/2012 05:56

Cầu vượt trên cao vành đai 3, hàng loạt cầu kết cấu bằng thép được xây dựng, thông xe đường 32, thông xe cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... là những công trình giao thông ý nghĩa với người dân trong năm qua.

6

Cầu vượt trên cao vành đai 3, hàng loạt cầu kết cấu bằng thép được xây dựng, thông xe đường 32, thông xe cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... là những công trình giao thông ý nghĩa với người dân trong năm qua.

Đường trên cao đầu tiên của Việt Nam

Lần đầu tiên, Việt Nam có tuyến đường trên cao dài 15 km dành riêng cho ôtô chạy suốt với tốc độ đến 100 km/giờ. Cao tốc này được kỳ vọng sẽ rút ngắn 50% thời gian di chuyển từ phía tây sang phía nam thủ đô, làm giảm ùn tắc. Toàn tuyến bao gồm 385 m đường dẫn và 8,5 km cầu cạn chạy suốt với với 4 làn xe, chiều rộng mặt cầu 24 m. Dự án có vốn đầu tư 5.547 tỷ đồng, từ nguồn vay ODA của Nhật Bản. 

Hàng loạt cầu vượt hoàn thành đúng thời hạn tại Hà Nội

Sáng 26/4, hai chiếc cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà và Chùa Bộc - Tây Sơn chính thức được đưa vào vận hành sau gần 4 tháng thi công. Cầu vượt Chùa Bộc - Tây Sơn được xây dựng dọc phố Tây Sơn, dài hơn 249 m, gồm 8 nhịp dầm thép liên tục, với tổng mức đầu tư 65,5 tỷ đồng.

Cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà chạy dọc tuyến đường Láng Hạ, gồm 8 nhịp dầm thép liên tục, dài 189m, cao 4,75m, rộng 9m phục vụ nhu cầu lưu thông cho 2 làn ô tô và 2 làn xe máy. Mặt cầu có độ dốc 5-6%, cho phép xe dưới 3 tấn lưu hành với vận tốc 40km/h. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ đồng do Công ty Cổ phần cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long (TCty Xây dựng Thăng Long) được chỉ định thi công.

Theo định hướng đến năm 2015, Hà Nội còn xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Bắc Thăng Long - Nam Đồng, Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ và cải tạo, mở rộng các nút Kim Mã - Liễu Giai, đường 69 - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng... 

Đầu tháng 12, cầu vượt bằng thép lớn nhất thủ đô chính thức khánh thành, cầu vượt rộng 16m với 4 làn xe chạy hai chiều được làm bằng trụ bê tông cốt thép ở nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.

Cầu vượt được đầu tư 348 tỷ đồng được khởi công vào tháng 5/2012. Sau 7 tháng thi công cây cầu dầm thép này đã hoàn thành. Do có kết cấu trụ bê tông cốt thép nằm trên móng cọc khoan nhồi, dầm thép hộp nên cầu chịu được tải trọng xe 80 tấn.

Thông xe "con đường đau khổ" mở rộng thủ đô

Một trong những con đường được lãnh đạo thành phố Hà Nội quyết tâm hoàn thành nhất trong năm 2012 là "con đường đau khổ" quốc lộ 32 đoạn Cầu Diễn - Nhổn. Sau nhiều lần trễ hẹn con đường này cũng chính thức thông xe.

Dự án cải tạo, mở rộng đường 32 (đoạn Diễn - Nhổn) là công trình giao thông trọng điểm của thành phố nhằm hạn chế ùn tắc giao thông ở khu vực phía Tây. Tuy chỉ dài hơn 4km nhưng đoạn đường này có vai trò giao thông quan trọng đặc biệt. Dự án chia thành 5 gói thầu, trong đó có 4 gói thầu về xây dựng đường và 1 gói thầu mở rộng cầu Diễn.

Theo thiết kế, đoạn Cầu Diễn - Nhổn xây dựng đạt tiêu chuẩn đường đô thị cấp 1, rộng 50m gồm 8 làn xe chạy với tốc độ 60km/h, dải phân cách giữa rộng 3m dành cho tuyến đường sắt thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội, vỉa hè mỗi bên rộng 7,5m. 

Triển khai bãi đỗ xe ô tô cao tầng

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 3,7 triệu xe máy, gần 400.000 ô tô… Sự gia tăng chóng mặt của các loại phương tiện cùng với cơ sở hạ tầng hạn chế khiến Thủ đô liên tục rơi vào cảnh ùn tắc.

Xác định một trong những nguyên nhân gây ùn tắc là do thiếu bãi đỗ dẫn đến lòng đường bị chiếm dụng cho nên đường đã hẹp lại càng chật, trong năm 2012, Hà Nội đã xây một số bãi đỗ xe cao tầng tại các khu vực như: Phùng Hưng, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư...

Trong chiến lược dài hạn đến năm 2015, theo quy hoạch giao thông tĩnh của Sở Giao thông vận tải, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 50 bãi đỗ xe mới ngầm và nổi tại nhiều khu vực trong nội đô. Để tránh tình trạng xây nhà cao tầng thiếu điểm đỗ xe, lãnh đạo Hà Nội còn kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà, khu đô thị phải bố trí bãi đỗ xe đáp ứng đủ nhu cầu của dự án và dành 20-30% diện tích cho đỗ xe công cộng. 

Hoàn thành cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Tháng 6/2012, tuyến cao tốc dài 50 km, nối Hà Nội đến Ninh Bình được thông xe. Vận tốc lưu hành tối đa là 100 km/h, quy mô nền đường 6 làn xe, mặt đường 4 làn, chiều rộng 35,5 m. Toàn bộ công trình có mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng.

Công trình đạt tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100-200 km/h với quy mô nền đường 6 làn xe, mặt đường 4 làn xe, chiều rộng nền đường 35,5 m.

Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc bộ. 

Hoàn thành đường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM)

Chiều ngày 18/8, TP.HCM đã tổ chức khánh thành công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giao đoạn 1) và xây dựng cải tạo đường Trường Sa – Hoàng Sa với sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo các ban ngành TP.

Trong những năm 1980, cùng với sự mở rộng của TP.HCM, dân cư bắt đầu tụ tập về khu vực ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xây dựng nơi cư trú, dòng kênh bắt đầu bị xâm lấn và ô nhiễm bởi rác, nước thải sinh hoạt. Đến những năm 1990 thì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã biến thành dòng kênh đen kịt với biệt hiệu là “dòng kênh bẩn nhất TP”…

Lãnh đạo TP khi ấy đã nhận thấy nhu cầu phải cải tạo dòng kênh này, loại bỏ khu ổ chuột khổng lồ ngay sát cạnh trung tâm TP. Từ năm 1993, TP bắt đầu giải tỏa hàng ngàn hộ dân sống ven kênh và xây dựng hai con đường nhỏ ven kênh mang tên Trường Sa – Hoàng Sa.

Tuy nhiên, dù những căn nhà tạm bợ ven kênh đã được giải tỏa nhưng nước thải sinh hoạt của hơn 1 triệu dân sống trong lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn đổ về dòng kênh này. Và vì lâu ngày không được cải tạo nên bùn thải ứ đọng, dòng kênh vẫn đen ngòm và hôi thối.

Đến năm 2003, TP khởi động dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng vốn đầu tư 317 triệu USD với các hạng mục như: lắp đặt tuyến cống bao chay dọc ven kênh để đưa nước thải về nhà máy xử lý, lắp đặt 70km cống thoát nước để giải tỏa áp lực nước mưa và nước thải sinh hoạt trong lưu vực đổ về kênh, nạo vét hàng triệu m3 bùn thối dưới lòng kênh, cải tạo cảnh quan hai con đường ven kênh…

Và đến ngày 18/8, dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chính thức hoàn thành, dòng kênh bẩn nhất TP đã được cải tạo thành dòng kênh xanh mát, hai con đường Hoàng Sa – Trường Sa ven kênh đã trở thành hai con đường đẹp nhất nhì TP. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
6 "điểm sáng" giao thông năm 2012
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO