6 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2017

K.THỦY| 31/05/2017 01:30

Quy định mới về nhãn hàng hóa, rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng, không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET,... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 6/2017.

6 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2017

Quy định mới về nhãn hàng hóa, rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng,không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET,... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 6/2017. 

1. Giảm mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ 1/6

Nghị định 44/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành quy định tỷ lệ đóng 0,5% của người sử dụng lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, từ 1/6/2017, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 3, Điều 44, Luật An toàn, vệ sinh lao động với mức như sau: 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và h Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH. 

2. Quy định mới về nhãn hàng hóa

Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6, nhãn hàng hóa phải được nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

3. Rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Đó là điểm mới được quy định tại Thông tư 31/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý thuế giá trị gia tăng do Bộ Tài chính ban hành ngày 18/4/2017. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 2/6/2017.

Theo đó, rút ngắn thời gian hoàn thuế cho người nộp thuế trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN/ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu NSNN do cơ quan thuế chuyển đến. (Quy định hiện nay là trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc)

Ngoài ra, Thông tư còn quy định một số nội dung:

- Cục Thuế cập nhật, hạch toán đầy đủ các Quyết định hoàn thuế/hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu NSNN vào Hệ thống ứng dụng quản lý thuế ngay trong ngày làm việc được ký ban hành quyết định hoàn thuế;

- Sau khi hạch toán Quyết định hoàn thuế và Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu NSNN, Cục Thuế luân chuyển sang KBNN ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo.

4. Bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy

Từ ngày 5/6, Chính phủ chính thức bỏ thu phí đường bộ đối với xe máy, mô tô. Theo đó, phí sử dụng đường bộ sẽ chỉ còn được thu hàng năm trên các đầu phương tiện: ô tô, máy kéo; rơ-moóc, sơmi-rơmoóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với ô tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.

5. Chế độ tiền công đối với người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng

Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH quy định người lao động đăng ký tham gia dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công (làm việc theo hình thức cộng đồng) được thỏa thuận tiền công nhưng phải đảm bảo:

- Không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm đủ 8h/ngày và 26 ngày/tháng.

- Trường hợp người lao động làm không đủ 8h/ngày hoặc 26 ngày/tháng thì tiền công tính theo giờ và không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8h.

- Trường hợp người lao động làm thêm giờ thì được thanh toán tiền công theo giờ nhưng không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8h.

Ngoài ra, Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/6/2017) cũng quy định người lao động được thỏa thuận thời gian làm việc như sau:

- Không quá 8h/ngày.

- Trường hợp làm thêm thì tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm không quá 12h/ngày.

- Người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày/tuần hoặc trung bình 4 ngày/tháng đối với trường hợp chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần.

6. Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe (GPLX) sang thẻ PET

Từ ngày 1/6, Bộ Giao thông vận tải khuyến khích thực hiện đổi GPLX bằng giấy bìa sang GPLX bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2020 thay vì bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi theo lộ trình như quy định trước đây.

Người có GPLX có thời hạn phải thực hiện đổi GPLX trước khi hết thời hạn sử dụng, trong khi quy định cũ cho phép người có GPLX quá thời hạn sử dụng dưới ba tháng, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch vẫn được xét cấp lại giấy phép.

Người có GPLX hạng E đủ 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, có nhu cầu tiếp tục lái xe, nếu có đủ sức khỏe theo quy định, được xét đổi GPLX từ hạng D trở xuống.

>>Tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
6 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO