5,6 tỷ USD xây sân bay quốc tế Long Thành

08/07/2013 06:03

Đây là số vốn cần thiết cho giai đoạn một của dự án và nhiều khả năng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác từ năm 2023.

5,6 tỷ USD xây sân bay quốc tế Long Thành

Đây là số vốn cần thiết cho giai đoạn một của dự án và nhiều khả năng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác từ năm 2023.

Tại Hội thảo đóng góp ý kiến Báo cáo đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành tổ chức sáng nay (8/7), ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, tổng chi phí cho giai đoạn một của dự án ước tính hơn 5,6 tỷ USD. Trong đó, vốn Nhà nước và ODA chiếm khoảng 53%, còn lại là tư nhân.

Ngoài ra, để có đất giao cho chủ đầu tư, tỉnh Đồng Nai sẽ phải thu hồi đất của 10.000 dân, khiến chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng tốn thêm 20.770 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). Trước mắt, năm 2013 lãnh đạo tỉnh kiến nghị Chính phủ bố trí 470 tỷ đồng để lập hồ sơ thủ tục, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

"Hiện giờ chúng tôi hy vọng dự án sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 10 năm nay", ông Hùng phát biểu. Ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ có thể đề nghị cấp vốn vay từ chính phủ Nhật Bản. Khi đó, quá trình chuẩn bị mặt bằng, thiết kế các công trình trong khu bay và các công trình dẫn đường hàng không có thể sẽ bắt đầu vào năm 2014.

Tuy nhiên, vị này nhận định, ngay cả khi dự án được xúc tiến nhanh thì cũng phải tới năm 2023 hoặc 2024, cảng Hàng Không quốc tế Long Thành mới có thể đi vào khai thác. Ông cho rằng triển khai xây dựng sân bay Long Thành vào lúc này "đã là chậm". "Đáng ra giờ này chúng ta phải khởi công để đến năm 2020 có một sân bay mới để chia sẻ với sân bay Tân Sơn Nhất", ông phát biểu.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, sau năm 2020, Cảng Tân Sơn Nhất sẽ lâm vào tình trạng quá tải vì công suất không đủ đáp ứng.

Đồng tình với quan điểm trên, Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không cho rằng việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là hơi muộn, cần cấp thiết ưu tiên đầu tư xây dựng nhanh chóng.

Việc đầu tư xây sân bay Long Thành được cho là khả thi, tỷ suất hoàn vốn dự án khoảng 22,1%, cao hơn mức tiêu chuẩn cho các công trình công cộng tại Việt Nam từ 10% đến 12%. Song, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật cũng góp ý nên cân nhắc đến gánh nặng nợ nước ngoài.

"Có ý kiến cho rằng sử dụng vốn ODA của Nhật Bản đắt nhất so với các nguồn ODA khác. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Việt Nam đã cao và cần tính toán kỹ hơn chuyện vay nợ", cơ quan này cho hay.

Bên cạnh đó, do tư nhân cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi phí xây sân bay, đặc biệt với hạng mục nhà ga hành khách, bãi đậu ôtô nên để kêu gọi đầu tư, Tổng công ty Cảng hàng không kiến nghị Chính phủ cần xem xét các chính sách đặc biệt như bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, bảo đảm độc quyền, ưu đãi thuế...

Dự án cảng Hàng Không quốc tế Long Thành được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2005, nằm trên diện tích khoảng 25.000 hecta thuộc địa bàn 6 xã tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, quá trình xây dựng sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014 - 2020), Long Thành sẽ có công suất 25 triệu khách mỗi năm với 2 đường cất hạ cánh. Giai đoạn 2 (2020 - 2030) sẽ có công suất 50 triệu hành khách và giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ lên 100 triệu hành khách mỗi năm với 4 đường bay.

Theo chủ đầu tư, so sánh dự án cảng Hàng Không quốc tế Long Thành với phương án mở rộng Tân Sơn Nhất (dự báo sẽ quá tải sau năm 2020) hoặc căn cứ không quân Biên Hoà, chi phí cho Long Thành chỉ khoảng 7,8 tỷ USD (bao gồm cả chi phí thu hồi đất). Trong khi đó, việc mở rộng Tân Sơn Nhất cần hơn 9,1 tỷ USD và Biên Hòa cần 7,5 tỷ USD, nhưng nơi này lại bị nhiễm độc dioxin.

Quy hoạch cảng hàng không, sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt cho thấy, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 26 cảng hàng không được đưa vào khai thác, so với con số 21 cảng hiện nay. Trong đó, có 10 cảng quốc tế và 16 cảng nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5,6 tỷ USD xây sân bay quốc tế Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO