3 điểm mới cơ bản của Luật Phá sản 2014

23/12/2014 06:46

Ngày 19/6/2014 Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản năm 2014. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, thay thế cho Luật Phá sản 2004.

3 điểm mới cơ bản của Luật Phá sản 2014

Ngày 19/6/2014 Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản năm 2014. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, thay thế cho Luật Phá sản 2004. Theo đó, Luật Phá sản 2014 gồm 14 chương, 133 điều, có nhiều nội dung mới so với Luật Phá sản 2004 trong đó có 3 điểm mới cơ bản.

Xác định DN, HTX mất khả năng thanh toán

Tiêu chí xác định doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) mất khả năng thanh toán (Khoản 1, Điều 4 Luật Phá sản 2014) là “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” chứ không phải “không có khả năng thanh toán”.

Thời điểm được xác định trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán mà không phải là “khi chủ nợ có yêu cầu” như quy định tại Luật Phá sản 2004.

Bộ luật mới không yêu cầu việc xác định hay phải có căn cứ chứng minh DN, HTX không có khả năng thanh toán bằng bản cân đối tài chính.

Căn cứ để Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản là có khoản nợ và đến thời điểm Tòa án ra quyết định việc mở thủ tục phá sản DN, HTX vẫn không thanh toán.

Tiêu chí mất khả năng thanh toán không phụ thuộc vào số lượng khoản nợ nhiều hay ít mà chỉ cần 1 khoản nợ. Luật Phá sản 2014 không quy định giới hạn các khoản nợ.

Điều này có thể hiểu bất kỳ khoản nợ nào, dù nợ lương, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, khoản nợ phát sinh từ hợp đồng... chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản DN, HTX.

Điều 5 Luật Phá sản 2014 xác định rõ người có quyền, người có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Theo đó, những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gồm: Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần; người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng trong trường hợp Điều lệ công ty quy định; thành viên HTX hoặc người đại diện theo pháp luật của HTX, thành viên của liên hiệp HTX.

Những người có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gồm: Người đại diện theo pháp luật của DN, HTX; chủ DN tư nhân, chủ tịch HĐQT của CTCP, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH MTV, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Quản tài viên và DN quản lý, thanh lý tài sản

Luật Phá sản 2014 quy định cá nhân, DN được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản, gồm: Quản tài viên và DN quản lý, thanh lý tài sản.

Quản tài viên là luật sư, kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 5 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên.

DN quản lý, thanh lý tài sản gồm: Công ty hợp danh có tối thiểu 2 thành viên hợp danh là quản tài viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc của công ty hợp danh là quản tài viên; DN tư nhân có chủ DN là quản tài viên, đồng thời là giám đốc.

Việc xây dựng chế định chủ thể quản lý, thanh lý tài sản là cá nhân, pháp nhân là một bước thay đổi cơ bản trong Luật Phá sản 2014. Có thể nói, Luật Phá sản 2014 tạo ra một nghề nghiệp mới: nghề quản lý thanh lý tài sản phá sản của quản tài viên và DN quản lý, thanh lý tài sản.

Theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật Phá sản 2004, Tòa án ra quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản khi DN, HTX không còn tài sản để thực hiện phương án phân chia tài sản; hoặc phương án phân chia tài sản đã được thực hiện xong.

Luật Phá sản 2014 quy định theo hướng khi Hội nghị chủ nợ không thành hoặc theo nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, Tòa án tuyên bố DN, HTX phá sản. Cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thủ tục thi hành quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản.

Tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn

Trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 5 Luật Phá sản 2014 mà DN, HTX mất khả năng thanh toán, không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì nộp đơn ghi rõ yêu cầu Tòa án giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn.

Đơn yêu cầu mở thụ tục phá sản và các tài liệu kèm theo phải đúng quy định tại Điều 28 Luật Phá sản 2014 và có đầy đủ căn cứ chứng minh DN, HTX không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

Đối với trường hợp này, thủ tục phá sản được giải quyết nhanh chóng. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Tòa án thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản về việc Tòa án giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn, Tòa án xem xét, tuyên bố DN, HTX phá sản hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục thông thường và thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết.

Xem xét đơn đề nghị, kiến nghị theo thủ tục đặc biệt, đây cũng là thủ tục mới mà Luật Phá sản 2004 không có.

Về thủ tục nộp đơn: Người tham gia thủ tục phá sản, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Về thẩm quyền xem xét đơn: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Về căn cứ xem xét: Tòa án xem xét đơn đề nghị, kiến nghị theo thủ tục đặc biệt khi có một trong hai căn cứ sau: 1. Có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về phá sản; 2. Phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định tuyên bố phá sản mà Tòa án nhân dân, người tham gia thủ tục phá sản không thể biết được khi Tòa án nhân dân ra quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 điểm mới cơ bản của Luật Phá sản 2014
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO