10 sự kiện doanh nhân, doanh nghiệp, gây chú ý năm Tân Sửu

DNSG| 01/02/2022 07:11

Trải qua một năm đầy biến động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã kiên cường, bản lĩnh vượt qua khó khăn, đóng góp cho cộng đồng và gặt hái được nhiều thành tựu nhưng cũng có doanh nhân, doanh nghiệp chưa vững tay chèo, đã tạo dư luận và nhiều hệ lụy. Doanh Nhân Sài Gòn đã điểm lại 10 sự kiện đáng chú ý của doanh nhân, doanh nghiệp trong năm Tân Sửu.

1/ Vingroup và những dự án nổi bật

1-vingroup-9254-1643253931.jpg

Ngày 12/12/2021, Tập đoàn Vingroup khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Trong giai đoạn 1, Vingroup xây dựng nhà máy có quy mô 8ha với tổng mức đầu tư là 4.000 tỷ đồng. Theo đó, dự án này sẽ cung cấp pin lithium dành cho các dòng xe ô tô điện và bus điện của VinFast. Đây là hoạt động quan trọng trong chiến lược sản xuất pin của tập đoàn, đảm bảo nguồn cung đa dạng, đạt chuẩn quốc tế cho từng dòng ô tô điện của hãng xe Việt. Với mức độ tự động trên 80%, VinES sẽ là nhà máy sản xuất pin đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 4/11/2021, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup và tập đoàn điện lực hàng đầu của Pháp Électricité de France (EDF) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Trọng tâm của thỏa thuận nhằm thúc đẩy lắp đặt và vận hành mạng lưới trạm sạc công cộng, đồng thời thiết kế các ưu đãi đặc biệt dành riêng cho chủ sở hữu xe điện VinFast tại Pháp. Đây là cột mốc quan trọng của VinFast, đánh dấu bước đi chiến lược trong kế hoạch trở thành thương hiệu toàn cầu của VinFast nói riêng và Vingroup nói chung.

Cũng trong tháng 11/2021, với việc ra mắt bộ đôi e35 và e36 tại Triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 và nhận được sự đánh giá cao của giới truyền thông, VinFast chính thức gia nhập thị trường Mỹ. Mới đây, ngày 6/1/2022 VinFast đã mở cổng nhận đặt hàng đối với hai mẫu xe đồng thời tại Mỹ và Việt Nam. Năm 2022, VinFast đặt ra mục tiêu bán 42.000 chiếc xe điện trên toàn cầu, tăng so với kế hoạch trước đó là 15. 000 chiếc, hiện công ty nhắm đến thị trường Mỹ và châu Âu.

2/ Doanh nhân, doanh nghiệp ủng hộ và trực tiếp tham gia phòng, chống dịch: Máy ATM Oxy và siêu thị 0 đồng là hai sự kiện gây tiếng vang và truyền cảm hứng nhất đến cả xã hội

05-1-1502-1643253931.jpg

Trong năm Covid-19 thứ hai, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư, các doanh nhân, doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần dấn thân, trách nhiệm xã hội cao. Lần đầu tiên, các doanh nhân tham gia "mặt trận" chống dịch bằng tinh thần quên mình, kiên cường và tấm lòng sẻ chia, thấu cảm. Đến nay, Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất. Đây là kết quả của sự nỗ lực của Chính phủ, ngành y tế, trong đó không thể thiếu sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Tiêu biểu trong chiến dịch chống Covid-19 là quỹ vaccine với mức huy động gần 8.800 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của giới doanh nhân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch thông qua nhiều hoạt động như đóng góp máy thở, oxy, tài trợ lập bệnh viện dã chiến, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, chung tay cùng đội ngũ y tế tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ cộng đồng... Đặc biệt, ATM oxy và siêu thị 0 đồng là hai sáng kiến nổi bật và mang lại giá trị tích cực, hiệu quả.

3/ Lần đầu tiên doanh nghiệp sản xuất "ba tại chỗ”

SX-3T-2310-1643253931.jpg

Do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, lần đầu tiên các doanh nghiệp sản xuất kiểu thời chiến, nhà xưởng là pháo đài, một cách sản xuất chưa có tiền lệ "ba tại chỗ”, tức sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ. Kết quả là sau hơn 3-4 tháng thực hiện hình thức này, tình hình dịch Covid-19 có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì và đời sống cũng như sức khỏe của người lao động được đảm bảo.

4/ Lần đầu tiên vinh danh doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021

b622d8a51c87d1d98896-5658-1643253931.jpg

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư thì hình ảnh của doanh nhân một lần nữa vụt sáng và đáng tự hào. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng doanh nhân TP.HCM đã chèo lái con thuyền doanh nghiệp một cách sáng tạo, kiên cường, bảo vệ lợi ích của người lao động, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy và giữ uy tín của Việt Nam đối với khách hàng quốc tế. 

Không chỉ vậy, nhiều doanh nhân đã "lăn xả” vào tâm dịch, bất chấp những nguy hiểm về sức khỏe để làm tròn trách nhiệm với cộng đồng, chung tay với chính quyền thành phố và Nhà nước bằng rất nhiều hình thức sáng tạo, nhiều mức độ đóng góp khác nhau. Chính vì lẽ đó, nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, lần đầu tiên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn vinh danh 10 doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021.

5/ Vụ kiện nghìn tỷ giữa hai nữ doanh nhân

giau-binh-tien-1622550383-6421-164325393

Ngày 1/6/2021, Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM đã thụ lý đơn kiện vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, với bị đơn là bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam. 

Sự việc liên quan đến buổi livestream trên mạng xã hội ngày 14/5/2021 của bà Phương Hằng có nhắc đến tên bà Lê Thị Giàu và chùa Phước Sơn với nội dung "tố” bà Giàu là doanh nhân lừa đảo, hạ uy tín một số thương hiệu bà Giàu đang kinh doanh... Vì vậy, bà Giàu yêu cầu bà Hằng công khai xin lỗi, cải chính thông tin và bồi thường 1.000 tỷ đồng (tổn thất vật chất và tinh thần).

6/ Tân Hoàng Minh bỏ cọc, rút khỏi dự án Thủ Thiêm

he-luy-tu-viec-tan-hoang-minh-3917-7412-

Ngày 11/1/2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, UBND TP.HCM... xin rút khỏi dự án Thủ Thiêm đã đấu giá thành công vào giữa tháng 12/2021. Trước đó, ngày 10/12/2021 Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tham gia và trúng đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) có diện tích hơn 10.000m2 với giá 24.500 tỷ đồng.

Sau khi trúng đấu giá với mức cao, tập đoàn xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản. Dư luận cho rằng, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả thị trường bất động sản trong nước trong thời gian tới.

7/ Nâng khống giá kit test Covid-19 

2-Viet-A-nang-khong-kit-test-C-5701-4323

Ngày 18/12/2021, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương đã liên quan đến việc nâng khống các báo giá với mức cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Một số sự việc cũng gây xôn xao có thể kể đến như trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian giữ chức Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng mua sắm của bệnh viện, ông Tuấn đã "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", hay trường hợp của ông Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức và ông Nguyễn Văn Lợi - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm đã cấu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật Đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức.

8/ Lần đầu tiên ra mắt Tủ sách doanh nhân Việt Nam

Tu-sach-cai-tai-DNSG-2-2509-1643253932.j

Với tôn chỉ "Mỗi cuốn sách của doanh nhân là một giá trị kinh doanh để lại", trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm 2021 diễn ra từ ngày 1-7/12/2021, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã chủ trì cùng với Hội đồng Phát triển Sách Doanh nhân ra mắt Tủ sách doanh nhân Việt Nam nhằm tôn vinh, lưu giữ, khai thác và sử dụng sách do doanh nhân Việt Nam viết hoặc sách viết về doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới. Ban tổ chức đã tặng tủ sách cho 12 trường đại học. 

Bên cạnh truyền thông doanh nhân Việt Nam trí - tâm - tài - tín, Tủ sách doanh nhân Việt Nam còn phổ biến, giáo dục, hướng nghiệp, truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh trung thực, trách nhiệm với cộng đồng trong tương lai của học sinh, sinh viên.

Tủ sách chính được đặt tại tòa soạn Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và tại các đơn vị phối hợp triển khai, thư viện các trường phổ thông trung học, các trường đại học. Hằng năm, ban tổ chức sẽ chọn ra những cuốn sách hay nhất dịch sang tiếng Anh để tặng cho thư viện các trường đại học trên thế giới. 

9/ Chủ tịch Tập đoàn FLC "bán chui" cổ phiếu

3-Ong-Trinh-Van-Quyet-ban-chui-5099-2465

Với việc "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC không báo cáo, cú "đánh úp" nhà đầu tư chứng khoán kinh điển của ông Trịnh Văn Quyết đang là tâm điểm sôi sục trên thị trường chứng khoán.

Việc ông Quyết bán chui cổ phiếu FLC đã khiến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC bị thiệt hại nặng nề.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu. Trước đó, cuối năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính do hành vi "bán chui" 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo trước. Ước tính trong thương vụ này, ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỷ đồng theo giá thị trường, song số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng.

10/ Doanh nhân lập kỷ lục trên nền tảng livestream của Facebook Việt

4-Ba-Hang-livestream-5664-1643253932.jpg

Từ đầu tháng 5/2021, bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng giám đốc kiêm Phó củ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam nổi tiếng khắp mạng xã hội thông qua các buổi livestream trên Facebook và YouTube tố cáo "thần y" Võ Hoàng Yên và một số nhân vật có tiếng khác trong giới giải trí. Hầu hết các buổi livestream của nữ doanh nhân này thu hút số lượng người xem "khủng", có thời điểm ghi nhận lên đến hơn 225.000 người cùng theo dõi và hơn 32.000 lượt chia sẻ. Con số này đã nhanh chóng lập kỷ lục về lượng người xem livestream trên Facebook Việt Nam của một tài khoản cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 sự kiện doanh nhân, doanh nghiệp, gây chú ý năm Tân Sửu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO