10 sự kiện doanh nghiệp, doanh nhân nổi bật năm 2020

DNSG| 09/02/2021 07:00

10 sự kiện doanh nhân, doanh nghiệp nổi bật năm 2020 do Doanh Nhân Sài Gòn bình chọn được xem như động lực tiếp thêm sức mạnh tinh thần để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp mạnh mẽ và tự tin bước sang năm mới 2021 đầy lạc quan và đón nhận cơ hội mới.

Năm 2020 trải qua nhiều khó khăn do khủng hoảng Covid-19 nhưng với sự đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19 và đã trở thành một trong số ít quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020. Đóng góp cho thành quả này là sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng của các doanh nhân, doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động kinh doanh, ổn định cuộc sống công nhân, đóng góp cộng đồng và vì cuộc sống tốt đẹp. 

TP.HCM tôn vinh 100 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu

Doanh-nghiep-doanh-nhan-tieu-b-1763-2901

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với giới doanh nhân cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Để ghi nhận đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp Thành phố, được sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tôn vinh 100 doanh nhân, 100 doanh nghiệp tiêu biểu năm 2020. Đặc biệt, năm 2020 trong bối cảnh đặc biệt là đại dịch Covid-19, ngoài danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân Thành phố tiêu biểu được tôn vinh, HUBA cũng đề xuất UBND TP.HCM xét tặng bằng khen cho những doanh nghiệp, doanh nhân điển hình vượt qua thách thức đại dịch Covid-19.

100 doanh nghiệp được tôn vinh tiêu biểu năm 2020 đã đầu tư 976.956 tỷ đồng tham gia phát triển kinh tế Thành phố, đóng góp doanh thu 294.510 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách gần 12.000 tỷ/năm, đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 152.000 lao động, đóng góp gần 1.000 tỷ đồng cho các quỹ và chương trình an sinh xã hội của Thành phố.

Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020

DN-va-sach-3248-1612234771.jpg

Diễn ra từ ngày 8-14/10/2020, Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020 là sự kiện đầu tiên được Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam, Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức, được xem như sự kiện văn hóa lớn của cộng đồng doanh nhân TP.HCM và cả nước nhằm cổ vũ cho tinh thần đọc và viết sách, qua đó góp phần xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam trí - tâm - tài - tín.

Sau một tuần diễn ra với 9 hoạt động như cuộc bình chọn và vinh danh 10 cuốn sách đáng đọc nhất; lễ vinh danh tác giả cố danh nhân Lương Văn Can - người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam; các talkshow chủ đề Doanh nhân viết sách, giá trị để lại; Văn hóa đọc trong doanh nghiệp; Sách về đô thị thông minh; giao lưu tác giả sách Người dẫn chuyện của doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm và Phép màu để vượt lên chính mình của doanh nhân Nhan Húc Quân... sự kiện đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, các doanh nhân và giới truyền thông. Đặc biệt, đã có hơn 30 cơ quan truyền thông Thành phố, Trung ương và các địa phương  đăng trên 200 tin, bài về các hoạt động trong tuần lễ và trên 86.000 lượt người xem trên fanpage của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.

Từ tuần lễ này, Hội đồng Phát triển Sách Doanh nhân cũng chính thức được ra mắt cùng các thành viên, ủy viên tham gia Hội đồng - là những cá nhân uy tín, tâm huyết và các cuốn sách hay của doanh nhân sẽ là nguồn tư liệu quý trong Thư viện lịch sử doanh nhân của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.

Doanh nghiệp, doanh nhân cống hiến nhiều cho cộng đồng

Năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt khó khăn, nhưng lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cả nước, trong đó có TP.HCM đã chủ động thực hiện nhiều chương trình cộng đồng. Họ đóng góp kinh phí, sản phẩm phục vụ chống dịch Covid-19 và cứu trợ bà con bị ảnh hưởng bão lũ miền Trung thể hiện tinh thần nhường cơm sẻ áo, tinh thần của thành phố nghĩa tình, đóng góp hàng trăm tỷ đồng trong cuộc phòng chống dịch bệnh và bão lũ miền Trung như Tập đoàn PNJ, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Gỗ An Cường, Công ty CP Eurowindow, Hưng Thịnh Group, ông Johnathan Hạnh Nguyễn... Đây không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn là tinh thần doanh nhân Việt Nam, phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM được kế thừa từ tinh thần yêu nước, thương người vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã kết tinh qua nhiều thế hệ. Trong tình hình khó khăn như năm 2020, phẩm chất ấy của doanh nhân TP.HCM thật tuyệt vời và trân trọng.

VNPay là kỳ lân tỷ USD thứ hai của Việt Nam

Cuối tháng 11 năm ngoái, trong một báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020 của Google, Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) đã trở thành một trong 12 kỳ lân của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, sau VNG, Việt Nam đã có startup thứ hai được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

VNPay được liệt kê vào danh sách kỳ lân nhờ vòng gọi vốn từ quỹ đầu tư SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của Chính phủ Singapore vào năm ngoái. Theo giới thiệu trên trang web của công ty, VNPay được thành lập vào tháng 3/2007. Doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp.

Năm doanh nhân có nhiều sáng kiến truyền cảm hứng cộng đồng

ATM-gao-5178-1612234771.jpg

Hoàng Anh Tuấn sinh năm 1985 tại TP.HCM, là CEO của PHG Lock phân phối khóa thông minh, khóa điện tử trước khi làm "ATM gạo". Ngày 6/4/2020, giữa làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát, đe dọa không chỉ sức khỏe mà khiến số đông người lao động, trong đó có người thu nhập thấp, lao động phổ thông thất nghiệp, cây "ATM gạo" đầu tiên của Tuấn xuất hiện ở đường Vườn Lài, quận Tân Phú. "ATM gạo" ra đời lãnh sứ mạng giúp đỡ người khó khăn, người bị ảnh hưởng Covid-19 và lập tức lay động hàng triệu trái tim. 

Cũng như thế, đầu tháng 2/2020, trên các tiệm bánh mì của ABC Bakery ở quận 5, người dân Sài Gòn tò mò với loại bánh mì có màu đỏ lợt. Sau này biết mục đích của "vua bánh mì" Kao Siêu Lực - CEO ABC Bakery sử dụng nguyên liệu từ những trái thanh long làm bánh là nhằm giải cứu đầu ra cho nông dân lúc thị trường gặp khó vì Covid-19, người tiêu dùng khắp Thành phố đã tập trung tới mua ủng hộ. Chia sẻ về ý tưởng này, "vua bánh mì" chỉ giải thích ngắn gọn: "Hôm rồi, tôi đi công tác miền Tây, thấy thanh long chín đầy ruộng, đọc báo thấy nông dân không bán được hàng do ảnh hưởng dịch nCoV, càng nghĩ càng muốn làm gì đó có ý nghĩa cho họ. Vậy nên tôi quyết định thử dùng thanh long làm nguyên liệu bánh mì".

Từ ý tưởng làm bánh mì thanh long, đã khơi gợi, truyền cảm hứng cho rất nhiều sáng kiến giải cứu nông sản khác trong năm 2020, như làm bún dưa hấu, bún thanh long, kem thanh long, kem sầu riêng... 

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo lọt top 100 người thay đổi kinh tế khu vực châu Á

Nguyen-Thi-Phuong-Thao-CEO-Vie-8605-7103

Tháng 9/2020, Bussiness Insider đã công bố top 300 gương mặt làm thay đổi kinh tế của ba khu vực trên thế giới là châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air, là nhân vật duy nhất tại Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng 100 người thay đổi kinh tế khu vực châu Á. Cụ thể, tỷ phú Phương Thảo được vinh danh hạng mục Chuỗi cung ứng, bên cạnh các nhân vật nổi bật như bà Tan HooiLing - Đồng sáng lập Grab, ông Tony Fernandes - CEO Air Asia hay ông Lee Seow Hiang - CEO sân bay Changi, Singapore. Bà Thảo là người sáng lập hãng hàng không chi phí thấp Vietjet vào năm 2011 và đã từng bước xây dựng Vietjet dần lớn mạnh, trở thành hãng hàng không nổi tiếng trong khu vực. Sự ra đời của Vietjet Air đã tạo nên một cú hích kích cầu cho nhu cầu đi lại bằng hàng không tại Việt Nam, vốn trước đây được xem là chỉ dành cho người giàu. Vietjet hiện có đường bay đến hầu khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực châu Á.

Ba doanh nông được phong tặng Anh hùng Lao động

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra đầu tháng 9/2020, ba doanh nông gồm ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình); bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH (tỉnh Nghệ An) và bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Ba Huân (TP.HCM) đã vinh dự được phong tặng Anh hùng Lao động.

Ông Trần Mạnh Báo được biết đến với việc đã xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng Thái Bình (Niêu Vàng, A Sào...). Doanh nghiệp này cũng đã nghiên cứu chọn tạo thành công và được công nhận 9 giống cây trồng mới. Đặc biệt lần đầu tiên nghiên cứu thành công giống ngô lai TBM18; chuyển gen kháng bệnh đạo ôn vào giống lúa BC15, mua bản quyền nhiều giống cây trồng mới là OM9582,TBR97,GL25, BT7 KBL, lúa lai TBH686...

Bà Thái Hương đưa Tập đoàn TH lên bản đồ sữa thế giới với nhiều điểm nhấn về đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa: bò sữa được đeo chip và quản lý bằng phần mềm máy tính (quản lý động dục, cảnh báo và phát hiện bệnh viêm vú trước 4 ngày, phân loại bò, sinh sản, năng suất và chất lượng sữa...

Bà Phạm Thị Huân được nhiều người ngưỡng mộ gọi là "nữ hoàng hột vịt". Từ cơ sở thu mua trứng, năm 2000 bà Ba Huân lập doanh nghiệp cùng tên và dần trở thành cái tên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước và thị trường Hồng Kông, Malaysia và Singapore.

Vietravel Airlines được cấp phép bay

Vietravel-Airlines-7946-1612234772.jpg

Cuối năm 2020, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) chính thức được cấp phép bay. Hãng sẽ bắt đầu bay thương mại vào giữa tháng 1/2021. Chặng bay đầu tiên sẽ kết nối từ Huế - Hà Nội, TP.HCM, sau đó mở rộng mạng bay đến Nha Trang, Vân Đồn, Đà Nẵng, Đà Lạt... Hiện hãng đang có một máy bay A321 CEO và sẽ nhận thêm 2 máy bay ngay năm sau với đội bay ban đầu là 3 chiếc. Hãng đang có 200 phi công và tiếp viên. Thị trường quốc tế đầu tiên mà Vietravel Airlines hướng đến là các nước ASEAN, cụ thể Bangkok - Thái Lan, sau đó là các thị trường Vietravel vốn có sẵn lợi thế như Trung Đông, Đông Bắc Á... Hãng cũng bay charter phục vụ du khách.

Xuất khẩu vượt khó bất chấp đại dịch, duy trì tăng trưởng dương

Năm 2020 qua đi với vô vàn khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí có những thời điểm nền kinh tế đối mặt với nguy hiểm chưa từng có, nhưng Việt Nam vẫn đạt được thành tựu đáng khích lệ.

Kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại toàn cầu, xuất siêu tiếp tục được duy trì. Theo số liệu ước liên bộ, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Trong năm 2020, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và 31 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Năm chứng kiến doanh nghiệp Việt tham gia thương mại điện tử

Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng cũng như cung cách bán hàng năm 2020 khi có đến 70% người dân Việt Nam tiếp cận với Internet, 53% người dùng ví điện tử thanh toán khi mua hàng qua mạng, tăng 28% so với năm 2019. 

Trước xu hướng tiêu dùng mới, hầu hết doanh nghiệp phải chuyển từ kinh doanh, bán hàng truyền thống sang cung cách tiếp cận hiện đại thông qua việc sử dụng các nền tảng công nghệ online, tìm kiếm khách hàng, bán và sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà cho khách. Các doanh nghiệp sản xuất đưa thương mại điện tử vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới. Ngoài ra, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành kênh quan trọng cho xuất khẩu. Chỉ tính riêng tại sàn Amazon, đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với người tiêu dùng thế giới, ghi nhận doanh số vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp ba lần so với năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 sự kiện doanh nghiệp, doanh nhân nổi bật năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO