Tổ chức một sự kiện thể thao thu hút hơn 3 tỷ người xem sẽ là cơ hội bằng vàng để quảng bá hình ảnh của một nước Nga vừa năng động, vừa hiếu khách, như ghi nhận của Carole Gomez - chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Chiến lược IRIS của Pháp, về ảnh hưởng của thể thao đối với quan hệ quốc tế.
Vì vậy mà điện Kremlin đã không ngần ngại chi ra 680 triệu USD chỉ để trang bị cho sân vận động ở Saint Petersburg một vòm mái tự động, mở ra đóng vào tùy theo trời mưa hay nắng. Trong khi đó, các trạm xe điện ngầm ở Moscow đã được tân trang lại, tên các trạm xe được dịch sang tiếng Anh…
Với tổng phí tổn lên tới 70 tỷ USD, World Cup 2018 tại Nga đi vào lịch sử như mùa thi đấu tốn kém nhất từ trước tới nay. Nhưng đó chỉ là một chuyện nhỏ đối với ông Putin, bởi nguyên thủ Nga muốn chứng minh với công luận trong nước rằng, tổ chức lễ hội lớn nhất của môn thể thao vua là bằng chứng cụ thể cho thấy chính sách trừng phạt Nga của phương Tây đã thất bại.
Về mặt đối ngoại, báo Sobedednik tại Moscow đã nhận định: “Vladimir Putin đang rất cần có được uy tín với quốc tế và tất cả những gì ông đã làm đều nhằm theo đuổi mục đích ấy”.
Chủ nhân điện Kremlin mong muốn thế giới phải nể trọng nước Nga như đã từng nể trọng Liên bang Xô Viết xưa kia: “Người ta có thể không yêu quý nước Nga, nhưng phải nể trọng, phải sợ Nga”.
Nhìn từ Trung tâm Nghiên cứu Carnegie tại Moscow, công luận Nga không mấy hy vọng rằng World Cup 2018 sẽ là chiếc đũa thần đem lại những tác động thực sự cho nước Nga. Dù vậy, ngày hội bóng đá hành tinh lần này đáp ứng được một trong số những mục tiêu của chủ nhân điện Kremlin ở vào đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ tư – đó là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nước Nga đã trùng tu, xây dựng các sân vận động, hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô, nâng cấp hệ thống xe lửa… Tất cả những động thái đó cho phép Tổng thống Vladimir Putin “để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử”, như đánh giá của vị giáo sư Trường Cao đẳng Kinh tế Moscow Serguei Medvedev.
Thông tin khác liên quan đến giải bóng đá thế giới lần này là tổng số tiền thưởng dành cho 32 đội bóng lên đến 400 triệu USD, cao hơn nhiều so với con số 358 triệu USD ở World Cup 2014.
Theo trang Foxbusiness, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) thưởng cho mỗi đội bóng tham dự World Cup 2018 là 8 triệu USD dù cho bị loại sau vòng bảng.
Ở vòng 16, tám đội bị loại sẽ nhận được 12 triệu USD cho mỗi đội. Bốn đội bị loại sau vòng tứ kết sẽ nhận 16 triệu USD mỗi đội.
Đội đứng thứ tư được thưởng 22 triệu USD, đội đoạt giải ba được thưởng 24 triệu USD, đội á quân sẽ nhận 28 triệu USD.
Đội vô địch World Cup 2018 sẽ được thưởng 38 triệu USD. Ở kỳ World Cup trước, đương kim vô địch Đức được thưởng 35 triệu USD.
Ngoài ra, theo Reuters, FIFA còn chi tới 134 triệu USD phí bảo hiểm cho các câu lạc bộ để cầu thủ của họ thi đấu tại World Cup 2018.