Vũ khí mới của Tổng thống Trump trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

LÊ PHAN| 01/08/2018 07:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tăng lợi thế trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Quốc, mà theo giới phân tích là nhằm để có được vị thế tốt hơn nếu phải bước vào đàm phán.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đạt một thỏa thuận bất ngờ về ngăn chận thuế quan thương mại cao hơn và tổ chức đàm phán về các thị trường mở

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đạt một thỏa thuận bất ngờ về ngăn chận thuế quan thương mại cao hơn và tổ chức đàm phán về các thị trường mở

Đầu tiên là một thỏa thuận thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) có thể sớm được ký kết. Dù liên tiếp phê phán EU và có những hành động khiêu khích về thương mại với đồng minh lâu đời này, thì cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 25/7 giữa Trump và Juncker - Chủ tịch EU đã diễn ra khá thành công. Họ cho biết đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo về việc giảm thuế về bằng 0, xóa bỏ các hàng rào kỹ thuật và chống trợ cấp đối với hàng hóa phi công nghiệp.

Trước đó, chính quyền Trump đã đe dọa áp đặt mức thuế đến 25% lên xe ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ EU, làm cho ngành công nghiệp ô tô của khu vực này có thể tăng chi phí lên 83 tỷ USD và dẫn đến bị mất hàng trăm nghìn việc làm, khiến EU phải có những động thái đáp trả.

Tổng thống Pháp không ủng hộ đàm phán TTIP
Ngày 26/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông muốn thấy các cử chỉ từ Mỹ về thuế thép và nhôm và ông chống lại đàm phán một hiệp định thương mại toàn diện giữa châu Âu và Washington. "Tôi không ủng hộ việc tiến hành đàm phán một hiệp định rộng lớn như TTIP vì bối cảnh không cho phép điều đó” - ông Macron phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tây Ban Nha. Tổng thống Pháp nói ông hy vọng Mỹ sẽ có những hành động về điều mà ông cho là thuế bất hợp pháp đánh trên nhôm và thép, đồng thời nhấn mạnh đàm phán thương mại song phương không bao gồm các vấn đề nông nghiệp.

Căng thẳng giữa Mỹ và EU lên đến đỉnh điểm, đến mức tạo cơ hội cho Trung Quốc "quyến rũ” EU với mong muốn tạo thành liên minh chống Mỹ trong cuộc chiến thương mại, tuy nhiên điều này có vẻ ngày càng xa vời khi Mỹ và EU đã đạt được những thỏa thuận khá tốt trong cuộc họp vừa qua.

Và để chuẩn bị tốt hơn cuộc chiến với Trung Quốc, cũng như để hóa giải việc Trung Quốc tăng thuế đối với các mặt hàng nông nghiệp từ Mỹ, ông Trump cho biết sẽ có chính sách trợ cấp cho ngành nông nghiệp nước này. Cụ thể, ngày 24/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue đã tuyên bố kế hoạch tài trợ gói 12 tỷ USD cho nông dân.

Ông cho biết, kế hoạch này đã được thảo luận trong mấy tháng trước nhằm đảm bảo cho nông dân và chủ nông trại không bị thiệt hại trước các biện pháp "trả đũa mậu dịch phi pháp" của Trung Quốc, trong khi chính phủ đang tích cực tìm kiếm cân bằng quan hệ mậu dịch với các nước.

Theo ông đó, Mỹ thì ngành nông nghiệp Mỹ từ lâu đã bị Trung Quốc đối xử không công bằng qua hành vi mậu dịch phi pháp và phải hứng chịu đòn trừng phạt trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang, khi tăng thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu để trả đũa, đã ảnh hưởng đến nông sản của Mỹ như cao lương, đậu tương, các chế phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, sữa bò và hoa quả, hạt quả và một số nông sản khác.

Theo thống kê năm 2017, Mỹ xuất khẩu khoảng 138 tỷ USD hàng nông sản, trong đó Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 12,3 tỷ USD đậu nành từ Mỹ.

Trong khi Mỹ đó, tiếp tục đả kích Trung Quốc làm tổn hại đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trên thương trường quốc tế. Cụ thể trong cuộc họp của WTO hôm 26/7, Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea đã đưa ra một văn bản mang tên "Mô hình kinh tế của Trung Quốc phá vỡ thương mại", theo đó cho rằng "Trung Quốc liên tiếp tự nhận là người bảo vệ trung thành đối với thương mại tự do và hệ thống thương mại toàn cầu, song thực tế Trung Quốc là nền kinh tế bảo hộ và vụ lợi nhất trên thế giới".

Ông Shea cáo buộc Trung Quốc gây tổn hại nghiêm trọng cho các đối tác WTO, khi không tuân thủ những quy định về thương mại tự do của WTO.

Cũng trong ngày 26/7, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, Washington có kế hoạch theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với khu vực Nam sa mạc Sahara và Đông Nam Á, trong đó ý tưởng về thỏa thuận thương mại với Philippines như là "một thỏa thuận tốt đẹp đầu tiên". Về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ông Lighthizer cho biết, Mỹ đang trong những giai đoạn cuối cùng hoàn thiện thỏa thuận nhằm sửa đổi hiệp định gần 25 tuổi này.

Rõ ràng với việc hóa giải cuộc chiến thương mại trước mắt với EU, tìm kiếm và điều chỉnh các hiệp định thương mại tự do với các khu vực khác như Đông Nam Á, Bắc Phi hay Bắc Mỹ, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ các ngành bị Trung Quốc trả đũa, chính quyền Trump đang tìm cách cô lập nước này.

Về mặt tiền tệ, sau khi Bắc Kinh liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ thì ông Trump dường như đang muốn chủ động làm suy yếu đồng đô la Mỹ để đáp trả. Theo đó, ông cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không nên tăng lãi suất quá nhanh vì có thể làm tổn hại đến đà tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục 4,1% trong quý II, cao nhất trong các quý kể từ 2014. Tuyên bố của ông Trump đã gây áp lực đẩy giá đồng USD xuống trong những ngày gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vũ khí mới của Tổng thống Trump trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO