Vỡ nợ kinh tế Mỹ: Họa mình, vạ người

01/08/2011 09:16

Nếu nước Mỹ không giải quyết được vấn đề nợ công thì sẽ không thể tránh khỏi gây họa cho chính mình và mang vạ cho người khác.

Vỡ nợ kinh tế Mỹ: Họa mình, vạ người

Nếu nước Mỹ không giải quyết được vấn đề nợ công thì sẽ không thể tránh khỏi gây họa cho chính mình và mang vạ cho người khác.

Nước Mỹ hiện đang ở giữa lo ngại và hy vọng trong khi cả thế giới bên ngoài cũng chẳng thể yên tâm vì vấn đề nợ công ở Mỹ không chỉ động chạm đến tương lai nước Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Rút dây động rừng

Đồng USD hiện vẫn là một trong những đồng tiền chính được các quốc gia sử dụng làm dự trữ ngoại tệ

Cho tới cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 2 năm, không ai còn có thể phủ nhận một điều là khủng hoảng tài chính ở một quốc gia có thể lây lan và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính toàn thế giới. Lehman Brothers chỉ là một ngân hàng ở Mỹ mà sự sụp đổ của nó đã gây nên khủng hoảng. Hy Lạp chỉ là một thành viên bình thường của EU và thuộc nhóm các thành viên EU sử dụng đồng tiền chung Euro mà khủng hoảng tài chính ở đó đã khiến EU phải liêu xiêu, đồng Euro bị đẩy đến bên bờ vực của nguy cơ tồn vong và EU phải hao bao nhiêu sức, tốn bao nhiêu của để giải cứu.

Vấn đề nợ công của nước Mỹ còn có thể tác động sâu rộng hơn thế rất nhiều. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và mọi biến động ở đó dù theo chiều hướng nào thì cũng đều tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế khác và tới kinh tế thế giới nói chung. Đồng đô la Mỹ vẫn có vai trò của đồng tiền chủ đạo trên thị trường tài chính và tiền tệ, trong quan hệ thương mại và trong tiêu dùng không chỉ ở Mỹ nên mọi chiều hướng tăng hay giảm giá của nó cũng kéo theo hậu quả và hệ lụy đối với tất cả các khu vực khác trên thế giới.

Trên thế giới đến nay đã có thêm một vài đồng tiền mạnh, nhưng còn phải mất thêm không ít thời gian nữa cũng như phải cần không ít thay đổi rất cơ bản về phương diện thể chế nữa thì mới có thể có chuyện đồng USD mất vị thế hiện tại. Đồng USD vẫn là một trong những đồng tiền chính được các quốc gia sử dụng làm dự trữ ngoại tệ. Trái phiếu nhà nước của Mỹ vẫn được không ít quốc gia mua về rất nhiều bởi từ thời bắt đầu có chuyện xếp hạng tín nhiệm đến giờ nước Mỹ vẫn được xếp hạng cao nhất (AAA). Bây giờ, một khi không giải quyết được vấn đề nợ công thì tất cả đều sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực đối với nước Mỹ và các đối tác bên ngoài.

Cái họa đối với nước Mỹ là không có khả năng thanh toán, vỡ nợ, lãi suất trái phiếu liên bang tăng cao, đồng USD tiếp tục mất giá, kinh tế suy thoái, bộ máy công quyền đình trệ, phúc lợi xã hội và lương hưu không được chi trả kéo theo mất ổn định chính trị xã hội nội bộ. Vị thế của nước Mỹ trên thế giới sẽ bị suy giảm. Việc bị đánh tụt thứ hạng xếp bậc tín nhiệm là không tránh khỏi. Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng theo, nhịp độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế bị giảm, thị trường tài chính mất ổn định. Nhiều nhà kinh tế còn lo ngại rằng hậu quả và tác động của việc này còn tai hại hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Cho nên lo ngại chung là rất có cơ sở. Nhưng đồng thời cũng lại phải thấy, chính vì tác hại có thể ghê gớm đến như thế nên chính phủ và quốc hội Mỹ, Đảng Dân chủ cầm quyền và Đảng Cộng hòa đối lập dù đã và sẽ còn chống đối nhau đến mấy, bất hợp tác với nhau tới đâu thì rồi cũng sẽ phải đi tới thỏa thuận trước thời hạn chót là ngày 2/8 tới. Vấn đề chỉ là thỏa thuận ấy sẽ như thế nào thôi. Đó cũng chính là nguyên cớ khiến cả nước Mỹ và thế giới bên ngoài còn hy vọng.

Giải pháp nào?

Thời tổng thống Mỹ Jimmy Carter cầm quyền, ở Mỹ cũng đã từng có chuyện tương tự và vấn đề được giải quyết ở phút cuối. Luật pháp Mỹ hiện tại chỉ cho phép mức vay nợ công là 14.300 tỷ USD. Nếu không nâng mức độ giới hạn vay nợ công này lên trước ngày 2/8 tới thì nước Mỹ sẽ không còn khả năng chi trả. Những cuộc thương thảo giữa tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ lĩnh Đảng Cộng hòa trong lưỡng viện lập pháp ở Mỹ được tiến hành cho tới nay đều xoay quanh việc nâng mức độ giới hạn vay nợ công ấy. Thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên tới đây đều sẽ có việc nâng mức độ giới hạn vay nợ công. Sự nhất trí về điểm này gần như không còn phải bàn cãi và tranh luận nữa. Nhưng nâng lên bao nhiêu và đi cùng với điều kiện gì thì lại là chuyện chính trị và đấu tranh quyền lực.

Thực trạng tài chính ở Mỹ chưa đến mức như ở Hy Lạp, nhưng cũng đã tồi tệ đến mức cân bằng ngân sách trong thời gian tới là chuyện viển vông mà giảm vay nợ công và cân bằng ngân sách nhà nước lại là một trong những con chủ bài tranh cử rất quyết định ở cuộc bầu cử tổng thống năm tới. Bất đồng quan điểm giữa hai bên hiện xoay quanh vấn đề tiết kiệm chi tiêu như thế nào và có tăng thuế để tăng nguồn thu cho nhà nước hay không? Chính phủ Mỹ đã đề ra kế hoạch thắt lưng buộc bụng đi cùng với tăng thuế nhằm vào bộ phận có thu nhập cao. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa lại không muốn tăng thuế hoặc không chấp nhận mức độ tăng thuế như chính phủ dự định mà nhằm chính vào mức độ tiết kiệm chi tiêu của chính phủ. Cái khó ở đây là chẳng ai biết được tiết kiệm bao nhiêu đồng thời với tăng thuế bao nhiêu thì khả thi và thích hợp, thì vừa không để vay nợ công tăng và lại đảm bảo không gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị nội bộ.

Đối với cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa, giải quyết vấn đề này như thế nào cũng đều có lợi và hại, cũng đều như sử dụng con dao hai lưỡi hay chơi với lửa. Nếu đáp ứng yêu cầu của Đảng Dân chủ thì đâu có khác gì Đảng Cộng hòa bỏ phiếu trước cho ông Obama tái cử từ khi chưa bầu cử. Nhưng nếu chống đối đến cùng và bất hợp tác bằng mọi giá thì Đảng Cộng hòa sẽ bị coi là thủ phạm gây họa cho đất nước và mang vạ đến cho thế giới bên ngoài. Nếu ông Obama không đạt được thỏa thuận với Đảng Cộng hòa thì cũng sẽ bị coi là không có khả năng lãnh đạo và đoàn kết đất nước, đồng thời cũng lại phải xử lý mọi hậu quả và hệ lụy của tình trạng nước Mỹ vỡ nợ. Nhưng nếu muốn giải quyết vấn đề này ông Obama không thể không nhượng bộ với phe đối lập và khi đó sẽ vấp phải sự chống đối không nhỏ trong nội bộ đảng cầm quyền và trong bộ phận cử tri truyền thống của Đảng Dân chủ.

Vì thế, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất không phải là tìm ra được giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề nợ công của nước Mỹ mà chỉ là đề ra giải pháp tình thế, hay nói cách khác là trì hoãn việc giải quyết vấn đề này đến thời điểm nào đó trong tương lai. Như vậy, trước mắt vừa có thể tránh nguy cơ nhà nước không có khả năng chi trả, rồi lựa thế đón chiều dàn xếp tiếp với nhau trong bối cảnh vận động tranh cử tổng thống. Sau cuộc bầu cử tổng thống, dù ông Obama tái cử hay tổng thống mới sẽ là người của Đảng Cộng hòa thì tình thế và bối cảnh chung sẽ hoàn toàn khác và vấn đề nợ công của nước Mỹ cũng sẽ hoàn toàn khác. Khi đó, giải pháp cũng sẽ lại khác. Hai phe phái chính trị ở nước Mỹ sẽ còn dền dứ nhau và gây áp lực lẫn nhau nhưng cũng lại đều ý thức được sự cần thiết phải nhượng bộ với nhau trong vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vỡ nợ kinh tế Mỹ: Họa mình, vạ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO