Vì sao dân đô thị Trung Quốc quay lưng với tiền mặt?

19/07/2017 06:48

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc đang nói không với tiền giấy và tiền xu. Hầu như tất cả cư dân các thành phố lớn của Trung Quốc đều đang sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán mọi thứ.

Vì sao dân đô thị Trung Quốc quay lưng với tiền mặt?

Có một hiện tượng kinh tế rất đáng chú ý đang xảy ra ở Trung Quốc. Nó không liên quan gì đến nợ, chi tiêu cơ sở hạ tầng hay các chủ đề kinh tế quan trọng khác. Thay vào đó, nó lại xoay quanh chuyện tiền mặt, hay nói cụ thể hơn là ngày càng có nhiều người Trung Quốc đang nói không với tiền giấy và tiền xu.

Hầu như tất cả cư dân các thành phố lớn của Trung Quốc đều đang sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán cho mọi thứ. Tại nhà hàng, nhân viên phục vụ sẽ hỏi khách hàng có muốn sử dụng các dịch vụ thanh toán WeChat Pay hoặc Alipay hay không, trước khi lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt.

Điều ngạc nhiên không kém là sự chuyển đổi đã diễn ra nhanh chóng như thế nào. Chỉ 3 năm trước đây sẽ không ai đặt câu hỏi này, bởi vì tất cả mọi người vẫn sử dụng tiền mặt.

Ông Richard Lim - CEO của công ty đầu tư mạo hiểm GSR Ventures nói: "Từ quan điểm công nghệ, đây có thể là một trong những bước đột phá quan trọng nhất đã xảy ra lần đầu tiên ở Trung Quốc, và hiện tại nó cũng chỉ xảy ra ở Trung Quốc".

Một người nước ngoài sẽ khó mà hiểu được rằng làm thế nào Facebook hoặc Google có thể bị chặn hoàn toàn tại Trung Quốc, cho đến khi họ buộc phải làm việc mà không có chúng. Từ đó, ứng dụng nội địa WeChat đã len lỏi vào mọi mặt của cuộc sống hàng ngày, và mọi người bắt đầu giao dịch với nhau thông qua việc quét các mã QR code.

Theo thống kê của công ty tư vấn iResearch, năm 2016, tổng giá trị thanh toán di động của Trung Quốc đã tăng lên đến 5,5 nghìn tỷ USD, gấp khoảng 50 lần so với mức 112 tỷ USD của thị trường Mỹ.

>>Đan Mạch hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt

Mặc dù vậy, cần phải thấy tận mắt mới có thể cảm nhận được những thay đổi văn hóa từ sự biến mất của tiền mặt. Gần đây, nhà báo Paul Mozur của The New York Times đã chuyển đến Thượng Hải, và cảm nhận ngay những sự thay đổi cực lớn.

Vì có trục trặc với ngân hàng của mình nên Mozur không thể liên kết tài khoản ngân hàng với WeChat. Điều đó có nghĩa là Mozur đã phải dùng tiền mặt để thanh toán cho các giao dịch ở Thượng Hải trong lúc chờ khắc phục sự cố.

Mozur kể, tại các quán cà phê và nhà hàng, ông luôn cảm thấy lúng túng khi tìm cách lấy tiền từ ví để thanh toán, trong khi những người đằng sau đứng xếp hàng chờ đợi. Nếu Mozur thấy đói, ông phải đi ra ngoài và tìm một nhà hàng, trong khi các đồng nghiệp Trung Quốc ung dung gọi người mang đồ ăn tới và thanh toán bằng điện thoại. Nếu Mozur phải đi đâu đó, ông cũng không thể sử dụng điện thoại để mở khóa những chiếc xe đạp của các dịch vụ chia sẻ xe đạp như Ofo hay Mobike.

Ngay cả những người hát rong cũng đã "qua mặt" Mozur. Nhiều nghệ sĩ đường phố tại Trung Quốc đã đặt các bảng mã QR bên cạnh họ, để người qua đường có thể gửi tiền bằng điện thoại.

Nhà phân tích Shiv Putcha của Công ty nghiên cứu IDC nói: "Giờ đây nó (thanh toán di động) đã trở thành lối sống tất yếu. Mỗi doanh nghiệp và thương hiệu ở Trung Quốc đều tham gia vào hệ sinh thái này".

Một số quốc gia Bắc Âu cũng đã gần như ngưng sử dụng tiền mặt, nhưng họ chủ yếu vẫn dùng thẻ. Ở Trung Quốc, hầu như ai cũng sử dụng điện thoại. Một người bạn của Mozur đã không nhận ra rằng cô đã phụ thuộc vào việc thanh toán qua điện thoại như thế nào, cho đến khi ngân hàng của cô gọi đến: Cô đã để quên thẻ ATM trong máy rút tiền cách đó 3 tuần mà không nhận ra.

Xu hướng thanh toán di động này đồng nghĩa với việc 2 tập đoàn Tencent và Alibaba, vốn lần lượt nắm trong tay WeChat và Alipay (thuộc công ty con Ant Financial của Alibaba), đều đang ngồi trên một mỏ vàng. Cả 2 công ty này đều có thể thu tiền từ các giao dịch, tính phí các công ty khác có sử dụng nền tảng thanh toán của họ, cũng như thu thập dữ liệu thanh toán để ứng dụng cho nhiều mục đích khác.

Ông Lim cho biết, theo các số liệu gần đây, Ant Financial và Tencent được dự kiến vượt qua các công ty thẻ tín dụng như Visa và Mastercard về tổng số giao dịch toàn cầu mỗi ngày trong năm tới. Điểm mấu chốt là cả 2 công ty này đều có thể cung cấp dịch vụ thanh toán với giá rẻ, một phần bằng cách cho phép những người bán hàng có thể sử dụng một tờ giấy in mã QR hoặc điện thoại của họ để nhận thanh toán, thay vì phải dùng một đầu đọc thẻ đắt tiền. Việc có một hệ thống back-end lưu trữ hồ sơ tài khoản người dùng, thay vì phải liên lạc với ngân hàng, cũng giúp giảm chi phí.

Mặc dù Tencent không kê chi tiết các khoản doanh thu từ thanh toán di động, nhưng trong quý IV/2016 thì doanh thu từ mảng "các dịch vụ khác" của Tencent cũng tăng gần gấp 3 lần so với năm ngoái, đạt 6,4 tỷ CNY hay 940 triệu USD, chủ yếu nhờ thanh toán di động.

>>Thanh toán di động: “Miền đất hứa” cho các nhà bán lẻ

Dĩ nhiên, việc ứng dụng rộng rãi thanh toán di động tại Trung Quốc cũng sẽ đem lại những vấn đề mới, nhất là với việc phát triển xoay quanh 2 công ty tư nhân.

Đầu tiên, có thể thấy rằng điều này tạo ra khó khăn đối với các khách du lịch và doanh nhân đi công tác tại Trung Quốc. Những người này không có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc, và sẽ rất khó để họ biến điện thoại của mình thành những chiếc ví.

Ngoài ra, mọi thứ cũng sẽ trở nên khó khăn hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài lẫn địa phương. Các công ty nước ngoài muốn bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc bây giờ phải tìm cách thương lượng với Alibaba và Tencent, hoặc là có nguy cơ không nhận được thanh toán. Tương tự, các công ty Trung Quốc phụ thuộc vào Alibaba và Tencent phải xây dựng các giải pháp mới để thích nghi với thế giới bên ngoài, nơi mà Facebook, Google và thẻ tín dụng vẫn chiếm ưu thế.

Trước đây, ở Nhật Bản cũng từng có hiện tượng tương tự. Vào đầu những năm 2000, các mẫu điện thoại tại Nhật có thể làm mọi thứ, từ xem truyền hình trực tuyến cho tới thanh toán tại các cửa hàng. Nhưng do công nghệ điện thoại tại nước này đi trước thời đại, Nhật Bản đã chậm chấp nhận rộng rãi điện thoại thông minh. Kết quả là từ một gã khổng lồ về công nghệ Nhật đã trở thành một nước đi sau về công nghệ so với thế giới chỉ trong vòng 15 năm.

Bây giờ ở Nhật, những chiếc điện thoại nắp gập vẫn còn đang được sử dụng và được gọi là điện thoại Galapagos (tên một quần đảo ở Ecuador) vì chúng đã phát triển trong một môi trường tách biệt, tương tự như các loài vật trên quần đảo này.

Chắc chắn là Alibaba và Tencent cũng ý thức được điều này. Cả 2 đang đẩy mạnh việc mở rộng ra ngoài Trung Quốc để đảm bảo mô hình kinh doanh của họ không đi theo con đường diệt vong của khủng long. Tuy nhiên, cạnh tranh rất có thể sẽ xuất hiện.

Ông Lim nói: "Câu hỏi đáng giá hàng triệu USD là, các công ty phương Tây có quyết định xây dựng một hệ thống tương tự và cạnh tranh không? Câu trả lời dường như là 'Có'". 

>>5 sản phẩm, dịch vụ tưởng lỗi thời vẫn phổ biến ở Nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao dân đô thị Trung Quốc quay lưng với tiền mặt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO