Vết thương kinh tế khó lành dù Mỹ - Trung đình chiến

Hà Thu| 02/07/2019 08:51

Chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn chịu sức ép như hiện tại, vì khả năng hai nước đạt thỏa thuận còn xa vời.

Vết thương kinh tế khó lành dù Mỹ - Trung đình chiến

Thị trường chứng khoán và giá dầu hôm qua tăng vọt sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố ngừng áp thêm thuế lên nhau và tái khởi động đàm phán thương mại. Tuy nhiên, việc này được đánh giá không giảm được nhiều áp lực lên kinh tế toàn cầu vốn đã tổn thương vì những đòn giáng trước đó của hai nước lên sản xuất và thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý không áp thuế mới lên Trung Quốc. Nhưng thuế hiện tại mà hai nước đánh lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau vẫn còn. Trump cũng nới lỏng một số lệnh cấm với Huawei, nhưng số phận đại gia công nghệ Trung Quốc này vẫn còn lơ lửng, cho đến khi hai nước chính thức đạt thỏa thuận thương mại.

Quan trọng nhất là không có sự đột phá nào với các vấn đề nền tảng gây ra xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích cho rằng điều này đồng nghĩa thuế nhập khẩu sẽ khó được dỡ bỏ sớm. Chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn chịu sức ép như hiện tại.

"Tái khởi động đàm phán thương mại không có nghĩa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm đạt thỏa thuận", Tommy Wu - nhà kinh tế học tại Oxford Economics cho biết, "Đàm phán sẽ còn khó khăn, vì quan điểm của hai bên đều cứng rắn".

Thuế nhập khẩu đã gây sức ép lớn lên kinh tế toàn cầu năm nay. Nó khiến hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đi xuống, trong bối cảnh tăng trưởng tại đây vốn đã chậm lại, đồng thời kéo tụt thương mại toàn cầu. Các công ty đa quốc gia đều phải tìm cách giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng, trong đó có các đại gia công nghệ như Apple. Dù vậy, họ vẫn còn phải đối mặt với các tổn thương từ các đòn trả đũa trong tương lai của Mỹ và Trung Quốc.

Hồi tháng 4/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 3,3% - thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2009. Cơ quan này cũng cảnh báo căng thẳng thương mại leo thang có thể phá vỡ chuỗi cung ứng và làm gián đoạn nhiều ngành công nghiệp như sản xuất xe hơi. Đến tháng 5/2019, chỉ số theo dõi sản xuất của JPMorgan cũng xuống thấp nhất kể từ 2012.

Không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng chịu ảnh hưởng. Các chuỗi siêu thị Mỹ như Costco hay Walmart đều thông báo sẽ tăng giá vì thuế nhập khẩu.

"Kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức: đầu tư chậm lại, thương mại giảm sút đáng kể, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính", Giám đốc IMF - Christine Lagarde nhận xét tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tuần trước.

Các ngân hàng trung ương đang bị buộc phải vào cuộc. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ra tín hiệu có thể giảm lãi suất trong năm nay, do lo ngại các chính sách thương mại của ông Trump, nợ doanh nghiệp tăng và sản xuất suy yếu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thậm chí có thể in tiền trở lại. Còn Ấn Độ và Australia đến nay đều đã hạ lãi suất.

Câu hỏi hiện tại là các đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến triển thế nào. Trump muốn Bắc Kinh tăng mở cửa thị trường khổng lồ trong nước, đồng thời giảm hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. Ông cũng muốn Trung Quốc ngừng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với các công ty Mỹ.

Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc của Mỹ, từ chối thực hiện các thay đổi lớn với hệ thống kinh tế trong nước. Họ cũng đã tăng chi và giảm thuế để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước chiến tranh thương mại.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Berenberg (Đức) cho rằng thế giới nên thận trọng với sự đình chiến của Mỹ và Trung Quốc. Họ nhấn mạnh, năm ngoái, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại Argentina cũng kết thúc rất lạc quan. Tuy nhiên, việc đàm phán sau đó vẫn đổ bể và cả hai áp thuế mới lên nhau. "Khả năng hai nước đạt thỏa thuận cuối cùng và gỡ bỏ hết các loại thuế vẫn còn rất xa vời", các nhà phân tích của Berenberg cho biết.

Dù vậy, việc Trump muốn kinh tế và chứng khoán Mỹ diễn biến tốt cho đến kỳ bầu cử tổng thống năm tới có thể ngăn ông gây thêm căng thẳng với Trung Quốc, hoặc các đối tác thương mại lớn như Canada, Mexico hay Liên minh châu Âu (EU). "Một nền kinh tế Mỹ đủ mạnh là khoản cược lớn nhất với Trump để tái đắc cử", báo cáo của Berenberg viết, "Khi số liệu về kinh tế Mỹ gần đây cho thấy sự đi xuống, những động thái tích cực về thương mại có thể là dấu hiệu Trump sẵn sàng nới lỏng một thời gian để giữ nền kinh tế đi đúng hướng".

(Theo VnExpress - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vết thương kinh tế khó lành dù Mỹ - Trung đình chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO