Vào giỏ tiền tệ quốc tế: Kịch bản nào cho nhân dân tệ?

HÀ CÚC| 09/12/2015 03:42

Sự trỗi dậy của nhân dân tệ lại kéo theo nhiều rủi ro cho cải cách kinh tế - xã hội của Trung Quốc (TQ).

Vào giỏ tiền tệ quốc tế: Kịch bản nào cho nhân dân tệ?

Hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30/11/2015 đã bật đèn xanh cho việc thêm đồng nhân dân tệ (CNY) vào giỏ tiền tệ tham khảo của IMF. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của NDT lại kéo theo nhiều rủi ro cho cải cách kinh tế - xã hội của Trung Quốc (TQ).

Đọc E-paper

Quyết định của định chế tiền tệ đứng đầu thế giới này được coi là một sự công nhận tính chất quốc tế của đồng CNY, được xếp ngang hàng với các ngoại tệ mạnh khác như đồng USD, đồng Euro, đồng bảng Anh và đồng Yen Nhật Bản trong "rổ tiền tệ” được dùng để tính toán "quyền rút vốn đặc biệt" của Quỹ IMF (SDR).

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999, IMF thay đổi cấu tạo của giỏ đồng tiền dự trữ. Lần gần đây nhất là vào năm 1999, với quyết định thu nhận đồng Euro vào giỏ để thay thế cho đồng mark Đức và đồng franc Pháp không còn được lưu hành.

Theo tính toán, trong giỏ tiền tệ tương lai, CNY sẽ chiếm 10,92%, đứng hàng thứ tư về tầm mức quan trọng. Hiện nay, đứng số 1 dĩ nhiên là đô la Mỹ (41,9%), theo sau là đồng Euro (37,4%), kế đến là bảng Anh (11,3%). Riêng đồng yen Nhật Bản chỉ chiếm 9,4%.

Theo quyết định của IMF, ít nhất 1 nghìn tỷ USD của các quỹ dự trữ trên toàn cầu sẽ được đổi sang đồng CNY. Trái phiếu của các công ty nước ngoài được niêm yết bằng đồng CNY trên thị trường chứng khoán TQ, được biết đến với tên gọi Panda bonds, có thể vượt qua mức 50 tỷ USD trong 5 năm tới, theo số liệu từ International Finance Corp của Ngân hàng Thế giới.

"Một khi CNY trở thành một phần của SDR, các ngân hàng trung ương cũng như các nhà quản lý quỹ đầu tư quốc tế sẽ lập tức muốn chuyển đổi một phần tài sản sang NDT. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng trong chiến lược toàn cầu của TQ, đặc biệt là trên thị trường tiền tệ”, Hua Jingdong, Phó chủ tịch IFC cho biết.

Hồi tháng 8, IMF kỳ vọng TQ thay đổi cách quản lý tiền để tỷ giá trao đổi CNY "tiến sát mức thả nổi" trong 2 tới 3 năm. Theo ngân hàng đầu tư Citic Securities, phát triển thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu, là yếu tố quan trọng đối với quá trình quốc tế hóa đồng CNY sau khi gia nhập giỏ tiền tệ dự trữ. Hồi tháng 10, Bộ Tài chính TQ bắt đầu phát hành trái phiếu kho bạc có kỳ hạn 3 tháng để giúp IMF có cơ sở tính toán lãi suất SDR bằng việc tham chiếu giá trái phiếu.

Mặc dù trở thành bản vị của tiền tệ thế giới, theo IMF, các nhà hoạch định chính sách TQ vẫn còn một chặng đường dài để đưa CNY trở thành một đồng tiền "tự do chuyển đổi". Đó là mục tiêu dài hạn của các nhà cải cách Bắc Kinh với di sản là 28 ngàn tỷ USD nợ đang đè lên một nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 1990.

Trong nhiều năm qua, TQ kiên trì xây dựng CNY đủ sức cạnh tranh với đồng USD như một đồng tiền dự trữ quốc tế. Nhưng dù đã được thừa nhận như một đồng bản vị quốc tế, TQ và đồng CNY còn nhiều rủi ro trước mắt. Cần nhớ là Nhật Bản phải mất 40 năm để cải cách tỷ giá hối đoái, nhưng sau khi phát triển bùng nổ thì nền kinh tế Nhật đã chao đảo trong suốt hai thập kỷ qua.

Đối với Bắc Kinh, vị thế mới của đồng CNY cũng buộc TQ phải đẩy nhanh tiến trình "tự do hóa tài chính", theo đó sự kiểm soát của nhà nước phải được thay bằng động lực thị trường; ngân hàng trung ương phải được độc lập với hệ thống chính trị. Đây là một mục tiêu đã bị các nhà lãnh đạo Bắc Kinh hoãn tới năm 2020 sau khi xảy ra vụ phá giá đồng tiền hồi tháng 8/2015. Thời điểm này, TQ phá giá đồng tiền gần 2%. Một ngày sau, đồng tệ tiếp tục giảm thêm 1,62%, xuống mức 6,3306 NDT đổi 1 USD. Động thái này làm dấy lên quan ngại về cuộc chiến tiền tệ trong khu vực.

Vì vậy, chừng nào đồng CNY vẫn bị Bắc Kinh kiểm soát chặt thì "kịch bản có khả năng xảy ra nhất là đồng CNY sẽ xói mòn nhưng không thể thách thức nghiêm trọng vị thế của đồng USD như là đồng tiền thống trị dự trữ toàn cầu". Bên cạnh đó, có một vấn đề lớn mà Bắc Kinh đang phải đối mặt hiện nay là nguy cơ tháo chạy của các dòng ngoại tệ khi nền kinh tế đi xuống, đi kèm với nhu cầu về kiểm soát dòng vốn. Việc mở cửa thị trường tài chính trong nước cho dòng vốn ngoại cũng sẽ tạo áp lực lớn lên nhiều ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước của TQ. "Hành trình cải cách tiền tệ của TQ là chặng đường dài và ngày càng phức tạp trong những năm tới và nhiều thập kỷ tiếp theo", Citic Securities nhận định.

>Startup Trung Quốc "mê" nhân dân tệ hơn đô la Mỹ

>USD - Nhân dân tệ: Cuộc đua song mã

>Phá giá Nhân dân tệ: không hiệu quả và lây lan khủng hoảng

>Đồng nhân dân tệ tăng giá 30% sau 5 năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vào giỏ tiền tệ quốc tế: Kịch bản nào cho nhân dân tệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO