Vàng "đổi màu"

ĐOÀN HẠO| 23/07/2010 05:12

Ngày càng nghiêng từ hướng trang sức sang tài sản đầu tư và tích trữ là nguyên nhân khiến giá vàng tăng vọt từ 700USD năm 2007 lên 1.200USD từ tháng 5/2010. Đâu là hướng đi của vàng thế giới?

Vàng

Ngày càng nghiêng từ hướng trang sức sang tài sản đầu tư và tích trữ là nguyên nhân khiến giá vàng tăng vọt từ 700USD năm 2007 lên 1.200USD từ tháng 5/2010. Đâu là hướng đi của vàng thế giới?

Willem Buiter, cựu giáo sư Khoa Kinh tế trường London, hiện là trưởng nhóm các nhà kinh tế học tại Citigroup, nhận định: “Vàng là bong bóng dài nhất trong lịch sử nhân loại”.

Giá vàng đã chạm đỉnh và chỉ chờ ngày hạ? Thế nhưng, nhiều chuyên gia vẫn tin cả thế giới sẽ lại đổ xô mua vàng. Phil Streible, nhà chiến lược thị trường cấp cao của Lind-Waldock, dự đoán vàng sẽ lên mức 1.325 USD/ounce vào cuối năm 2010. Ông này lý giải đơn giản: “Khủng hoảng nợ châu Âu sẽ bùng lên, đẩy đồng EUR hạ, vàng tăng”.

Các chuyên gia phân tích nguyên nhân giá vàng tăng dựa trên sự thay đổi cả hai phía cung - cầu: Thị trường có hai nhu cầu chính là trang sức và đầu tư (ngoài ra còn dùng trong sản xuất công nghiệp). Nhu cầu trang sức vốn chiếm ưu thế nhưng ngày càng giảm. Giai đoạn 2000 - 2007, vàng dùng chế tạo trang sức giảm từ 3.205 tấn xuống còn 2.417 tấn, giảm tỷ lệ đối với tổng nhu cầu từ 80% xuống còn 60%.

Lượng vàng trữ trong những quỹ đầu tư tăng gần gấp đôi trong hai năm 2008-2009, đạt 1.839 tấn.

Gần như đồng thời, nhu cầu đầu tư tăng và giới đầu tư càng ồ ạt tích trữ vàng. Đầu tư vàng năm 2004 - 2007 là 611 tấn, cao gấp đôi so với 4 năm trước.

Năm 2009, lần đầu tiên trong lịch sử, đầu tư vàng cao hơn trang sức. Vàng phục vụ nhu cầu trang sức giảm từ 2.193 tấn năm 2008 xuống còn 1.758 tấn năm 2009.

Trong khi đó, các nhà đầu tư lại đổ vàng vào quỹ đầu tư: tăng từ 321 tấn năm 2008 lên 617 tấn năm 2009. Adrian Ash, trưởng nhóm nghiên cứu của Công ty Vàng thỏi trực tuyến BullionVault, cho biết: Kinh doanh vàng đang bùng nổ. Bởi vì, khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung EUR ngày càng rầm rộ. Liên minh Châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đều chưa thể tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.

Về nguồn cung, vàng sẵn có trong các ngân hàng trung ương, IMF, ECB, còn khoảng 30.000 tấn, tính đến tháng 6/2010. Trang sức vàng từ các hộ gia đình bán ra thị trường cũng nhiều, đạt 1.674 tấn năm 2009, so với 982 tấn năm 2007.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác vàng đang cân bằng, thậm chí giảm. Sản xuất vàng lên đến đỉnh vào năm 2001 là 2.646 tấn. Từ đó trở đi thì ngày càng giảm. Nguyên nhân là chi phí sản xuất cao; sản lượng ở những mỏ lâu đời tại Bắc Mỹ và Nam Phi giảm; khai mỏ khó khăn do chính trị, kinh tế các quốc gia còn lại của châu Phi bất ổn...

Khuyết điểm lớn nhất của vàng là người đầu tư không nhận lãi suất như khi mua trái phiếu, không nhận tiền lãi cổ phần như khi mua cổ phiếu, không nhận tiền cho thuê như khi sở hữu nhà đất. Tuy nhiên, lợi tức trái phiếu an toàn nhất nhưng quá thấp; sàn giao dịch chứng khoán còn nhiều bất ổn do diễn biến thất thường của kinh tế thế giới; thị trường nhà đất eo sèo.

Cùng lúc đó, chính sách tiền tệ lỏng lẻo khiến lạm phát có nguy cơ bùng lên; khủng hoảng kinh tế còn tiếp diễn; nguồn cung có giới hạn... Trước tình hình đó, rõ ràng vàng là tài sản đầu tư có triển vọng. Chuyên gia Ronald Stoferle dự đoán giá vàng sẽ đạt 2.300 USD/ounce vào năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vàng "đổi màu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO