"Tường nứt"

THỤY KHA| 04/07/2013 06:32

Năm Con Hổ” BRICS từng hứa hẹn sẽ trở thành một quyền lực định hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khủng hoảng đã cho thấy những vết nứt trong những nền kinh tế mới nổi này.

"Năm Con Hổ” BRICS từng hứa hẹn sẽ trở thành một quyền lực định hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khủng hoảng đã cho thấy những vết nứt trong những nền kinh tế mới nổi này.

Đọc E-paper

Người biểu tình tại Rio de Jananeiro (Brazil) phản đối chính phủ

Nhóm BRICS hiện chiếm gần 18% GDP của thế giới, là nơi cư trú của 40% số dân toàn cầu, chiếm 15% thương mại quốc tế và nắm trong tay 40% dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Với GDP đạt gần 14.000 tỷ USD, BRICS đóng góp 30% mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ khi Goldman Sachs nghĩ ra cụm chữ cái bằng tiếng Anh "BRIC" để chỉ nhóm 4 nước mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) vào năm 2001 (bổ sung Nam Phi vào năm 2010).

Tuy nhiên, Brazil đang tiếp nối Trung Quốc, Ấn Độ và Nga trong câu lạc bộ các nước đang lên nhưng phát triển kinh tế bị chững lại. Tăng trưởng của Trung Quốc đạt hơn 10% (trong những năm 2000) rơi xuống hiện nay còn khoảng 7 hay 8%.

Ấn Độ tăng trưởng từ hơn 7% xuống còn 4%. Tương tự, Nga từ hơn 8% xuống còn 4%. Sự chững lại của các nền kinh tế này đang đặt ra dấu hỏi lớn.

Theo các nhà phân tích, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm có thể được giải thích bởi nhiều lý do. Thứ nhất, do khủng hoảng kinh tế, các nước nhập khẩu phải giảm khối lượng hàng nhập từ Trung Quốc. Thứ hai, Bắc Kinh đang đẩy mạnh tiêu thụ nội đị, và giảm bớt đầu tư do nợ của khu vực tư nhân đã vượt trên 200% GDP.

Trong khi đó, kinh tế các nước Brazil, Ấn Độ trên đà suy giảm vì thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng điện. Đối với Ấn Độ, tốc độ cải cách có vẻ như không đồng nhất với tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số.

Chính phủ Nga thì đang chứng kiến kinh tế nước mình phát triển ỳ ạch vì hệ thống quản lý suy yếu khiến các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài lo ngại... Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2012, tổng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.

Dù nói BRICS "đã tàn" là quá sự thật nhưng thực tế thời kỳ kinh tế các nước BRIC bùng nổ đã chấm dứt. Theo The Economist, một nguyên nhân sâu sa dẫn đến việc "bức tường" BRIC rạn nứt vì đều sai lầm khi chỉ tập trung vào tăng trưởng, không chú trọng các yếu tố con người và ổn định xã hội.

Do đó, tình trạng chung của nhiều nước là khan hiếm nhân lực có trình độ cao, dẫn đến khả năng cạnh tranh yếu. Mô hình tăng trưởng nóng dẫn đến chênh lệch giàu nghèo tăng, kéo theo bất ổn xã hội, tội phạm tăng cao, đặc biệt các nước Brazil, Nam Phi và Mehico.

Chẳng hạn, Brazil nổi lên cách đây khoảng 20 năm. Song, trong 20 năm qua, Brazil chỉ tập trung cho các chính sách tăng trưởng kinh tế, còn giáo dục không được coi là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Hệ quả là hệ thống giáo dục phổ thông kém chất lượng, chỉ đủ cho học sinh thoát nạn mù chữ. Brazil vẫn phải tuyển dụng bác sĩ và kỹ sư từ nước ngoài.

Những tuần qua, thế giới đã chứng kiến một Brazil hỗn loạn dù đất nước vũ điệu samba này đang đứng trước giải đấu bóng đá thế giới (World Cup 2014).

Vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng là một trong những lý do chính làm bùng phát làn sóng biểu tình từ ngày 11/6 ở Brazil, vốn ban đầu chỉ nhằm phản đối việc tăng giá xe buýt và xe điện ngầm, nhấn chìm các đường phố của Brazil với sự tham gia của hàng trăm ngàn người.

Từ một bất mãn nhỏ, người dân Brazil đã xuống đường thể hiện sự bất đồng của mình trong việc quản lý của chính phủ, cũng như tệ nạn như tham nhũng và hệ thống dịch vụ công yếu kém.

Giới lãnh đạo của Trung Quốc trong hơn một thập niên qua nhắc rất nhiều đến yếu tố "xã hội hài hòa", chú trọng yếu tố con người và quá trình đô thị hóa, tăng ngân sách cho phúc lợi xã hội để dự phòng cho giáo dục, y tế và hưu trí... Tuy nhiên, tình trạng đô thị hóa gây ra nhiều vấn đề lớn, như xây dựng trường học và bồi thường cho người nông dân bị lấy đất cho dự án.

Một nghiên cứu của Viện Phát triển Nông thôn Landesa (tại Seattle, Hoa Kỳ) cho biết: Năm 2011, 43% nông dân Trung Quốc bị chính phủ lấy, hoặc định lấy đất đai của họ, trong khi đó, con số này chỉ là 29% vào năm 2008. Trong vòng 12 năm tới, dời khoảng 250 triệu dân nông thôn lên các thành phố lớn mới xây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Tường nứt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO