Tương lai châu Âu trong tay Hy Lạp

LAM HỒNG| 08/07/2015 04:47

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp sẽ thay đổi EU một cách toàn diện và mãi mãi.

Tương lai châu Âu trong tay Hy Lạp

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp sẽ thay đổi EU một cách toàn diện và mãi mãi.

Đọc E-paper

Với hơn 95% các điểm bỏ phiếu đã được kiểm phiếu, kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 cho thấy hơn 61% cử tri Hy Lạp nói "không" với các gói cứu trợ thắt lưng buộc bụng của châu Âu. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng kết quả trưng cầu "không đồng ý” sẽ cho Hy Lạp một cơ hội "sống trong phẩm giá ở châu Âu" vì Hy Lạp không đánh đổi tài trợ với các biện pháp cải cách đớn đau và có thể cản trở kinh tế Hy Lạp vực dậy.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cũng kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro vào ngày 7/7 sau khi người dân Hy Lạp quay lưng với gói cứu trợ của EU. Sự giằng co này không chỉ cho thấy hỗn loạn của Hy Lạp, mà còn cho thấy sự lúng túng của giới lãnh đạo EU.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng, kết quả bỏ phiếu "không đồng ý” có nghĩa là vị thế của Hy Lạp sẽ "bị suy yếu đáng kể”. Nhưng nếu người Hy Lạp bỏ phiếu nghịch, có thể Hy Lạp sẽ rời khỏi EU và quay trở về với đồng drachma. Giới lãnh đạo EU mong muốn Hy Lạp cắt giảm tiền trợ cấp và lương hưu hiện tại, nhưng Hy Lạp chỉ sẵn sàng cắt giảm một nửa theo yêu cầu của EU và tăng thuế thương mại.

GDP của Hy Lạp đã giảm một phần tư trong vòng 5 năm, tỷ lệ thất nghiệp trên 25% và thanh niên thất nghiệp trên 50%. Một phần nguyên nhân là chính sách thắt lưng buộc bụng được áp đặt bởi chủ nợ, đặc biệt là trong những năm đầu để tìm cách làm giảm thâm hụt ngân sách của Hy Lạp.

Syriza lên nắm quyền với hy vọng có thể kết thúc khó khăn của nước này cũng như làm hài lòng các thành viên EU. Tuy nhiên, Hy Lạp đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên vỡ nợ khi không trả được khoản vay 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD) từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vài tiếng sau khi các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro từ chối gia hạn chương trình cứu trợ cho nước này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, EU lẽ ra ngay từ đầu không nên kết nạp Hy Lạp. Trong nhiều năm, Hy Lạp che giấu cuộc khủng hoảng nợ công và mọi thứ chỉ được phơi bày khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Theo giới phân tích, Hy Lạp bị loại khỏi khu vực EU là một thảm nạn cho người dân quốc gia Nam Âu này: lạm phát tăng vọt, người dân thiếu hụt nhu yếu phẩm và thuốc men, thất nghiệp thêm trầm trọng và nền kinh tế có khả năng sụp đổ...

Nếu Hy Lạp bị phá sản và bắt buộc phải rời vùng đồng tiền chung thì chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ lãnh phần lớn trách nhiệm. Trong các cuộc đàm đạo riêng, thủ tướng Đức cho biết mối lo ngại nhất của bà là nước Đức bị lịch sử kết tội làm châu Âu "tan vỡ ba lần trong một thế kỷ”.

Riêng về mặt tài chính, việc Hy Lạp rời EU sẽ khiến khối này bị mất toàn bộ các khoản tín dụng cấp cho Hy Lạp - thông qua Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp - hiện ở mức khoảng 331 tỷ euro (480 tỷ USD). Trong đó, Pháp và Đức sẽ là những nước chịu thiệt hại lớn nhất khi đang cho Hy Lạp vay khoảng 176 tỷ euro (255 tỷ USD), kế tiếp sẽ là các khoản cho vay của các ngân hàng... Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, Yanis Varoufakis nhận định việc bỏ rơi Hy Lạp sẽ gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ euro cho Liên minh Châu Âu. Khoản thiệt hại đó tương đương với tổng sản phẩm nội địa của Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 5 trong khối euro.

Thậm chí, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo sự sụp đổ của kinh tế Hy Lạp có thể nhấn chìm sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Goldman Sachs dự đoán hậu quả do việc Hy Lạp không trả được nợ gây ra sự co cụm đáng kể trong nền kinh tế Âu châu và làm suy yếu tăng trưởng của châu Á.

"Ám ảnh châu Âu tan rã” đang quay trở nếu Hy Lạp không được giải cứu. Bởi vì, lúc này, EU đang đứng trước nhiều hiểm nguy: nước Anh với dự án trưng cầu dân ý đi hay ở, khó khăn thống nhất lập trường đối phó với làn sóng nhập cư bất hợp pháp, khủng hoảng với Nga tại Ukraina, đe dọa của thánh chiến Hồi giáo, giờ đây nếu cộng thêm tình hình rối loạn tại Hy Lạp.

Những lực lượng chính trị cực tả và cực hữu chống châu Âu thống nhất có thêm thời cơ để đòi "độc lập". Chính vì vậy, cựu Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer nhận định: Khủng hoảng trong nội bộ EU xảy ra trong môi trường địa - chính trị nguy hiểm và bất ổn. Để tránh bị tan vỡ, giải pháp cần kíp, đầu tiên và quan trọng hơn hết là giải pháp chiến lược cho hồ sơ Hy Lạp. Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ được tổ chức vào ngày 7/7 để thảo luận về tình hình sau cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp. 

>Tỷ phú thế giới mất 70 tỷ USD vì Hy Lạp

>Ấn Độ: Ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ Hy Lạp

>Kinh tế Hy Lạp sẽ ra sao nếu Grexit xảy ra?

>Eurozone khẳng định vẫn sẽ dành cho Hy Lạp cơ hội cuối cùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tương lai châu Âu trong tay Hy Lạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO