Trung Quốc: PBoC sắp phát hành tiền ảo

25/02/2017 06:50

Việc tiền ảo được chính thức lưu thông rộng rãi có thể dẫn tới rất nhiều thay đổi lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc: PBoC sắp phát hành tiền ảo

Theo các thông tin gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hoàn tất việc thử nghiệm sử dụng đồng tiền ảo do họ tự phát triển, sau khi thành lập một tổ nghiên cứu vào năm 2014. Như vậy, PBOC có rất nhiều khả năng sẽ trở thành một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới chủ động phát hành tiền ảo (cryptocurrency).

Vào hồi tháng 1/2016, PBOC đã tuyên bố sẽ sớm phát hành đồng tiền ảo của riêng mình, nhưng tới hiện nay thì ngân hàng này vẫn chưa công bố chính thức thời điểm phát hành. Trong số tạp chí tháng 9/2016 của mình, PBOC cũng cho biết rằng tiền ảo sẽ trở thành một nhân tố của lượng cung tiền tệ, thay thế một phần hệ thống tiền mặt hiện nay. Được biết, dự án tiền ảo này nhận được sự ủng hộ từ nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả một phó thống đốc PBOC - Fan Yifei.

Song song với việc tự phát triển tiền ảo, PBOC cũng đã tăng cường kiểm soát bitcoin và các dạng tiền ảo khác. Kể từ hôm 10/2 tới nay, các sàn giao dịch bitcoin lớn nhất Trung Quốc đã ngưng cho phép người dùng rút bitcoin ra khỏi sàn, sau một cuộc họp giữa PBOC với 9 sàn bitcoin. Theo bình luận của Bloomberg, PBOC không muốn xảy ra bong bóng tiền ảo, cũng như muốn bảo đảm quyền phát hành tiền ảo tiếp tục nằm trong tay chính phủ.

Tại Trung Quốc, các hình thức thanh toán trực tuyến đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách cuộc sống từ vài năm nay. Từ việc mua nước ngọt ngoài đường cho đến lì xì mừng tuổi ngày Tết, tất cả đều có thể được thực hiện bằng việc quét mã QR hoặc vài cái bấm nút trên các ứng dụng thanh toán.

Đối với những người mua hàng, việc chuyển sang thanh toán bằng tiền ảo sẽ không có nhiều khác biệt, nhưng với phía doanh nghiệp thì điều này sẽ giúp họ tiết kiệm được rất nhiều chi phí do bớt được khâu trung gian ở giữa là các công ty xử lý thanh toán.

Trong dịp Tết 2017 vừa qua, hệ thống lì xì trực tuyến của WeChat (thuộc Tencent) đã ghi nhận tới 14,2 tỷ giao dịch. Ảnh: sekkeistudio.com

Ngoài lợi ích cho khối doanh nghiệp, tiền ảo cũng sẽ giúp PBOC rất nhiều trong việc quản lý hệ thống tài chính. Duan Xinxing - phó chủ tịch của sàn Bitcoin hàng đầu Trung Quốc - OKCoin, giải thích: “Việc biết được chính xác lượng tín dụng của các ngân hàng, dòng chảy tiền tệ và tốc độ gia tăng tín dụng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chống rửa tiền và nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ”.

Duan nói thêm rằng công nghệ tiền ảo sẽ cho phép PBOC thu thập các thông tin về giao dịch “ngay trong thời gian thực một cách hoàn chỉnh và chân thực”, để từ đó tính toán chính xác nguồn cung tiền tệ hiện hành. “Mức độ minh bạch của các hoạt động kinh tế sẽ được cải thiện đáng kể, và ngân hàng trung ương sẽ có một lượng thông tin nhiều chưa từng có về cách thức vận hành của nền kinh tế”.

Trung Quốc không phải là nền kinh tế lớn đầu tiên có ý định triển khai tiền ảo. Hồi cuối năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cho ngưng sử dụng các tờ tiền giấy mệnh giá lớn, với tổng trị giá tương đương 86% lượng tiền mặt đang lưu hành, nhằm chống tham nhũng và khuyến khích người dân chuyển sang thanh toán trực tuyến. Các ngân hàng trung ương của Canada, Đức và Singapore cũng đang tích cực nghiên cứu về các hình thức tiền ảo.

Số người dùng thanh toán di động trên toàn cầu sẽ tăng lên 630 triệu người vào năm 2020, theo dự báo của Bloomberg. Ảnh: Bloomberg

Với một quốc gia 1,4 tỷ dân như Trung Quốc, việc chuyển sang sử dụng tiền ảo cũng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn và lưu hành tiền giấy. Larry Cao - giám đốc nội dung của Viện CFA tại Hong Kong, nhận xét: “Cắt giảm chi phí là một lợi ích quá rõ ràng, nhưng tác động của việc chuyển sang tiền ảo còn hơn thế nữa. Nó sẽ cho phép bạn trả tiền trực tiếp cho bất kỳ ai, bất cứ ngân hàng hay doanh nghiệp nào. Công nghệ tiền ảo dựa trên blockchain sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Đây là một cuộc cách mạng”.

Nếu hình thức tiền ảo của PBOC được chấp nhận rộng rãi, hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng và các dịch vụ thanh toán trực tuyến phổ biến như Alipay của Alibaba và WeChat của Tencent sẽ chịu thách thức đáng kể. William Gee - chuyên gia về rủi ro của PWC Trung Quốc, nhận định: “Tôi không cho rằng các ngân hàng và dịch vụ thanh toán sẽ biến mất, nhưng vai trò của họ chắc chắn sẽ thay đổi. Họ cần tìm chỗ đứng mới trong hệ sinh thái thanh toán, và có thể chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới sáng tạo hơn”.

“Dự báo về tác động của tiền ảo vào lúc này cũng giống như hồi những năm 1980 chúng ta cố dự báo xem Internet sẽ làm thay đổi cuộc sống như thế nào”, Duan bình luận. “Chúng ta biết rằng tác động của tiền ảo sẽ rất lớn, và có thể làm thay đổi cả nền tảng của nền kinh tế. Chúng ta chỉ không biết nó sẽ xảy ra lúc nào và ra sao”.

>Bitcoin "hồi sinh"?

>Lý do công nghệ blockchain của Bitcoin hấp dẫn nhiều ngân hàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: PBoC sắp phát hành tiền ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO