![]() |
Thị trường Trung Quốc vài năm gần đây đã chứng kiến nhiều ngôi sao công nghệ đến từ Silicon Valley hoặc là rất vất vả mở rộng thị phần, hoặc phải rút quân thảm hại nếu không muốn bán mình cho đối thủ chủ nhà. Chính vì lẽ đó, ngành công nghệ Trung Quốc giống như một "ốc đảo", đối trọng lại với phần còn lại của thế giới.
Không phải "miền đất hứa"
Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, trong số 517 triệu game thủ có 147 triệu là game thủ chuyên nghiệp. Năm 2013 mua sắm trên điện thoại di động tăng trưởng 164% so với năm trước, và 69% người tiêu dùng Trung Quốc đã thực hiện mua hàng từ điện thoại của họ, so với 45% ở những người sử dụng điện thoại di động Mỹ.
Theo dự báo của eMarketer, doanh thu mua sắm trực tuyến nước này đạt 900 tỷ USD, đến năm 2020 sẽ đạt 2.416 tỷ USD, trong đó chi tiêu qua điện thoại chiếm 55,5% giao dịch.
Trung Quốc là một mỏ vàng khổng lồ, thế nhưng, đây không phải miền đất hứa cho bất cứ một doanh nghiệp phương tây nào. Đây là nơi mà gã khổng lồ eBay phải chào thua Alibaba ở thời điểm nó chỉ là công ty địa phương không ai biết đến, hay Uber phải vật lộn để tồn tại và cuối cùng phải bán mình cho Didi. Đây cũng là nơi mà nhiều công ty thành công ở Mỹ đổ bộ sang rồi phải lặng lẽ “rút quân”.
Airbnb ra đời năm 2008 và gần như không có gì có thể ngăn sự lớn mạnh của startup này trên toàn cầu. Công ty được định giá đến 24 tỷ USD và vẫn còn tiếp tục phát triển. Thế nhưng có một nơi mà công ty công nghệ này phải dừng lại. Đó chính là Trung Quốc.
Những công ty sao chép mô hình chia sẻ nhà ở tại Trung Quốc như Tujia sở hữu danh sách 420.000 người dùng, Mayi có 300.000, thì Airbnb chỉ có được 30.000. Khác biệt về văn hóa là “trái đắng” dành cho Airbnb khi người Trung Quốc vẫn luôn xem việc ai bán thứ gì đó trên internet là lừa đảo, kém chất lượng.
Những người dùng muốn tìm chỗ trọ đều phải liên lạc với chủ nhà thông qua nền tảng của Airbnb và họ có cảm giác như không được trò chuyện với một người thực sự. Trong khi đó, “kẻ đến sau” Tujia ra đời năm 2011 lại cung cấp cả số điện thoại của người cho thuê và cho phép hai bên cung - cầu trao đổi trực tiếp. Thị phần nhanh chóng thuộc về phía chủ nhà, khi họ am hiểu văn hóa, lẫn những quy định tại địa phương.
Còn “khách lạ” Airbnb - giống như bất cứ công ty phương tây nào đến Trung Quốc - phải loay hoay “giữ mình” để không phạm luật trong điều kiện các quy định luôn không rõ ràng cùng nhiều rào cản về thuế và quản lý đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Yi Shi - CEO của startup Trung Quốc Avazu cho biết những công ty nước ngoài muốn thành công tại Trung Quốc cần phải bản địa hóa 100% mới có thể cạnh tranh với các công ty nội địa.
Ebay hay Amazon khi gia nhập thị trường Trung Quốc cũng không mang đến niềm tin cho người mua hàng, bởi người dùng chỉ có thể xem những đánh giá của khách hàng tại Mỹ, không trò chuyện được với người bán hay trả giá. Trong khi đó, Alibaba hoàn toàn hiểu và đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng. Nếu WeChat có vẻ rất hữu ích, mang đến một đời sống trực tuyến rất sôi động, cung cấp đủ tính năng gọi xe, nhắn tin, thoại, định vị, thanh toán… phù hợp với thị hiếu người Trung Quốc thì WhatsApp lại chuyên nghiệp và mang phong cách Mỹ đến mức… nhàm chán.
Nếu Uber và Amazon từng dùng chiến lược chạy đua tài chính tại Ấn Độ khiến đối thủ hết tiền và bỏ cuộc để chiếm lĩnh thị trường, thì họ hoàn toàn thất bại tại Trung Quốc.
Uber có 1,2 tỷ USD để trợ giá cho các chuyến xe và khuyến mãi khủng nhằm tranh giành thị phần, thì Didi có tới 10 tỷ USD cho việc này. Amazon có 60% doanh thu từ bên ngoài nước Mỹ, dẫn dắt thị trường tại nhiều nước, nhưng thị phần tại Trung Quốc thì vô cùng ít ỏi, chỉ 1,3%. Đến mức, Amazon còn phải mở một cửa hàng ngay trên Tmall - thuộc Alibaba, và phải trả hoa hồng cho công ty bản địa.
Và quan trọng hơn hết là ở Trung Quốc, các công ty đến từ Silicon dẫu có công nghệ vượt bậc đến đâu nhưng nếu không làm vừa lòng chính phủ thì đều sẽ không có chỗ đứng.
Sau nhiều năm vất vả tiếp cận thị trường, cuối cùng Airbnb phải tạo ra một phiên bản Airbnb Trung Quốc để lưu lại một số dữ liệu cá nhân và thông tin thanh toán trên máy chủ của Trung Quốc, phục vụ yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ. “Đại gia” Google vì duy trì chuẩn mực đạo đức, kiên quyết không chấp nhận các chính sách kiểm duyệt nên đến nay vẫn vắng bóng ở Trung Quốc.
Theo Tech in Asia, Tổng công ty đầu tư Trung Quốc, quỹ đầu tư quốc gia là cổ đông của cả Didi và Alibaba, vì thế chính phủ nước này hoàn toàn có lý do để bảo hộ cho những con bài chủ chốt trong nước trước những gã khổng lồ phương tây.
Lao đao khi bước khỏi “sân nhà”
“Xung hùng xưng bá” tại thị trường đông dân nhất hành tinh nhưng các công ty công nghệ Trung Quốc không có nhiều thành công trong việc toàn cầu hóa.
99% doanh thu Baidu đến từ thị trường nội địa cũng có nghĩa là hãng hoàn toàn không tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Đại gia Alibaba khi tham gia thị trường quốc tế đã liên tục bị tố là nền tảng bán hàng trực tuyến tiếp tay tiêu thụ hàng giả, vi phạm luật quốc tế và bị tổ chức chống hàng giả IACC hủy bỏ tư cách thành viên.
Xiaomi - startup giá trị nhất thế giới từng mạnh mẽ tuyên bố sẽ trở thành “Apple của Trung Quốc”, từng được định giá 45 tỷ USD đã xuống còn dưới 4 tỷ USD trong vòng 18 tháng. Hãng này tăng trưởng thần kỳ khi là một nhà bán điện thoại nội địa và tụt dốc không phanh khi bắt đầu mở rộng ra thị trường thế giới. Sau một thời gian dài sao chép các ông lớn như Apple và Samsung, Xiaomi chưa từng chuẩn bị đủ những bằng sáng chế cần thiết, liên tục vấp phải những vụ kiện, vi phạm các quy định.
“Xiaomi không đủ nguồn lực khi gặp các đối thủ có các chương trình R&D tốt hơn, có kinh nghiệm sản xuất hơn, hệ thống phân phối tốt hơn. Không thể sáng tạo là điểm yếu chết người của Xiaomi”, IBTimes phân tích.
Sự am hiểu văn hóa cũng như thích nghi với thế giới sôi động bên ngoài đại lục vẫn là thách thức lớn với các công ty Trung Quốc. Và để tự “cởi trói”, các hãng công nghệ Trung Quốc ra sức chiêu mộ nhân tài từ các hãng lớn như Microsoft, Amazon với mong muốn nhanh chóng tiếp cận kiến thức, kỹ năng, văn hóa làm việc của những đại gia đến từ Mỹ.
Cách biệt tiền lương là rất lớn giữa một lao động Trung Quốc thông thường và một nhân tài có kinh nghiệm làm việc từ các công ty đa quốc gia. Mức lương trung bình cho lao động tay nghề cao tại Trung Quốc khoảng 16.000 USD/năm, tuy nhiên một nhân viên được “săn đầu người” có mức lương lên đến 100.000 USD/năm. Với chiến lược này, Trung Quốc hy vọng nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa Trung Quốc và thế giới, am hiểu hơn nền văn hóa sôi động bên ngoài đại lục.
>Hong Kong sẽ là Silicon Valley của phương Đông?
>Xiaomi và chiến lược "bắt chước - làm tốt hơn"
>Uber, Xiaomi và Airbnb là startup đắt giá nhất thế giới