Trung Quốc nỗ lực ổn định đồng CNY

LÊ PHAN| 17/01/2017 01:05

Những nỗ lực hỗ trợ đồng CNY của Chính phủ Trung Quốc trên cả thị trường trong nước và quốc tế trong thời gian qua dường như đã tác động mạnh mẽ đến thị trường.

Trung Quốc nỗ lực ổn định đồng CNY

Đồng Nhân dân tệ (CNY) đã biến động rất mạnh trong những ngày đầu năm nay, khi tăng giá mạnh đến 2,85% so với USD chỉ trong 3 ngày đầu tiên của năm mới.

Sự biến động trên là rất đáng chú ý trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay vẫn duy trì chính sách kiểm soát đồng CNY trên thị trường, mà nhiều quốc gia khác đã cho rằng nước này đang thao túng tiền tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu.

Đáng lưu ý mức tăng 1,44% trong ngày 4/1/2017 là mức dao động mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 2005 trở lại đây. Với việc PBoC chỉ cho phép tỷ giá USD/CNY thay đổi với biên độ 2% trong một phiên giao dịch thì mức biến động 1,44% trên là đáng lưu ý.

Mặc dù ngay sau đó 3 ngày kế tiếp, CNY đã giảm giá trở lại so với đồng USD, với mức giảm 1,58%, tuy nhiên kể từ đó đến nay đồng tiền này lại tiếp tục đi lên so với USD. Tỷ giá USD/CNY hiện đang giao dịch quanh mức 6,852. Những nỗ lực hỗ trợ đồng CNY của Chính phủ Trung Quốc trên cả thị trường trong nước và quốc tế trong thời gian qua dường như đã tác động mạnh mẽ đến thị trường.

Những biện pháp kiểm soát dòng vốn

Theo đó các tổ chức tài chính tại Trung Quốc sẽ phải báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị hơn 50.000 CNY thay vì mức 200.000 CNY như trước kia.

Ngoài ra, kể từ ngày 1/1/2017, PBoC cũng bắt đầu giám sát việc mua ngoại tệ của các thành phần trên thị trường, cụ thể mỗi năm một công dân chỉ được đổi tối đa số ngoại tệ tương đương 50.000 USD, trong khi thị trường CNY tại Hong Kong cũng bị cắt giảm nguồn cung nhằm hạn chế khả năng đồng tiền này bị phá giá.

Diễn biến đồng CNY trong những ngày đầu năm 2017

Trong khi đó, một tiết lộ gần đây của hãng tin Reuters cho thấy cơ quan quản lý ngoại hối (SAFE) đang yêu cầu các ngân hàng giữ kín chỉ dẫn của họ về kiểm soát dòng vốn và đảm bảo các nhà phân tích không công bố quan điểm tiêu cực về đồng CNY.

Cụ thể, nếu một ngân hàng đã vượt hạn mức giao dịch ngoại hối trong tháng mà SAFE cho phép thì ngân hàng sẽ buộc phải từ chối giao dịch của khách hàng mà không được giải thích lý do thực sự.

Ngoài ra, SAFE cũng sẽ kiểm soát kỹ tất cả giao dịch chuyển tiền quốc tế có giá trị từ 5 triệu USD trở lên, thay vì mức 50 triệu USD như trước đây. Cơ quan này cũng yêu cầu các ngân hàng hỏi khách hàng thật kỹ để đảm bảo các giao dịch ngoại hối này không phải giả mạo, nếu không, họ sẽ bị phạt.

Đồng thời cơ quan này cũng lặng lẽ thắt chặt các chương trình cho phép nhà đầu tư Trung Quốc tiếp cận thị trường nước ngoài, kể cả các nhà đầu tư tổ chức cũng thấy khó khăn khi đổi CNY sang ngoại tệ dù đã được cấp hạn mức đầu tư ra nước ngoài.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc thời gian qua đã liên tục sụt giảm mạnh đã buộc các nhà chức trách Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp trên. Theo công bố mới nhất của PBoC cho thấy dự trữ ngoại hối nước này lập đáy 5 năm mới tại 3.010 tỷ USD.

>>Trung Quốc thắt chặt chính sách đầu tư ra nước ngoài

Thống kế cho thấy kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới này đã giảm 10 quý liên tiếp từ kỷ lục 4.000 tỷ USD tháng 6/2014, riêng trong năm 2016 đã giảm mất 320 tỷ USD trước những nỗ lực ổn định đồng CNY của Chính phủ nước này.

Triển vọng của CNY

Với mục tiêu quốc tế đồng CNY, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách nâng cao giá trị đồng tiền này trên thị trường quốc tế trong những năm qua. Từ năm 2008 đến nay, nước này đã ký hàng loạt các hiệp định hoán đổi tiền tệ với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Braxin, Malaysia,… và sau đó không ngừng mở rộng về quy mô hiệp định.

Ngoài ra, nước này cũng thúc đẩy các thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại song phương, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các hoạt động giao thương quốc tế.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã cho phép các công ty có mức tín nhiệm tốt ở Thượng Hải và 4 thành phố ở tỉnh Quảng Đông được dùng đồng CNY trong giao dịch với các đối tác ở Hong Kong, Macao và các nước thuộc ASEAN. Nước này cũng phát hành các trái phiếu chính phủ bằng đồng CNY cho các nhà đầu tư tại Đặc khu hành chính Hong Kong.

Ngân hàng trung ương nước này cũng tích cực mua vàng vào để đa dạng kho dự trữ ngoại hối, đưa nước này trở thành quốc gia mua vàng nhiều nhất liên tục qua các năm gần đây.

Tiếp đến ngày 30/9/2016, đồng CNY đã được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chính thức cho phép tham gia vào danh mục các đồng tiền dự trữ (SDR) cùng với các đồng tiền mạnh như USD, EUR, yên Nhật và bảng Anh. Trong 10 năm qua, cùng với việc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, rõ ràng Trung Quốc cũng đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Những biến động mạnh của đồng CNY trên thị trường ngoại hối gần đây khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu thả nổi đồng CNY, sau một thời gian bị kiểm soát chặt chẽ. Thời gian gần đây, đồng CNY lại tiếp tục trở thành đề tài chú ý khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc là quốc gia thao túng đồng tiền đễ hỗ trợ xuất khẩu, làm mất cân bằng cán cân thương với Mỹ.

Nếu chính sách thả nổi được thực hiện có thể nhằm đáp trả lời chỉ trích của ông Trump cũng như lấy lại niềm tin của giới đầu tư, bảo vệ nguồn dự trữ ngoại hối của nước này.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm ngược lại khi cho rằng việc Trung Quốc nếu thả nổi tỷ giá trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến một sự xáo trộn mạnh và tác động tiêu cực lên thị trường toàn cầu, do đó bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để thả nổi tỷ giá, tuy nhiên có thể lựa chọn nới rộng biên độ giao dịch lên cao hơn từ mức 2% như hiện nay.

Dù là gì đi nữa, rõ ràng diến biến trong những ngày đầu năm nay của tỷ giá USD/CNY cũng cho thấy đồng CNY dự báo sẽ có một năm biến động lớn, và do đó có thể sẽ thu hút một lượng lớn nhà đầu tư tham gia vào thị trường này.

>>Đồng CNY vào giỏ tiền tệ quốc tế: Rủi ro cho doanh nghiệp Việt?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc nỗ lực ổn định đồng CNY
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO