Trung Quốc: "Nhà dưỡng lão" mới?

PHƯƠNG VY| 20/07/2012 00:05

Didier Drogba đã chính thức ra mắt tại Câu lạc bộ Thượng Hải Shenhua như một người hùng, và anh cũng là người nổi tiếng nhất trong số các cầu thủ ngoại đang thi đấu tại Giải nhà nghề Trung Quốc.

Trung Quốc:

Didier Drogba đã chính thức ra mắt tại Câu lạc bộ Thượng Hải Shenhua như một người hùng, và anh cũng là người nổi tiếng nhất trong số các cầu thủ ngoại đang thi đấu tại Giải nhà nghề Trung Quốc (CSL). Không nghi ngờ gì nữa, đất nước đông dân nhất thế giới đang trở thành một thiên đường dưỡng lão mới, sau MLS và Trung Đông.

Đọc E-paper

Dù hầu hết các ngôi sao đến với CSL đều đã ở tuổi xế chiều của sự nghiệp, nhưng người hâm mộ bóng đá nước này vẫn như phát cuồng vì có cơ hội được chiêm ngưỡng họ thi đấu trực tiếp chứ không còn qua màn ảnh truyền hình như trước đây nữa.

Sự xuất hiện của một loạt những nhà tài phiệt lớn, với niềm đam mê bóng đá, cùng quyết định nới lỏng về “quota” cầu thủ ngoại càng khiến các ngôi sao lớn có cơ hội dưỡng già tại đây.

Drogba nói rằng anh đến Thượng Hải không phải vì tiền, mà vì muốn trải nghiệm những cảm giác mới lạ ở Viễn Đông. Đó là lý do anh từ chối nhiều lời mời từ các đội bóng lớn ở châu Âu.

Lời lý giải ấy vừa đúng, vừa sai. Đúng vì sau khi đã đoạt được rất nhiều vinh quang tại châu Âu và đã 34 tuổi, người ta có quyền nghĩ đến việc chia tay trên đỉnh cao, và quãng đời còn lại chỉ cần thi đấu ở một giải đấu trình độ thấp hơn để giảm bớt áp lực cạnh tranh.

Sau màn trình diễn thuyết phục cùng Chelsea mùa vừa rồi, Drogba vẫn còn sức hút, nhưng nếu sang một câu lạc bộ lớn khác ở châu Âu, anh sẽ rất khó trụ lại lâu.

Nhưng Drogba đến Thượng Hải không phải vì lý do duy nhất ấy. Tại Thượng Hải Shenhua, mức lương của anh, theo tờ Daily Mail tiết lộ, lên tới 270.000 bảng/tuần. Đó là con số mà bất cứ ngôi sao nào tại Premier League cũng mơ ước.

Chưa kể mức thuế thu nhập ở Trung Quốc hoàn toàn không cao như tại Anh, hay mới đây là Pháp. Như vậy, nếu Drogba hoàn tất bản hợp đồng có thời hạn hai năm rưỡi, anh nghiễm nhiên đút túi hơn 30 triệu bảng từ lương, quả là quá hời đối với một cầu thủ đã 34 tuổi.

Tại Thượng Hải, Drogba sẽ tái hợp với người đồng đội cũ ở Chelsea là Nicolas Anelka, và bộ đôi này hứa hẹn sẽ mang đến rất nhiều nguy hiểm cho các hàng phòng ngự ở CSL.

Huấn luyện viên Sergio Batista thậm chí còn có ý định mời nhạc trưởng Juan Roman Riquelme (vừa chia tay Boca Juniors) về để tạo nên một bộ ba tấn công siêu hạng. Nhưng hiện tại ông tạm hài lòng với Giovani Moreno, tiền vệ kiến thiết tài năng của tuyển Colombia.

Việc CSL thu hút nhiều sao ngoại, từ cầu thủ cho đến huấn luyện viên, là một tín hiệu tích cực, trên phương diện giải trí cũng như nâng tầm Giải vô địch quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng cầu thủ ngoại bao giờ cũng có tính hai mặt.

Đầu tư cho những ngôi sao ngoại đồng nghĩa với cơ hội thi đấu ít đi cho những cầu thủ bản địa. Những người làm bóng đá Trung Quốc nghĩ rằng, chỉ riêng việc ăn ở và tập cùng các ngôi sao đã là cơ hội để các cầu thủ trong nước nâng cao trình độ.

Các ngôi sao ngoại đáng chú ý tại Trung Quốc:

- Bắc Kinh Guan: Frederic Kanoute (Mali).
- Trường Xuân Yatai: Edison Perea (Colombia).
- Đại Liên Aerbin: Seydou Keita (Mali), Fabio Rochemback (Brazil).
- Quảng Châu Evergrande: Dario Conca (Argentina), Lucas Barrios (Paraguay).
- Quảng Châu R&F: Yakubu Aiyegbeni (Nigeria).
- Thượng Hải Shenhua: Didier Drogba (Bờ biển Ngà), Nicolas Anelka (Pháp), Giovani Moreno (Colombia).

Các huấn luyện viên ngoại đáng chú ý:

- Marcello Lippi (Quảng Châu Evergrande), Sergio Farias (Quảng Châu R&F), Takeshi Okada (Hàng Châu Greentown), Henk ten Cate (Sơn Đông Luneng), Sergio Batista (Thượng Hải Shenhua).

Song, các huấn luyện viên Đội tuyển quốc gia lại rất ngán ngẩm trong những đợt tập trung Đội tuyển quốc gia bởi tình trạng “so bó đũa, chọn cột cờ”.

Đơn cử như ở giải năm 2011, tốp 3 chân sút hàng đầu của CSL đều là những cầu thủ ngoại: Muriqui (16 bàn), Leandro Netto (14) và Danalache (13). Trong tốp 10 chỉ vỏn vẹn có Gao Lin (11) và Chao Yuhan (12).

Mùa giải năm nay (sau 17 vòng đấu), sự thống trị của các chân sút ngoại còn kinh khủng hơn. Danalache dẫn đầu với 13 bàn, trong khi cầu thủ nội của Trung Quốc ghi nhiều bàn nhất là Qu Bo, Du Wei và Yang Xu đều mới vỏn vẹn 5 lần lập công.

Giống như ở... V-League, các huấn luyện viên tại CSL đều cảm thấy an toàn hơn khi dành mặt trận tấn công cho những ngôi sao ngoại, dẫn đến việc các chân sút nội ngồi chờ mòn mỏi trên băng ghế dự bị. Sau khi gia nhập Thượng Hải Shenhua, làm gì có chuyện Drogba ngồi ghế dự bị khi anh và Anelka được xem như một cặp trời sinh của sân Hongkou.

Vậy thì còn đâu chỗ dành cho các cầu thủ nội, và sẽ chẳng ngạc nhiên nếu như đất nước đông dân nhất thế giới không thể chọn ra được 11 cầu thủ giỏi đủ sức đương cự với Nhật Bản hay Hàn Quốc, chứ chưa nói tới các đội tuyển hàng đầu thế giới ở châu Âu hay Nam Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: "Nhà dưỡng lão" mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO