![]() |
Các công ty Trung Quốc đang đổ ngày càng nhiều vốn vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Mỹ, một phần bởi tham vọng tận dụng nguồn chất xám của quốc gia phát triển nhất thế giới này, theo Reuters.
Gần một thập kỷ trước các công ty Trung Quốc gần như vắng bóng ở các phòng nghiên cứu của Mỹ. Tình hình nay đã khác, họ đang thuê các nhà nghiên cứu Mỹ tạo ra các bằng sáng chế sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ phần mềm đến cơ sở hạ tầng internet.
Thực tế, mỗi phát minh được cấp bằng sáng chế của Trung Quốc đều có sự tham gia của ít nhất một nhà nghiên cứu Mỹ. Trong 3 năm trở lại đây số bằng sáng chế này đã tăng gấp đôi, đến năm 2014 con số này là 910.
Vincent Xiang, trưởng bộ phận đầu tư quốc tế của Humanwell Healthcare - một công ty Trung Quốc đã rót 50 triệu USD xây dựng cơ sở nghiên cứu của mình ở New Jersey và thuê hàng chục nhà nghiên cứu Mỹ làm việc, cho biết: "Nếu sản phẩm không có sự cải tiến thì sẽ rất khó cạnh tranh ngay cả với thị trường trong nước".
Mới đây, Cơ quan sáng chế quốc gia của Trung Quốc vừa công bố chiến lược phát triển, trong đó nhấn mạnh kế hoạch của nước này đến năm 2020 gồm 7 ngành công nghiệp chiến lược định vị sức tăng trưởng. Đó là các ngành công nghệ sinh học, năng lượng thay thế, phương tiện sử dụng năng lượng sạch, sản xuất thiết bị cao cấp, chất bán dẫn cao cấp và phát triển hạ tầng băng thông.
Kế hoạch này cũng bao gồm việc nâng mức chi phí trong hoạt động nghiên cứu và phát triển từ 1,75% trong năm 2010 lên 2,2% trong năm nay.
Thilo Hanemann - nhân viên Công ty tư vấn Rhodium chuyên quản lý cơ sở dữ liệu về vốn FDI của Trung Quốc tại New York cho biết: "Đây là một sự thay đổi trong mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc khi quốc gia này đang muốn chuyển hướng từ một nền kinh tế phát triển dựa vào hoạt động xuất khẩu và đầu tư nội địa sang phát triển lĩnh vực công nghệ, dịch vụ và tiêu dùng".
Theo số liệu của Rhodium Group, dòng vốn đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Mỹ đã tăng từ hàng chục, hàng trăm triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2000-2009, lên đến gần 15 tỷ USD tính tới thời điểm năm 2014.
Tuy nhiên, bên cạnh việc Trung Quốc mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại Mỹ thì hoạt động đầu tư trực tiếp giữa hai quốc gia này lại rất thấp.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, tổng số cố phiếu tích lũy từ các công ty Mỹ đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc chỉ chiếm hơn 1% lượng vốn FDI đổ vào các doanh nghiệp Trung Quốc trong tất cả các quốc gia. Hầu hết các doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc đến từ nhiều nước trong khu vực châu Á.
Ở chiều ngược lại, tổng số cổ phần của các công ty Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ thậm chí còn thấp hơn 1%, nhưng con số này đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây khi Bắc Kinh từng bước dỡ bỏ các rào cản trong quy định đối với các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Thực tế, Trung Quốc hiện là nước có nhiều bằng sáng chế nhất thế giới, song các nhà kinh tế phát triển đã chỉ ra rằng các bằng sáng chế đăng ký trong nước do nhà nước tài trợ đều có chất lượng thấp, trong khi những phát minh của doanh nghiệp Trung Quốc thuê các nhà nghiên cứu ở Mỹ thì đều có chất lượng tốt hơn.
>R&D tại châu Á: Lợi thế từ khủng hoảng
>R&D: Tồn tại hay không tồn tại?