Trung Quốc có còn lợi thế “công xưởng thế giới”?

THỤY KHA| 15/07/2011 04:44

Lo ngại những bất ổn xã hội từ gia tăng khoảng cách giàu nghèo, Trung Quốc (TQ) đã tăng lương tối thiểu cho lao động cả nước. Mức tăng này càng khiến TQ tới gần “bước ngoặt Lewis”, khiến thời kỳ lao động giá rẻ tại công xưởng thế giới chấm dứt.

Trung Quốc có còn lợi thế “công xưởng thế giới”?

Lo ngại những bất ổn xã hội từ gia tăng khoảng cách giàu nghèo, Trung Quốc (TQ) đã tăng lương tối thiểu cho lao động cả nước. Mức tăng này càng khiến TQ tới gần “bước ngoặt Lewis”, khiến thời kỳ lao động giá rẻ tại công xưởng thế giới chấm dứt.

Theo khảo sát của Goldman Sachs tại Hồng Kông, mức lương của nhân công TQ tăng gần 12%/năm. Tăng trưởng nóng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh lo ngại những làn sóng bất ổn bắt nguồn từ vấn đề thu nhập thấp, nên đã tăng lương tối thiểu từ 14% lên 21% vào năm ngoái.

Lao động TQ có mức lương tăng trung bình 15%.

Theo Bộ An ninh xã hội và nguồn nhân lực TQ, mức tăng lương đi cùng với tốc độ tăng doanh thu của doanh nghiệp, và chính phủ sẽ kiểm soát mức lương quá cao hiện nay của các giám đốc trong các doanh nghiệp nhà nước. Tính đến nay đã có 13 tỉnh và khu tự trị thực hiện tăng lương tối thiểu trung bình ở mức 22,8%.

TQ cam kết tăng lương trung bình lên khoảng 15% nhằm đạt mục tiêu tăng gấp đôi mức lương hiện nay cho người lao động từ nay đến hết năm 2015. Vì vậy, ông Harley Seyedin, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại phía nam TQ, kết luận: “Thời kỳ lao động giá rẻ tại TQ đã chấm dứt”.

Mức lương trung bình tại các nhà máy TQ hiện nay khoảng 3,1 USD/giờ, nhưng tại các khu vực phía đông đã tăng lên hơn 50% so với mức này.

Theo đánh giá chung, đình công liên tiếp xảy ra ở TQ là biểu hiện rõ ràng rằng kinh tế TQ đang hướng tới “bước ngoặt Lewis” (một học thuyết kinh tế đặt theo tên nhà kinh tế được giải Nobel, Arthur Lewis).

Hậu quả là các nhà sản xuất có thể chuyển sang những nước có chi phí nhân công rẻ hơn. Hãng Morgan Stanley ước tính lương tối thiểu ở Thượng Hải là 141 USD/tháng, trong khi ở Mumbai là 77USD, còn ở Hà Nội là 74USD.

Jim Walker, chuyên gia kinh tế của Asianomics tại Hồng Kông, kết luận, trong các ngành công nghiệp xuất khẩu giá trị thấp, TQ rõ ràng đang mất tính cạnh tranh so với những nước khác như Việt Nam.

Tại thành phố Thẩm Quyến, công nhân đình công, biểu tình trước cổng nhà máy của các công ty nước ngoài. Nhưng theo ông Qiang Li, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Mỹ China Labor Watch (CLW), “mọi việc đã dần khá hơn”.

Theo ước tính của ông, 85% công nhân tại các nhà máy này đã được tăng lương hồi năm 2010. Áp lực đòi tăng lương của công nhân đã có tác động rõ rệt: công nhân tại các nhà máy kiếm được 141 USD/tháng, tăng 21%/năm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, “các điều kiện làm việc thường không thỏa đáng”.

Ông Li Xiaogang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, nói:

“Về lý thuyết, lương tăng sẽ khiến các công ty chuyển nhà máy từ TQ sang nước có giá nhân công rẻ hơn, nhưng khả năng này không cao vì TQ có lợi thế về cơ sở hạ tầng, chính trị ổn định và thị trường tiêu thụ khổng lồ, kỹ năng nhân công tốt hơn các nước láng giềng”.

Các công ty có thể sẽ dời nhà máy sang những vùng khác như Tứ Xuyên, Trùng Khánh hơn là sang các nước khác. Các công ty có thể dùng cách này gây áp lực lên chính phủ TQ nhằm tìm cách giải quyết phù hợp.

Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều công ty TQ và quốc tế chuyển sang khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, để tìm kiếm nhân công giá rẻ.

Tại Việt Nam, mức lương của công nhân tại các khu sản xuất lớn không vượt quá 85 USD/tháng. Một doanh nhân người TQ giải thích: “Ở Việt Nam mọi thứ đều rẻ hơn, vì chi phí nhân công ở TQ ngày càng tốn kém”.

Một cố vấn truyền thông làm việc tại trụ sở của Foxconn nhận định: “Việt Nam đã trở thành một quốc gia rất cạnh tranh và năng động”. Trong tháng 1/2011, TQ đã đầu tư vài triệu USD vào hai dự án tại Việt Nam và hiện đang là nhà đầu tư lớn thứ 8 của Việt Nam.

Nhờ có Hiệp định Thương mại tự do giữa TQ và ASEAN được thực hiện từ đầu năm 2010, xuất khẩu sang TQ của Việt Nam đã tăng 49% trong 12 tháng qua.

Đồng nhân dân tệ của TQ được sử dụng làm một tiêu chuẩn, trong khi tiền đồng của Việt Nam lại bị mất giá hồi tháng 2 và đó là lần mất giá thứ tư trong vòng 15 tháng qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc có còn lợi thế “công xưởng thế giới”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO